Hiệu quả chính sách dân tộc ở Mường Nhé

09:28 - Thứ Tư, 06/10/2021 Lượt xem: 3248 In bài viết

ĐBP - Là huyện vùng cao, biên giới, nhiều đồng bào dân tộc cùng sinh sống, những năm qua, dù còn nhiều khó khăn, song với sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước thông qua các chính sách cho vùng đồng bào dân tộc, như: Nghị quyết 30a, Chương trình 135, Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững… đã giúp đời sống vật chất cũng như tinh thần người dân trên địa bàn huyện Mường Nhé từng bước nâng lên.

Thụ hưởng các chính sách vùng dân tộc, nhiều học sinh huyện Mường Nhé vơi đi gánh nặng chi phí học tập hàng năm. Trong ảnh: Tiết dạy và học của cô trò Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Pố (huyện Mường Nhé).

Dự án Hỗ trợ phát triển dân tộc Si La, xã Chung Chải triển khai thời gian qua là một trong những chính sách đã và đang giúp đời sống của người Si La ở bản Nậm Sin chuyển mình. Bản Nậm Sin hiện có hơn 50 hộ, với gần 250 nhân khẩu. Theo tìm hiểu, nhiều năm trước, do cư trú tại địa bàn khó khăn về giao thông, trình độ sản xuất lạc hậu nên đời sống của đồng bào chưa cao. Có thời điểm, tỷ lệ hộ nghèo của bản là 100%; thu nhập bình quân chưa đến 100.000 đồng/người/tháng. Tuy nhiên, những năm gần đây, được sự hỗ trợ về mọi mặt, đời sống người dân cơ bản không còn thiếu đói. Họ cũng nhận thức rõ hơn trong việc áp dụng kĩ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt.

Bà Pờ Lỳ Pa, Phó Chủ tịch UBND xã Chung Chải cho biết: Thực hiện Dự án Hỗ trợ phát triển dân tộc Si La, xã Chung Chải, từ năm 2005 đến nay, Nhà nước đã phân bổ gần 20 tỷ đồng cho dự án. Từ nguồn vốn này, bản Nậm Sin được đầu tư mở rộng đường giao thông; công trình nước sinh hoạt; công trình thủy lợi. Ðặc biệt, nhờ các kiến thức, kỹ năng trong sản xuất, nhất là chăm sóc, phòng, chống các dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi, sản lượng lương thực bình quân đầu người của bản  hiện đạt trên 360kg/người/năm. Cuộc sống bớt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo giảm, nhiều hộ trong bản còn xây được nhà mới, mua sắm được ti vi, xe máy… phục vụ đời sống sinh hoạt tốt hơn.

Cùng với chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc Si La, những năm qua, nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ của Ðảng, Nhà nước cũng tạo điều kiện thuận lợi để nhiều đối tượng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Mường Nhé vươn lên. Trong lĩnh vực giáo dục, hàng năm, học sinh các cấp được thụ hưởng nhiều lợi ích như miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, các chế độ cho học sinh bán trú… Cùng với đó, việc nâng cao kiến thức xã hội, kỹ năng sống cho học sinh dân tộc thiểu số được ngành quan tâm. Ông Phạm Thiết Chùy, Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện chia sẻ: Mỗi năm học, Phòng đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường các hoạt động tập thể trên lớp và ngoài giờ để học sinh dân tộc thiểu số có nhiều cơ hội giao tiếp nhằm giúp các em củng cố, nâng cao vốn tiếng Việt; hình thành kỹ năng tự học, tự nghiên cứu; thường xuyên giáo dục tình yêu quê hương đất nước, sống có lý tưởng cho học sinh; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các trò chơi dân gian, các điệu múa dân tộc… Ngoài ra, thời gian qua, Phòng cũng đã chỉ đạo các trường triển khai thực hiện có hiệu quả Ðề án dạy tiếng dân tộc tại một số trường tiểu học từ năm học 2012 - 2013. Ðến nay, huyện đã mở được 150 lớp, 3.564 lượt học sinh; trong đó, dạy học tiếng Thái 3 lớp, 37 lượt học sinh; tiếng Mông 147 lớp, 3.527 lượt học sinh.

Nói về việc triển khai, thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn, bà Giàng Thị Phương, Trưởng phòng Dân tộc huyện Mường Nhé cho biết: Chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện thời gian qua thực sự đã và đang góp phần tích cực trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, giúp người dân từng bước phát triển sản xuất, từ đó nâng cao chất lượng đời sống và trình độ dân trí của nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Nhờ thực hiện tốt chính sách dân tộc trên địa bàn đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện từ trên 74% năm 2015 xuống còn 58,43% (theo chuẩn nghèo đa chiều mới); trong đó, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số từ trên 80% xuống còn 62,43%.

Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận
Back To Top