Vấn đề tuần này

Động lực xóa đói nghèo

05:39 - Thứ Năm, 11/11/2021 Lượt xem: 3408 In bài viết

ĐBP - Giảm nghèo, chăm lo cho người nghèo là một chủ trương lớn luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, lãnh đạo chỉ đạo, góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội, bảo đảm quốc phòng và an ninh. Với một tỉnh miền núi biên giới, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao nên mục tiêu xóa đói giảm nghèo luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Điện Biên xác định là mục tiêu quan trọng của nhiệm vụ chính trị. Bằng nhiều giải pháp, huy động nhiều nguồn lực hỗ trợ, công tác xóa đói giảm nghèo của tỉnh đã đạt kết quả tích cực, góp phần quan trọng cải thiện đời sống người dân, giảm hộ đói nghèo.

Thực hiện công cuộc xóa đói giảm nghèo, nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả xuất hiện; nhiều hộ nông dân liên kết, hợp tác phát triển sản xuất, tham gia hợp tác xã, nhóm hộ sản xuất để xóa nghèo bền vững. Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân, nhất là người nghèo; nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh thu hẹp sản xuất, tạm dừng hoạt động làm tăng tỷ lệ lao động mất việc làm, giảm thu nhập, nguy cơ hộ nghèo có xu hướng tăng. Điều đó đòi hỏi cần nhiều hơn nữa mô hình hiệu quả, giải pháp xóa đói giảm nghèo bền vững.

Triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình giảm nghèo đặc biệt là Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm trung bình mỗi năm 3 - 4%, riêng các huyện nghèo giảm 5 - 6%. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đã giảm từ 48,14% năm 2016 xuống còn 29,97% vào đầu năm 2021. Từ nguồn vốn Chương trình 30a, giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng 106 công trình giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa xã; cấp điện nông thôn cho 5 huyện nghèo nhóm 1 (Mường Nhé, Nậm Pồ, Tủa Chùa, Mường Ảng, Điện Biên Đông); đầu tư 32 công trình cho 2 huyện nghèo nhóm 2 (Mường Chà, Tuần Giáo). Nguồn vốn của các chương trình, dự án được lồng ghép, triển khai đầu tư kết cấu hạ tầng cho các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn. Các công trình giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt… được đầu tư theo tiêu chí nông thôn mới đã góp phần từng bước thay đổi diện mạo nông thôn, giúp người nghèo được tiếp cận nhiều hơn các dịch vụ xã hội cơ bản.

Không chỉ đầu tư hạ tầng cơ sở, việc xóa đói giảm nghèo hướng tới thay đổi nhận thức người dân, tạo điều kiện để người nghèo vươn lên thoát nghèo. Các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội vào cuộc, tín chấp cho người nghèo vay vốn phát triển sản xuất, xây dựng mô hình xóa nghèo phù hợp… Với hơn 83.000 hội viên trong toàn tỉnh, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai nhiều mô hình, phong trào thi đua để hội viên tham gia xóa đói giảm nghèo. Phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi được đông đảo hội viên hưởng ứng tham gia. Giai đoạn 2016 - 2021 toàn tỉnh có 35.000 hộ nông dân đăng ký sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, bình xét mỗi năm có 4.000 - 5.000 hộ đạt sản xuất kinh doanh giỏi. Riêng năm 2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chỉ có 3.025 hộ đạt sản xuất kinh doanh giỏi. Ngoài việc tín chấp cho nông dân vay vốn, Hội Nông dân các cấp triển khai mô hình hướng dẫn người nghèo cách làm ăn, xóa đói giảm nghèo vùng đặc thù, tổ chức luân chuyển trâu bò giống… Qua đó, mỗi năm toàn tỉnh có trên 1.000 hộ nông dân thoát nghèo bền vững.

Thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, Quỹ Vì người nghèo đã vận động, thu hút sự ủng hộ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân tạo nguồn quỹ hỗ trợ hộ nghèo khi thiên tai, dịch bệnh, tạo vốn để hộ nghèo trồng trọt, chăn nuôi thoát nghèo. Từ nguồn vốn tín dụng, ưu đãi của ngân hàng chính sách xã hội tín chấp qua các tổ chức hội, đoàn thể đã tạo điều kiện cho hàng triệu hộ dân trên địa bàn tỉnh đầu tư phát triển kinh tế. Có vốn, được hướng dẫn cách thức sản xuất, làm ăn, người dân đã vượt qua khó khăn vươn lên thoát nghèo, cải thiện cuộc sống.

Công cuộc xóa đói giảm nghèo được nhân dân đồng thuận, huy động được sức dân tham gia xây dựng cuộc sống gia đình, bản làng. Các chương trình, dự án xóa đói nghèo người dân không chỉ thực hiện mà còn được bàn bạc, đóng góp công sức, tham gia kiểm tra, giám sát và cũng chính họ là đối tượng thụ hưởng. Thế nên, người dân ngày càng chủ động hơn trong tham gia bàn góp giải pháp, xây dựng kế hoạch và chung sức thực hiện công cuộc xóa đói nghèo.

Những kết quả đạt được trong công tác xóa đói giảm nghèo của tỉnh thể hiện sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của cấp ủy, chính quyền và mỗi người dân. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh vẫn khá cao, trong đó có tới 98,86% số hộ nghèo là nghèo về thu nhập. Kết quả đạt được trong công tác xóa đói giảm nghèo những năm qua tạo tiền đề, động lực để tỉnh thực hiện mục tiêu xóa đói nghèo trong giai đoạn tới. Để đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 16% vào năm 2025, Điện Biên cần triển khai hiệu quả hơn nữa các chủ trương, chính sách xóa đói giảm nghèo; tuyên truyền, vận động, nâng cao kiến thức cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số để họ thay đổi nhận thức, không trông chờ ỷ lại, vươn lên thoát nghèo đồng thời phát huy sức mạnh tổng hợp và huy động mọi nguồn lực cho công cuộc xóa đói giảm nghèo.

Gia Huy
Bình luận
Back To Top