Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV:

Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên tham gia ý kiến vào 2 dự án Luật

19:34 - Thứ Tư, 20/10/2021 Lượt xem: 2943 In bài viết

ĐBP - Ngày 20/10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội khóa XV đã khai mạc kỳ họp thứ 2 theo hình thức trực tuyến. Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên có 4 đại biểu tham dự dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh.

ĐBQH Lò Thị Luyến, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia ý kiến vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kỳ họp thứ 2 được tiến hành thành 2 đợt. Đợt 1 (từ ngày 20 - 30/10) họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 62 đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đợt 2 (từ ngày 8 - 13/11) họp tập trung tại Nhà Quốc hội.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 2 dự án luật, 5 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 5 dự án luật khác, bao gồm: Luật Thi đua, Khen thưởng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật Cảnh sát cơ động; Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê... Bên cạnh đó, Quốc hội cũng dành nhiều thời gian để xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.

Tại phiên thảo luận tổ, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên đã thảo luận, đóng góp ý kiến vào 2 dự án luật, gồm: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê.

Đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, Đoàn ĐBQH tỉnh nhấn mạnh: Thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, mọi sinh hoạt trong xã hội bị ảnh hưởng, trong đó có hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố nhiều vụ việc, vụ án hình sự. Theo báo cáo của Chính phủ, rất nhiều tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đã gần hết thời hạn kiểm tra, xác minh nhưng chưa có căn cứ để ban hành quyết định tố tụng. Tình hình thực tiễn và dự báo trong tương lai đòi hỏi phải điều chỉnh cho phù hợp, bởi nếu không có quy định về cho phép tạm đình chỉ trong trường hợp “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh” có thể sẽ dẫn đến hai trường hợp, đó là bỏ lọt tội phạm hoặc buộc tội nhầm người. Bên cạnh đó, công an cấp xã là công an chính quy, do đó việc bổ sung chức năng, nhiệm vụ phù hợp để phát huy tối đa hiệu quả công tác cũng như sự đóng góp của lực lượng này trong quá trình bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội. Việc giao Viện trưởng VKSND tối cao chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết việc tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố là chặt chẽ, phù hợp, tránh việc lạm dụng quy định của pháp luật về nội dung này.

Đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê, ĐBQH tỉnh nhất trí với đề nghị của Chính phủ bởi tính cấp thiết cần phải sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo tính chính xác, khách quan của thông tin thống kê, phản ánh đúng tình hình kinh tế - xã hội của đất nước. Về thẩm quyền, việc dự thảo Luật quy định giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với bộ, ngành và địa phương trình Chính phủ ban hành nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; hướng dẫn, kiểm tra tình hình và báo cáo kết quả thực hiện hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia. Định kỳ 5 năm rà soát về việc đánh giá lại quy mô tổng sản phẩm trong nước báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội là cần thiết, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện kịp thời việc thu thập, tổng hợp và bảo đảm số liệu thống kê phản ánh khách quan, chính xác, kịp thời, đầy đủ, thống nhất, phục vụ Đảng, Nhà nước trong hoạch định đường lối, chính sách và điều hành phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tin, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top