Bài dự thi giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng

Quan tâm phát triển Đảng trong vùng đồng bào tôn giáo

07:09 - Thứ Hai, 20/09/2021 Lượt xem: 4414 In bài viết

ĐBP - Những năm gần đây, các cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả việc phát triển đảng viên là người có đạo. Những đảng viên này luôn phát huy vai trò tiên phong gương mẫu thực hiện tốt các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng. Đây cũng là lực lượng nòng cốt quan trọng thực hiện và tuyên truyền, vận động đồng bào tôn giáo thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo và công tác tôn giáo ở cơ sở. Từ đó, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng cho đồng bào tôn giáo, tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với đồng bào có đạo.

Ông Mùa A Chùa, đảng viên theo tôn giáo tại bản Ham Xoong 1, xã Vàng Đán (huyện Nậm Pồ) tuyên truyền, vận động người dân trong bản chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Ảnh: P.V

Bài 1: Gian nan “đãi cát tìm vàng”

Đồng bào các tôn giáo luôn đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của các cấp chính quyền địa phương. Thế nhưng, do nhiều nguyên nhân khác nhau một bộ phận rất dễ bị đối tượng xấu lợi dụng, trở thành chiêu bài chống phá Đảng, Nhà nước. Điều đó đặt ra vấn đề cần phải có những cán bộ, đảng viên cốt cán trong đồng bào tôn giáo để giúp bà con không chọn sai “con đường” mình đi. Thế nhưng trong thời gian qua, công cuộc “đãi cát tìm vàng” này vẫn còn lắm gian nan…

“Mảnh đất” kẻ xấu dễ lợi dụng

Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng hơn 71.000 người theo các tôn giáo: Tin lành, Công giáo, Phật giáo. Phải khẳng định rằng, đồng bào tôn giáo là bộ phận quan trọng của khối đại đoàn kết dân tộc tỉnh nhà. Nhìn chung tình hình đồng bào tôn giáo trên địa bàn tỉnh thời gian qua cơ bản ổn định, không xảy ra các vụ việc, hiện tượng phức tạp. Các tổ chức, cá nhân tôn giáo trên địa bàn tỉnh hoạt động ổn định, tuân thủ pháp luật. Nhiều người còn bày tỏ nguyện vọng phấn đấu vào Đảng, cống hiến xây dựng quê hương giàu đẹp.

Tuy vậy, vẫn còn một số ít đồng bào theo tôn giáo bị các đối tượng xấu, thế lực thù địch lợi dụng, trở thành “quân bài” để chống phá Đảng, Nhà nước. Còn nhớ cách đây 10 năm, giữa năm 2011, một nhóm đối tượng phản động đã lợi dụng mê tín dị đoan, thần quyền giáo lý để tuyên truyền lừa bịp, lôi kéo đồng bào Mông từ các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Sơn La, Lào Cai, Lai Châu, thậm chí ở các tỉnh Tây Nguyên như Đăk Lăk, Đăk Nông… kéo về tụ tập tại bản Huổi Khon, xã Nậm Kè (huyện Mường Nhé) để chờ ngày “Chúa phán quyết” và xưng vua. Ước tính đã có khoảng 7.000 người ồ ạt kéo về bản Huổi Khon, xã Nậm Kè tụ tập. Vụ việc sau đó đã được các cơ quan chức năng giải quyết, những kẻ xúi giục bà con làm việc xấu đã bị khởi tố, bắt giam và đưa ra xét xử công khai theo đúng quy định của pháp luật. 

Còn tại huyện biên giới Nậm Pồ, thời gian qua tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn nói chung, tại vùng đồng bào dân tộc tôn giáo nói riêng tương đối ổn định. Hiện nay, trên địa bàn huyện Nậm Pồ có 2 tôn giáo chính đang hoạt động gồm 8 hệ phái với khoảng trên 26.300 tín đồ, sinh hoạt tại 102 điểm nhóm, trong đó 93 điểm nhóm đã được cấp đăng ký sinh hoạt tập trung. Tuy nhiên, nhiều bà con tôn giáo vẫn bị những đối tượng xấu xúi giục, lợi dụng để mong đạt được những mục đích của chúng. Từ năm 2013 đến nay, có tà đạo Giê Sùa xâm nhập vào một số xã, bản trên địa bàn. Qua công tác tuyên truyền, đấu tranh của cấp ủy, chính quyền và lực lượng chức năng các cấp, người dân đã từ bỏ và đi theo các hệ phái chính thống. Dẫu vậy, vẫn còn tình trạng điểm, nhóm có biểu hiện chống đối, trong quá trình triển khai các chương trình dự án của huyện còn cản trở, yêu sách, bị kích động ly khai, tự trị.

Không chỉ ở miền biên viễn mà ngay trong nội địa, vấn đề tôn giáo cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Nguyên nhân chủ yếu vẫn từ việc bà con bị kẻ xấu lợi dụng. Ngược thời gian về những năm 1990, nghe lời tuyên truyền, xúi giục của kẻ xấu, 13/18 hộ dân của bản Liếng - bản theo tôn giáo của xã Mường Thín, huyện Tuần Giáo bỏ nhà cửa, đất đai mà cha ông đã sinh sống từ bao đời nay để di canh di cư đến vùng đất khác. Tuy một thời gian sau đã có 6 hộ không chịu nổi vất vả mà trở về, nhưng điều đó cũng đặt ra vấn đề cần phải có cán bộ, đảng viên trong đồng bào tôn giáo để ‘lĩnh ấn tiên phong” trong nhiều công việc tại xã, bản... Và bài học đó vẫn còn nguyên giá trị cho đến tận ngày nay.

Những trở ngại cản đường

Trước đây, vấn đề dân tộc, tôn giáo bị nhiều địa phương xem là vấn đề “nhạy cảm”, ngại đề cập tới. Thế nhưng cơ hội mở ra khi các điểm nhóm được tạo điều kiện cho hoạt động tôn giáo công khai, được cấp đăng ký sinh hoạt tập trung theo đúng quy định của pháp luật. Các cơ quan chức năng tỉnh ta cùng cấp ủy, chính quyền địa phương đã tích cực vào cuộc, tạo điều kiện cho hoạt động tôn giáo công khai, đấu tranh kiên quyết với các loại tà đạo lợi dụng tôn giáo để chống phá Đảng và Nhà nước. Hơn thế nữa, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 123-QĐ/TW, ngày 28/9/2004 về kết nạp đảng viên đối với người có đạo và đảng viên có đạo tham gia sinh hoạt tôn giáo. Từ ngày 28/8/2018, Quy định 06-QĐi/TW một số điểm về kết nạp đảng viên đối với người theo tôn giáo và đảng viên là người theo tôn giáo tham gia sinh hoạt tôn giáo được Bộ Chính trị ban hành thay thế với nhiều điểm mới, cụ thể hơn. Từ đó tăng cường phát hiện, bồi dưỡng đảng viên trong đồng bào tôn giáo, phát huy sức mạnh hạt nhân chính trị tại cơ sở. Dù biết rằng chặng đường đó cũng sẽ có nhiều khó khăn…

Huyện biên giới Nậm Pồ hiện có 59 đảng viên là người theo tôn giáo (nhiều nhất trong toàn tỉnh). Để đạt được kết quả đó là cả một quá trình nỗ lực vượt qua khó khăn của cấp ủy, chính quyền huyện Nậm Pồ. Đồng chí Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nậm Pồ cho biết: Khó khăn trong việc phát triển đảng viên đối với đồng bào tôn giáo trên địa bàn huyện chủ yếu ở việc thẩm tra, xác minh lý lịch của người xin vào Đảng. Nguyên nhân là do đồng bào thường di cư từ nơi khác đến, nhiều người còn du canh, du cư qua nhiều địa phương khác nhau từ Nam ra Bắc nên khó xác minh. Ngoài ra, nhiều quần chúng ưu tú, có uy tín tại cơ sở, mong muốn đứng trong hàng ngũ của Đảng nhưng trình độ văn hóa thấp, nhiều trường hợp lại sinh tới 5 con… nên không đảm bảo theo Quy định số 06-QĐi/TW.

Cùng chung thực trạng với Nậm Pồ, huyện Mường Chà còn có thêm một số khó khăn cản trở công tác phát triển đảng vùng đồng bào tôn giáo. Đồng chí Nguyễn Trường Giang, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Chà cho biết: Trình độ học vấn, nhận thức của đồng bào vùng dân tộc thiểu số nói chung, vùng đồng bào có đạo nói riêng còn thấp nên chưa đáp ứng được yêu cầu. Cũng vì nguyên nhân này mà một số quần chúng chỉ tập trung lo kinh tế, không tham gia vào công tác tại địa phương, không có nguyện vọng phấn đấu vào Đảng. Một số cấp ủy, tổ chức đảng vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn chưa chủ động trong công tác tạo nguồn phát triển đảng viên; công tác tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng giác ngộ quần chúng theo tôn giáo còn hạn chế. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch trong và ngoài nước vẫn tăng cường chống phá Đảng và Nhà nước ta, nhất là trong vấn đề tôn giáo, dân tộc, dân chủ, nhân quyền. Chúng thường xuyên xuyên tạc chủ trương, chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước, gây hoang mang, hoài nghi trong đồng bào và các chức sắc tôn giáo. Vậy nên, một số quần chúng là người theo tôn giáo còn băn khoăn, lo ngại khi vào Đảng sẽ bị hạn chế sinh hoạt.

Khó khăn của 2 địa phương Nậm Pồ, Mường Chà có thể xem là những khó khăn chung trong công tác phát triển đảng ở vùng đồng bào tôn giáo trong toàn tỉnh. Vượt lên trên những khó khăn đó, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy, địa phương, nhiều đồng bào tôn giáo ưu tú đã được phát hiện, bồi dưỡng để kết nạp Đảng. Những “hạt giống đỏ” được ươm mầm này sẽ là hạt nhân chính trị, giúp đưa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước đến gần hơn với đồng bào tôn giáo…

Bài 2:  Ươm mầm “hạt giống đỏ” vùng đồng bào tôn giáo

Nhóm P.V
Bình luận
Back To Top