Chứng nhân của hành trình đổi mới

08:21 - Thứ Năm, 26/08/2021 Lượt xem: 3894 In bài viết

ĐBP - Mảnh đất Điện Biên đã trải qua nhiều thăng trầm, biến động của lịch sử, để có được cuộc sống yên bình, no ấm như ngày hôm nay. Chứng nhân của hành trình đổi mới ấy không chỉ là những người con của dải núi biên cương này mà còn biết bao lớp người từ các tỉnh thành vượt đèo cao lên đây vun đắp quê hương thứ 2. Đó là những chiến sĩ Điện Biên ở lại hồi sinh mảnh đất đầy thương tích chiến tranh. Là những thanh niên xung phong, bằng đôi tay, sức trẻ làm nên các công trình giúp miền núi bắt kịp miền xuôi. Là những người theo tiếng gọi Tổ quốc, rời nơi chôn nhau cắt rốn lên xây dựng vùng kinh tế mới. Là cán bộ, giáo viên đưa tri thức khai sáng vùng đất còn bị che khuất bởi mây mù, núi cao…

Một góc trung tâm TP. Điện Biên Phủ.

Điện Biên sau ngày giải phóng bị bom đạn cày xới, ngổn ngang tàn tích chiến tranh, cuộc sống nhân dân lạc hậu, thiếu thốn đủ bề. Những năm sau đó, dưới bàn tay lao động, chung sức của cả người bản địa và các lực lượng, cùng nhân dân miền xuôi, mảnh đất dần phục hồi, sinh sôi, mang đến no đủ cho bà con. Mỗi năm mỗi khác, đất nở hoa, ao hồ đầy tôm cá, cuộc sống thay đổi từng ngày. Ông Thào A Pha, thôn Sín Chải, xã Sín Chải, huyện Tủa Chùa, năm nay 68 tuổi, sinh ra vào thời chiến, chứng kiến những biến động, gian khó của quê hương. Trong ký ức của ông, các bản đồng bào dân tộc Mông nơi đây cũng như bao nơi khác “ăn theo sương mù”, sống nơi núi cao, không có đường sá, đi lại khó khăn. Và giữ cái lý “đẻ nhiều để có người làm nương”, “bệnh tật, ốm đau là do ma rừng”. Nhiều năm về trước, Sín Chải vẫn “4 không”, không điện, đường, trường, trạm. Nhưng giờ đây đã thay đổi hoàn toàn. Ông Thào A Pha nhận xét: “Đảng, Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư, hỗ trợ đã giúp cho đời sống nhân dân Sín Chải phát triển đi lên. Giờ đây đường giao thông đến từng bản, dễ dàng đi lại, buôn bán hàng hóa, chứ không còn phải thồ ngựa, đi bộ, lo lắng mưa gió như ngày xưa. Các thôn trong xã đều đi được xe máy. Còn có đường nhựa vòng từ Sín Chải qua các thôn Cáng Chua 1, 2 về Hấu Chua, Sáng Tớ, Háng Là, đi lại thuận lợi. Trường học có cả cấp I và cấp II,  cùng các điểm bản. Hàng năm, các cháu được hỗ trợ ăn học nên rất thích đến trường, nhân dân cũng rất vui, cho con em đi học đầy đủ. Điện thì đã kéo về hầu hết các bản. Trạm y tế được trang bị máy móc, máy khám, siêu âm đầy đủ, giúp đảm bảo sức khỏe nhân dân. Hàng năm, Nhà nước còn cho trâu, bò, gà, vịt, giống cây, nhiều thứ lắm, nhân dân rất phấn khởi và cố gắng hơn trong xóa đói giảm nghèo. Cách đây 10 năm, dân Sín Chải thiếu đói nhiều nhưng giờ tuy vẫn còn hộ nghèo nhưng không thấy hộ nào kêu đói nữa”.

Để một vùng đất có điều kiện phát triển, giao thông phải đi trước một bước. Những năm 1960, hàng nghìn thanh niên xung phong từ các tỉnh miền xuôi đã cống hiến cả tuổi trẻ, cả máu và tính mạng để làm đường, mở rộng những tuyến Tuần Giáo - Điện Biên, Tuần Giáo - Huổi Lóng, Điện Biên - Tây Trang… Ngày ấy, ông Lê Thanh Bình (hiện sinh sống tại tổ dân phố 5, phường Him Lam, TP. Điện Biên Phủ) ngoài 20 tuổi, thuộc Đại đội 33, Công trường 426, tham gia mở đường Tuần Giáo đi Điện Biên. Đường cũ bị bom đạn cày xới, chỉ vừa 1 chiếc xe đi, 2 vệt bánh xe lún sâu mặt đường, còn giữa đường gồ cao, cỏ mọc xanh tốt. Công việc của ông cùng đồng đội là san lấp mặt đường, mở rộng đường, hạ dốc, cắt cua, hoàn toàn thủ công với xà beng, cuốc, xẻng… Để tạo nên con đường bằng phẳng, rộng 5 - 6m. Nhớ lại thời gian khó ấy, ông Bình chia sẻ: “Trước lái xe từ Điện Biên đi Tuần Giáo có khi mất 2 ngày đường, mỗi chuyến đi về phải làm lại lốp. Chúng tôi phải đắp thêm cho lốp dày lên vì đi đường bị mòn, mỏng quá. Giờ thì đường đẹp, đi êm, chưa đầy 2 tiếng là tới nơi rồi. Qua báo, đài, tôi cũng được biết, đường đi các huyện, xã, bản đều được đầu tư nâng cấp, đi lại thuận tiện. Hàng năm, tôi thường đi Tuần Giáo thăm bạn, thấy các xã, thị trấn bên đường cũng thay đổi hoàn toàn. Trước đây, khu dân cư Mường Ảng nằm sâu phía trong, tĩnh mịch như một hòn đảo cách biệt. Nhưng bây giờ nhà cửa, quán xá san sát mặt đường, cao tầng, hiện đại, trở thành thị trấn sôi động. Dân kiến thiết, Nhà nước kiến thiết, khiến đường sá, nhà ở đâu đâu cũng phát triển đẹp hơn”. Ông Bình cho biết thêm, đường trước cửa nhà ông cũng mới được nâng cấp, sửa chữa năm 2020. Gia đình ông và con gái đã hiến gần 4m chiều sâu, 20m chiều rộng để làm con đường này. Trước là đường mương, rộng tầm 3m, không có lối vào cho ô tô. Vừa qua, thực hiện chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm, con đường đã được mở rộng 6m (cả cống), ô tô có thể ra vào, khiến nhân dân đều phấn khởi, đồng thuận.

Ông Lê Thanh Bình, cựu thanh niên xung phong làm đường Tuần Giáo - Điện Biên, xem lại tấm ảnh kỷ niệm với đồng đội, đồng nghiệp nhiều năm về trước.

Mỗi “chứng nhân của hành trình đổi mới” khắc ghi những ký ức khác nhau, mang trong mình câu chuyện khác nhau. Ông Vũ Đức Hợi, thôn Thanh Bình, xã Thanh Luông (huyện Điện Biên) cùng gia đình rời quê hương Thái Bình lên Điện Biên xây dựng vùng kinh tế mới khi mới 17 tuổi (năm 1964). Ông còn nhớ rõ chuyến đi ấy ròng rã 5 ngày 4 đêm. Lên đến nơi, lòng chảo Mường Thanh hoang vu, đồi núi mấp mô, hố bom, hàng rào thép gai còn ngổn ngang. Gia đình phải dựng lều tranh ở tạm, áo không đủ mặc, cơm không đủ no, bữa nào cũng ăn độn rau củ. Gian khổ quá đến nỗi một số hộ lên cùng đợt bỏ về quê cũ. Rồi bằng sức lao động, khai hoang, phục hóa trồng rau màu, lúa nước, khó khăn cũng dần đi qua. Giờ đây thôn Thanh Bình là khu vực trung tâm xã, ngay sát TP. Điện Biên Phủ, đông đúc, nhộn nhịp người qua lại. Ông Hợi cho biết: “Sau nhiều năm vượt khó, gia đình đã có của ăn của để, con cháu lớn khôn, có công việc, cuộc sống đủ đầy. Các hộ dân cùng lên xây dựng vùng kinh tế mới năm đó cũng vậy. Giờ hầu hết các hộ làm nhà bên đường trục chính vào UBND xã, có lợi thế cho phát triển kinh tế, văn hóa xã hội. Ngay giữa thôn hình thành 1 chợ xép phục vụ nhu cầu mua bán của người dân trong xã. Tận dụng thuận lợi ấy, hàng chục cửa hàng dịch vụ kinh doanh tổng hợp, thời trang, xay xát, sửa chữa xe máy, đồ điện... của người dân trong thôn được mở ra, mua bán sôi động quanh năm”.

Trong tình hình khó khăn chung do dịch bệnh, thời gian qua tại tỉnh ta, sức khỏe nhân dân được đảm bảo, lao động, sản xuất diễn ra ổn định, các chỉ số tăng trưởng duy trì ở mức tích cực, an ninh trật tự được đảm bảo, đời sống nhân dân ngày càng nâng lên… Những kết quả ấy, là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của các tầng lớp nhân dân, và tiền đề cống hiến, dựng xây của chính những chứng nhân trong hành trình đổi mới.

Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top