Khẳng định vai trò, vị thế của phụ nữ Điện Biên trong thời kỳ mới

05:49 - Thứ Hai, 15/11/2021 Lượt xem: 4315 In bài viết

Mùa A Sơn                 

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy

ĐBP - Trong những năm qua, các cấp hội phụ nữ tỉnh Điện Biên có nhiều đổi mới, sáng tạo với những bước phát triển không ngừng, luôn nỗ lực phấn đấu trong mọi điều kiện, hoàn cảnh và khẳng định được vai trò, vị thế xã hội của mình trong thời kỳ mới. Kết quả hoạt động của các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã có những đóng góp quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ  phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Các chương trình, hoạt động tư vấn, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp góp phần thúc đẩy phong trào phụ nữ khởi nghiệp và khơi dậy tinh thần, sức sáng tạo của phụ nữ Điện Biên. Trong ảnh: Gian hàng của Hội LHPN huyện Nậm Pồ tham gia Ngày Phụ nữ khởi nghiệp năm 2020. Ảnh: Sầm Phúc

Để góp phần nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội, với chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ, Hội LHPN tỉnh đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tập trung vào những vấn đề có trọng tâm, trọng điểm nhằm phát huy truyền thống và vai trò chủ thể của phụ nữ trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về những vấn đề liên quan đến phụ nữ, các cấp Hội đã có nhiều hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ phụ nữ nâng cao kiến thức, kỹ năng về tổ chức cuộc sống gia đình, kiến thức về giới; thành lập các mô hình câu lạc bộ “Xây dựng gia đình hạnh phúc” giúp chị em phát huy tính tự trọng, tự chủ, làm tốt vai trò chăm lo, vun đắp hạnh phúc gia đình và quan tâm đến cộng đồng, xã hội.

Trong phát triển kinh tế, với lực lượng đông đảo phụ nữ đã tham gia vào hầu hết các ngành nghề, công việc; tập trung chủ yếu vào lĩnh vực nông - lâm nghiệp, và tiểu thủ công nghiệp. Đồng thời, đóng góp quan trọng trong phát triển các loại hình thương mại, dịch vụ, du lịch, tài chính, góp phần vào chuyển dịch cơ cấu lao động, đảm bảo an ninh lương thực, tăng thu ngân sách trên địa bàn. Nhiều chị em đã phấn đấu vươn lên, giữ nhiều cương vị chủ chốt trong hoạt động quản trị doanh nghiệp. Hiện nay, toàn tỉnh có 302 nữ giám đốc, nữ chủ doanh nghiệp, có 43 nữ chủ nhiệm hợp tác xã, có 45 tổ trưởng tổ hợp tác. Trong nhiệm kỳ, các cấp hội phụ nữ đã triển khai hiệu quả các chương trình, đề án, tổ chức các cuộc vận động phát huy vai trò chủ thể của hội viên, phụ nữ trong tham gia phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; giúp đỡ 2.348 phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo.

Trên các lĩnh vực khoa học, công nghệ, giáo dục, y tế đều có những dấu ấn quan trọng của đội ngũ nữ trí thức tỉnh nhà. Từ năm 2016 đến nay, đã có hàng trăm đề tài nghiên cứu khoa học được đưa vào thực tiễn thuộc các lĩnh vực giáo dục, y tế, sản xuất nông nghiệp. Đội ngũ nữ CNVC-LĐ trong ngành giáo dục, y tế chiếm trên 70% và ngày càng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh, chăm sóc tốt sức khỏe cho nhân dân.

Trong triển khai thực hiện các phong trào thi đua, cuộc vận động, các cấp Hội phụ nữ tỉnh đã sáng tạo triển khai lồng ghép với các phong trào thi đua của tỉnh phát động, gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, bằng những việc làm cụ thể, thiết thực; điển hình như: Phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; Phong trào “Mỗi hộ gia đình nông thôn có một vườn rau sạch và nuôi từ 10 con gia cầm trở lên”, Cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không - 3 sạch; Cuộc vận động rèn luyện phẩm chất đạo đức “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”… Qua các hoạt động, phong trào thi đua, đã tập hợp, vận động đông đảo các tầng lớp phụ nữ tham gia lao động sản xuất, công tác, học tập. Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các cấp Hội và hội viên phụ nữ đã đóng góp tích cực vào công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao ý thức phòng, chống dịch; tích cực lao động sản xuất, quyên góp, hỗ trợ nguồn lực cho các điểm cách ly y tế phòng, chống dịch; góp phần kiểm soát tình hình dịch bệnh, ổn định đời sống cho nhân dân.

Trong công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế, các cấp hội và hội viên phụ nữ đã chủ động thực hiện nghiêm các quy định về biên giới quốc gia, công tác đối ngoại nhân dân. Tập trung tuyên truyền về đường lối, chính sách, hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước, của tỉnh và của Hội. Tham gia có trách nhiệm đối với các phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”...; các hoạt động phòng, chống tai, tệ nạn xã hội, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị - trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, vai trò và vị thế của phụ nữ đã được khẳng định thông qua việc tham gia công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị. Hiện nay, toàn tỉnh có 129 cơ sở Hội, 1.441 chi hội; so với nhiệm kỳ trước, số lượng hội viên phát triển nhanh, với 117.065 hội viên, chiếm 77,2% phụ nữ toàn tỉnh. Trình độ chuyên môn, lý luận chính trị của đội ngũ cán bộ hội phụ nữ các cấp được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Nhiều chị em phụ nữ tích cực tham gia công tác xã hội và giữ các cương vị lãnh đạo ở các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị; tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp tăng dần qua các nhiệm kỳ.

Bước vào nhiệm kỳ mới, trong bối cảnh với nhiều thuận lợi, khó khăn đan xen, tổ chức và hoạt động của Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp cần tiếp tục đổi mới để thu hút, tập hợp hội viên, phát huy hơn nữa vai trò trong thời kỳ mới. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đề ra 3 khâu đột phá và 8 nhiệm vụ trọng tâm để “Quyết tâm đưa Điện Biên thành tỉnh phát triển nhanh và bền vững”; Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các nghị quyết, chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và các Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh đã đề ra, thì những đóng góp của các cấp hội phụ nữ và và hội viên phụ nữ trong thời gian tới rất quan trọng; cần có sự chủ động, tích cực tham gia của các cấp Hội và hội viên phụ nữ. Nhằm phát huy hơn nữa vai trò, vị thế của phụ nữ Điện Biên đối với gia đình và xã hội trong thời kỳ mới, các cấp hội và hội viên phụ nữ cần quan tâm, tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

Một là, tiếp tục làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho các hội viên phụ nữ; tăng cường quán triệt và tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XIV Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025; cụ thể hóa các mục tiêu nhiệm vụ của Nghị quyết bằng kế hoạch, chương trình hoạt động cụ thể, gắn với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ chính trị ở cơ quan, đơn vị, địa phương.

Hai là, các cấp Hội cần chủ động trong tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền các cấp; tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự ủng hộ của chính quyền, sự phối hợp của các sở, ban, ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội để nâng cao chất lượng các phong trào thi đua, cuộc vận động của các cấp Hội; phát huy hơn nữa tiềm năng, sức sáng tạo, tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ, vận động, khuyến khích chị em tham gia phát triển kinh tế - xã hội.

Ba là, tập trung xây dựng hình ảnh người phụ nữ Điện Biên “Thân thiện, sáng tạo, khát vọng, phát triển”, có bản lĩnh, kiến thức, trí tuệ, năng động, có phẩm chất, biết quan tâm đến xã hội, cộng đồng. Các cấp Hội cần có nhiều giải pháp thúc đẩy vai trò dẫn dắt của đội ngũ nữ cán bộ, nữ trí thức, nữ doanh nhân. Đồng thời, chủ động xây dựng các chương trình, đề án, kế hoạch quan tâm đến nhóm phụ nữ yếu thế, phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ tôn giáo…; từ đó tạo điều kiện và cơ hội phát triển tốt nhất cho phụ nữ ở mọi tầng lớp, vị trí, lĩnh vực, ngành nghề.

Bốn là, tiếp tục xây dựng củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, coi trọng cấp cơ sở. Xây dựng đội ngũ cán bộ Hội có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, tư duy sáng tạo, nhiệt tình, tâm huyết với công tác Hội; Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ qua hoạt động thực tiễn, tạo nguồn cán bộ nữ có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công tác cán bộ của các cấp ủy.

Năm là, có giải pháp đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của hội thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện và đối tượng hội viên phụ nữ từng vùng, địa phương; thường xuyên sâu sát cơ sở, gần gũi, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ để tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền các cấp giải quyết kịp thời những quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, phụ nữ.

Sáu là, tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến phụ nữ và bình đẳng giới; tích cực vận động, thu hút, tập hợp hội viên, xây dựng lực lượng nòng cốt của hội; vận động hội viên, phụ nữ tích cực tham gia xoá bỏ các hủ tục lạc hậu; tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, ăn lá ngón tự tử; xây dựng nếp sống văn minh, gia đình ấm no, hạnh phúc.

Bình luận
Back To Top