Trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu

08:22 - Thứ Hai, 27/09/2021 Lượt xem: 4849 In bài viết

ĐBP - Bác Hồ từng nói “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Điều này thể hiện việc Người luôn quan tâm và yêu cầu cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong mọi việc, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Xác định rõ điều đó cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu các cấp ủy, tổ chức, cơ quan, đơn vị trong tỉnh luôn ý thức, trách nhiệm việc thực hiện nêu gương, phát huy hiệu quả tính tiên phong, gương mẫu trong mọi lĩnh vực góp phần xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Nêu gương người đứng đầu, các đồng chí Thường trực Huyện ủy Mường Ảng thường xuyên đi cơ sở, nắm tình hình, tâm tư nguyện vọng của người dân. Trong ảnh: Các đồng chí thường trực Huyện ủy Mường Ảng kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại xã Búng Lao.

Cụ thể hóa những chủ trương, chỉ đạo của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo chủ chốt các cấp, những năm qua Đảng bộ tỉnh thường xuyên chăm lo công tác xây dựng Đảng cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; đề ra nhiều giải pháp để phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Việc nêu gương của cán bộ, đảng viên được tỉnh thực hiện gắn với Quy định số 101-QĐ/TW của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo chủ chốt các cấp. Tỉnh đã rà soát, bổ sung và cơ bản hoàn thiện hệ thống các quy chế, quy định về mối quan hệ, lề lối làm việc; quản lý tổ chức cán bộ; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm người đứng đầu, nhất là đối với các lĩnh vực tổ chức bộ máy, quản lý và sử dụng biên chế, công chức, viên chức. Đồng thời Tỉnh ủy ban hành nhiều quy định quan trọng để cụ thể hóa nội dung này. Như Quy định số 4871-QĐ/TU của Tỉnh ủy về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trước hết là ủy viên ban thường vụ, ủy viên ban chấp hành cấp ủy các cấp, thành viên ban cán sự, đảng đoàn trong tỉnh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lựa chọn, triển khai một số nội dung thiết thực: Thực hành phong cách làm việc, lãnh đạo, quản lý khoa học, dân chủ, sâu sát cơ sở và hiệu quả; chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả công tác cải cách hành chính. Thực hiện nghiêm quy định về phân cấp, phân quyền và kiểm soát chặt chẽ quyền lực; năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm…

Các cấp ủy đảng trong Đảng bộ tỉnh đã tiến hành rà soát, lựa chọn các vấn đề bức xúc, phức tạp, nhạy cảm, những vấn đề được cán bộ, đảng viên và dư luận quan tâm để tập trung giải quyết. Coi đó cũng là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đưa việc học tập và làm theo Bác trở thành công việc thường xuyên của các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị. Công tác tự phê bình và phê bình, đánh giá chất lượng đảng viên và tổ chức cơ sở đảng trong thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW gắn với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện trong toàn Đảng bộ. Hàng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thực hiện nghiêm túc công tác kiểm điểm tự phê bình, phê bình đối với tập thể và cá nhân; nêu cao tinh thần tự giác, ý thức trách nhiệm, gương mẫu của người đứng đầu, đề cao trách nhiệm chính trị trước Đảng bộ và Nhân dân. Đồng thời, phân công các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ phụ trách các đảng bộ trực thuộc tỉnh để chỉ đạo, theo dõi, nhận xét, đánh giá việc kiểm điểm, thực hiện tự phê bình và phê bình theo các nội dung của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII). Yêu cầu việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình được thực hiện hàng năm, đột xuất và thường kỳ đối với mỗi đảng bộ. Trong kiểm điểm, đa số các ý kiến đóng góp thẳng thắn, cởi mở, làm rõ được nhiều vấn đề, nhất là phong cách, lề lối làm việc, vai trò lãnh đạo điều hành, tạo sự đoàn kết nhất trí trong đảng bộ, nhất là người đứng đầu. Chỉ đạo kiểm điểm sâu đối với các địa phương, đơn vị có vấn đề phức tạp, dư luận bức xúc, có biểu hiện suy thoái “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; phân tích làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể và những hạn chế, khuyết điểm để có giải pháp khắc phục.

Nhận thức sâu sắc về trách nhiệm nêu gương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lựa chọn các khâu đột phá để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện. Trong đó tập trung vào công tác xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về trách nhiệm trước công việc và phục vụ nhân dân. Hàng tháng các đồng chí cấp ủy viên có chương trình làm việc với cấp dưới và đi cơ sở để nắm tình hình, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, lắng nghe ý kiến của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân… Đến nay, việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” được triển khai tại 100% cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, huyện và cấp xã, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức đến giải quyết thủ tục hành chính. Đặc biệt đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong tỉnh đã phát huy vai trò nêu gương bằng những việc làm cụ thể như: sâu sát cơ sở, gần dân, tổ chức đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân được tăng cường, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và giải quyết kịp thời những vấn đề nổi cộm, phức tạp tại cơ sở, nhất là lĩnh vực liên quan đến cải cách hành chính, chế độ, chính sách, đất đai, giải phóng mặt bằng... Từ đó, góp phần củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền.

Bài, ảnh: Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top