Hội Nông dân tỉnh qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết

08:47 - Thứ Tư, 13/10/2021 Lượt xem: 2628 In bài viết

ĐBP - Nửa nhiệm kỳ qua, với nhiều khó khăn, đại dịch Covid-19 bùng phát và vẫn đang diễn biến phức tạp; những vấn đề về dịch bệnh, hạn hán, mưa lũ... tiếp tục xảy ra. Nhưng với quyết tâm, nỗ lực của cán bộ, hội viên, nông dân trong toàn tỉnh đã cơ bản thực hiện thành công các mục tiêu, chỉ tiêu mà Đại hội Hội Nông dân tỉnh khóa IX đề ra.

Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, hội viên, nông dân với phương thức đa dạng, hấp dẫn, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm; tuyên truyền gắn với hướng dẫn, tổ chức hoạt động cụ thể; phát huy có hiệu quả công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền. Hình thức tuyên truyền đa dạng như thông qua hệ thống truyền thanh, các hoạt động thực tiễn, phong trào thi đua, sinh hoạt câu lạc bộ, chi hội... Ngoài tuyên truyền trực tiếp, Ban Thường vụ Tỉnh hội còn phát hành các loại tài liệu, tờ rơi, báo, tạp chí của Hội như: Báo Nông thôn ngày nay, Tạp chí Nông thôn mới, Trang trại Việt... Trong nửa nhiệm kỳ đã cấp phát trên 21.000 cuốn Thông tin công tác Hội, hàng nghìn tin bài trên trang thông tin điện tử và chuyên mục “Nông dân Điện Biên” trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, trên Báo Điện Biên Phủ. Thường xuyên chỉ đạo củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên, cộng tác viên từ tỉnh đến cơ sở;  kịp thời phản ánh tâm tư nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của nông dân đến cấp ủy, chính quyền các cấp; từng bước giải quyết những nguyện vọng chính đáng của hội viên, nông dân. Kết quả nửa nhiệm kỳ qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã tổ chức được 5.564 buổi tuyên truyền cho 277.755 lượt hội viên tham gia.

3 năm qua, các cấp hội trong tỉnh đã kết nạp được 2.797 hội viên mới, nâng tổng số hội viên nông dân toàn tỉnh lên 82.785 người. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội được xác định là khâu then chốt quyết định chất lượng công tác Hội và phong trào nông dân, do đó các cấp Hội đã chủ động tham mưu, phối hợp kiện toàn tổ chức, bộ máy cán bộ kịp thời, đúng quy định, đảm bảo số lượng, chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Quan tâm hỗ trợ nông dân bằng việc tạo môi trường để nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã có nhiều biện pháp như tổ chức phát động nông dân đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu “Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” trong đó 3.000 đến 5.000 hộ đạt danh hiệu hàng năm. Nhiều hộ có thu nhập 300 - 500 triệu đồng/năm tạo việc làm cho 10 - 20 lao động. Phong trào đã khuyến khích, động viên nông dân phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái giúp các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bằng nhiều hình thức. Bên cạnh đó các cấp Hội Nông dân đã xây dựng được các “mô hình xóa đói giảm nghèo vùng đặc thù” giúp hàng nghìn hộ nông dân nghèo có điều kiện phát triển sản xuất xóa đói giảm nghèo.

Các cấp Hội Nông dân trong tỉnh tích cực đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ dạy nghề cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Tính đến 30/6 tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (cả nguồn Trung ương ủy thác) đạt trên 22 tỷ đồng, tăng hơn 11 tỷ đồng so với đầu nhiệm kỳ năm 2018; đã có 496 hộ hội viên, nông dân được vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân để đầu tư phát triển sản xuất tăng thu nhập, có điều kiện vươn lên trở thành hộ khá giàu. Bên cạnh đó, các cấp Hội đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn thành lập các tổ vay vốn do hội nông dân quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân vay vốn. Đến 31/6 dư nợ chương trình phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội là trên 942 tỷ đồng, cho 20.703 hộ vay.

Cùng với các hoạt động nêu trên, Hội Nông dân các cấp phối hợp tổ chức 227 lớp dạy nghề cho 7.882 hội viên, nông dân (sau đào tạo trên 80% học viên có việc làm, nâng cao được chất lượng việc làm sẵn có và tăng thu nhập). Từ năm 2019 đến nay Trung tâm Hỗ trợ Nông dân tỉnh đã trực tiếp tổ chức 31 lớp dạy nghề cho 1.067 hội viên.

Ngoài ra, các cấp Hội Nông dân còn tích cực phối hợp với các ngành, hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp nông dân có kiến thức trong sản xuất, kinh doanh, xây dựng và thực hiện một số đề tài, dự án, mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng các quy trình chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, môi trường. Kết quả đã thành lập được 70 chi hội nghề nghiệp và 53 tổ hội; phối hợp tổ chức 6.100 buổi tư vấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, phòng chống dịch Covid-19, dịch tả lợn châu Phi... cho 42.000 lượt cán bộ, hội viên, nông dân. Đến nay 13 chỉ tiêu, mục tiêu chủ yếu của Nghị quyết Đại hội Hội Nông dân tỉnh lần thứ IX (nhiệm kỳ 2018 - 2023) đã đạt từ 50% đến 100% Nghị quyết.

Có thể khẳng định, qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Hội Nông dân tỉnh Điện Biên lần thứ IX, hoạt động của Hội đã góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Những việc làm và kết quả đạt được của các cấp Hội Nông dân trong tỉnh được cấp ủy, chính quyền các cấp ghi nhận, đánh giá cao; đặc biệt tổ chức Hội tiếp tục khẳng định vị thế, vững chắc tin tưởng trong hội viên và nông dân.

Lê Trọng Khôi
Bình luận
Back To Top