Phát huy truyền thống vẻ vang ngành Dân vận của Đảng, xây dựng Đảng bộ tỉnh trong sạch vững mạnh

09:12 - Thứ Sáu, 15/10/2021 Lượt xem: 3874 In bài viết

Mùa A Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy

ĐBP - Hơn 90 năm qua, trải qua các thời kỳ cách mạng, ngành Dân vận của Đảng đã không ngừng phát triển, trưởng thành có nhiều đóng góp to lớn trong công tác xây dựng Đảng. Đội ngũ cán bộ dân vận trong hệ thống chính trị qua các thời kỳ đã lớn mạnh cả về số lượng, chất lượng, thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ; tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Để triển khai, thực hiện các chương trình, dự án đảm bảo tiến độ, cấp ủy chính quyền các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu và nắm rõ các chính sách. Trong ảnh: Người dân tổ dân phố 1, phường Thanh Trường, TP. Điện Biên Phủ nghe tuyên truyền, giải thích về chế độ chính sách giải phóng mặt bằng Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên. Ảnh: Nguyễn Hiền

Cùng với sự lớn mạnh của công tác dân vận của Đảng, ngành Dân vận tỉnh Điện Biên trải qua 44 năm xây dựng đã có bước trưởng thành về mọi mặt. Sau khi được thành lập ngày 2/4/1977, Đảng bộ tỉnh luôn xác định công tác dân vận là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác dân vận tiếp tục được đổi mới, tăng cường và đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần rất quan trọng, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, động viên nhân dân tích cực thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy dân chủ và tăng cường sức mạnh của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; xây dựng quan hệ mật thiết giữa Đảng và Nhân dân.

Các cấp ủy, tổ chức đảng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác dân vận. Triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, Nhà nước trọng tâm là công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng thông qua việc đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, 6, 7 (khóa XII), gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị và các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Công tác dân vận của các cơ quan Nhà nước được chú trọng đẩy mạnh, triển khai thực hiện “Năm dân vận chính quyền”, “Năm dân vận khéo”, “Đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”, tập trung cải cách thủ tục hành chính, nâng cao đạo đức công vụ; tiếp dân, đối thoại, giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm trong nhân dân; triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả các chủ trương, chính sách ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động với phương châm hướng về cơ sở, mở rộng hoạt động giám sát, phản biện, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Lãnh đạo, quản lý, hướng dẫn có hiệu quả các hoạt động tôn giáo theo quy định của pháp luật; chủ động phòng ngừa, tích cực đấu tranh làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, góp phần xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh.

Quá trình phấn đấu và trưởng thành đội ngũ cán bộ dân vận đã thể hiện sự tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, học tập phong cách dân vận của Người “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm” “thật sự tin dân, trọng dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với dân”, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng với lòng tin của Đảng và nhân dân, góp phần làm giàu thêm truyền thống và thành tích của ngành Dân vận.

Những hoạt động trên đã khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của công tác dân vận vào việc tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh trong những năm qua. Thành tích mà ngành Dân vận tỉnh đạt được trong thời gian qua đó là kết quả của sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy đảng, sự chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Dân vận Trung ương; Ban dân vận, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và cán bộ dân vận các cấp đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và sự yêu thương tin tưởng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Đại hội XIII của Đảng với tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045 đã bổ sung nhiều nội dung mới về lãnh đạo đối với công tác dân vận. Trong đó nhấn mạnh các nội dung: “Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của các cấp ủy đảng, hệ thống chính trị về công tác dân vận; có cơ chế phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong tình hình mới”.

Để tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác dân vận của Đảng, góp phần đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhanh chóng đi vào cuộc sống, các cấp ủy, tổ chức đảng và cả hệ thống chính trị tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp đẩy mạnh việc quán triệt, tuyên truyền nội dung công tác dân vận theo tinh thần Nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp gắn với thực hiện các văn bản của Trung ương, của tỉnh về công tác dân vận, nhất là tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; Quyết định số 23-QĐ/TW, ngày 30/7/2021 của Bộ Chính trị về ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị,... tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về nhận thức và trách nhiệm, quyết tâm chính trị của cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan nhà nước và hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý đối với công tác dân vận của Đảng.

Hai là, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng theo hướng thiết thực, hiệu quả với cách làm chủ động, sáng tạo, phù hợp với từng điều kiện cụ thể, tạo sự đồng thuận của nhân dân trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân trong phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh - quốc phòng trên địa bàn tỉnh. Thực hiện nguyên tắc “nhận thức phải rõ; trách nhiệm phải cao; tư tưởng phải thông; quyết tâm phải lớn; kế hoạch phải cụ thể; hành động phải quyết liệt”.

Ba là, quán triệt, thực hiện có hiệu quả các văn bản của Trung ương, của tỉnh về tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý chính quyền, công tác dân vận cơ quan hành chính các cấp; thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương của Đảng về công tác dân vận thành các chính sách phù hợp với địa phương, đồng thời phát huy vai trò của nhân dân trong xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và nhân nhân giữa các vùng, miền, quan tâm đến đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo, đối tượng yếu thế trong xã hội.

Bốn là, chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, phát huy vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tập hợp, vận động nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, thực hành dân chủ, tăng cường sự đồng thuận xã hội; phát huy dân chủ, trí tuệ, tiềm năng và sức sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong nhân dân để thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Năm là, quan tâm chỉ đạo làm tốt công tác nắm tình hình đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào theo tôn giáo nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; hướng công tác vận động đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào theo tôn giáo tăng cường đoàn kết, thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường, vươn lên thoát nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới; nâng cao đời sống văn hoá tinh thần, xóa bỏ hủ tục lạc hậu trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Sáu là, cấp uỷ đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong toàn hệ thống chính trị. Tập trung rà soát, xây dựng, triển khai và nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Động viên các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững, giữ vững quốc phòng, an ninh; phát huy mọi tiềm năng, trí tuệ trong nhân dân đóng góp cho xã hội, cho đất nước; tích cực tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trong các lĩnh vực công tác tạo sức lan tỏa trong cộng đồng.

Bình luận
Back To Top