Vấn đề bạn đọc quan tâm

Chủ động từ sớm, từ xa

08:20 - Thứ Năm, 21/10/2021 Lượt xem: 3379 In bài viết

ĐBP - Tại hội nghị bàn giải pháp cấp nước tưới sản xuất vụ đông xuân 2021 - 2022, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức mới đây, một thông tin làm nhiều người đang “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” quan tâm, lo lắng. Đó là, theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Điện Biên, tổng lượng mưa năm nay sẽ dưới trung bình so với các năm, có nguy cơ thiếu hụt nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, việc xây dựng phương án bảo đảm đủ nguồn nước sản xuất vụ đông xuân 2021- 2022 là nhiệm vụ cấp bách được đặt ra ngay từ thời điểm này.

Câu nói “nhất nước, nhì phân…” được người nông dân thuộc lòng như chính thửa ruộng và giống lúa của họ gieo cấy mỗi mùa vụ. Quanh năm bám đồng ruộng, hạt lúa, củ khoai nuôi sống bao gia đình, thế hệ nông dân. Nay thêm thông tin, vụ đông xuân năm nay nguy cơ thiếu nước sản xuất, đã làm không ít nông dân lo lắng đến mất ăn, mất ngủ; các cấp chính quyền như “ngồi trên đống lửa”.

Là tỉnh thuần nông, do vậy, nhiều năm qua chúng ta đã đầu tư xây dựng, kiên cố hóa nhiều dự án, công trình hồ đập, mương phai, trạm bơm… phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh có trên 970 công trình thủy lợi, trong đó: 13 hồ chứa, 5 trạm bơm, hơn 700 công trình lấy nước bằng đập dâng, trên 200 phai tạm đã đưa vào khai thác sử dụng. Phần lớn công trình phát huy hiệu quả sau đầu tư. Chủ động nguồn nước tưới tiêu, nông dân chăm lam chăm làm, khai hoang, phục hóa, mở rộng diện tích canh tác, nhờ đó đã chủ động được lương thực, một phần xuất bán ra ngoài tỉnh.

Tuy nhiên, như đã đề cập, do biến đổi khí hậu, năm nay, lượng mưa trung bình thấp hơn các năm trước. Đến nay, có 12 hồ chứa mới đạt dung tích gần 40 triệu m3, chỉ chiếm 60% dung tích hữu ích của các hồ chứa. Một số hồ chứa nước như: Na Hươm, Sái Lương, Hồng Sạt, Nậm Ngám, Pú Nhi, Sông Ún đến nay chưa tích đủ nguồn nước. Đối với các công trình là đập dâng, nguồn nước chủ yếu phụ thuộc vào thời tiết. Mưa nhiều thì nước nhiều, sau mưa một thời gian là cạn kiệt, trơ đáy. Đơn cử như huyện Điện Biên là địa phương trọng điểm sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Trên địa bàn hiện có 9 hồ chứa. Tuy nhiên, dự báo vụ đông xuân 2021- 2022 này sẽ có khoảng 500ha (chiếm hơn 10% diện tích lúa) có nguy cơ thiếu nước, khô hạn; tập trung chủ yếu ở các xã: Thanh Chăn, Thanh Yên, Noong Luống, Sam Mứn, Pom Lót. Đặc biệt, vụ mùa 2021, diện tích lúa tại xã Na Tông, Phu Luông và một số xã vùng ngoài khác cũng thiếu nước tưới.

Ruộng đồng khô hạn, nhất là thời điểm lúa đẻ nhánh, làm đòng, trổ bông sẽ dẫn tới nguy cơ giảm năng suất, sản lượng, chất lượng. Mỗi vụ lúa thường kéo dài 3,5 - 4 tháng. Bà con nông dân đầu tắt mặt tối, bao nhiêu công sức, tiền của và niềm tin đổ vào cây lúa. Nếu xảy ra tình trạng khô hạn, thiếu nước, giảm năng suất thì nguy cơ thiếu đói luôn hiện hữu. Khi đó tình trạng tái nghèo, thiếu tiền chu cấp cho sinh hoạt gia đình, con cái ăn học… càng đè nặng lên vai người nông dân chân lấm tay bùn.

Chủ động phương án tưới tiêu nước cho sản xuất nông nghiệp vụ đông xuân 2021 - 2022 từ sớm, từ xa đã được ngành Nông nghiệp thực hiện tốt. Mặc dù vụ lúa mùa vừa thu hoạch xong, còn vài tháng nữa mới xuống giống vụ mới, nhưng trung tuần tháng 10, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức hội nghị bàn giải pháp chủ động sản xuất nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu, môi trường. Tại đây, thông tin về thực trạng các công trình thủy lợi trên địa bàn, nhất là tuổi thọ, mức độ an toàn, dung tích chứa nước, khả năng tưới tiêu… được đại biểu phân tích, mổ xẻ kỹ càng. Nếu trong thời gian tới, lượng mưa ít và chắc chắn sẽ ít (vì đã bước sang mùa khô), nên đại biểu đề xuất các phương án chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống hạn hán, thiếu nước trong mùa khô năm 2021 - 2022. Một trong những vấn đề quan trọng, cấp thiết hiện nay là cần chủ động kiểm tra, đánh giá, cân đối khả năng đáp ứng nguồn nước từng công trình, đầu mối trạm bơm, hồ, đập… Nếu xảy ra hạn hán lâu ngày, thì cần ưu tiên hàng đầu việc cấp nước cho sinh hoạt phục vụ dân sinh, chăn nuôi, nước tưới cho cây trồng giá trị kinh tế cao.

Tỉnh ta có tiểu vùng khí hậu đặc thù, có nơi mưa thường xuyên hơn, nơi hạn hán kéo dài, do vậy cần xác định cụ thể vùng nguy cơ hạn hán, thiếu nước cục bộ để chủ động bố trí lịch thời vụ linh hoạt và chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý. Với diện tích ruộng thường xuyên thiếu nước tưới, nhất là trong vụ đông xuân, bà con nông dân chủ động thay thế bằng những cây trồng cạn, phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu, nhưng vẫn cho năng suất ổn định, giá trị kinh tế cao. Cùng với đó là tăng cường công tác dự báo, quản lý nước tưới của các trạm bơm để tránh tình trạng thiếu nước vào các tháng: 2, 3, 4/2022 và kéo dài đến đầu vụ mùa năm 2022. Tiết kiệm tối đa nước tưới, đưa nước về đồng ruộng nhanh nhất, hiệu quả nhất, bà con cần chủ động nạo vét hệ thống kênh mương, cống thoát nước, khơi thông toàn bộ các dòng chảy về nguồn. Cơ quan chuyên môn theo dõi sát diễn biến thời tiết để tham mưu cho tỉnh có giải pháp chỉ đạo chống hạn kịp thời, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, tránh để “mất mùa riêng”, bà con nông dân đỡ thua đơn thiệt kép.

Tùng Lĩnh
Bình luận
Back To Top