Điện Biên cần quan tâm việc tiếp cận và phát triển nông nghiệp theo mô hình liên kết đa ngành

14:39 - Chủ Nhật, 05/12/2021 Lượt xem: 3784 In bài viết

ĐBP - Ngày 5/12, đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm trưởng đoàn thăm và làm việc với tỉnh Điện Biên về tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp, xây dựng nông thôn mới và thu hút đầu tư vào nông, lâm nghiệp năm 2021; một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.

Làm việc với đoàn công tác có các đồng chí: Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Mùa A Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh…

Đồng chí Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra Dự án phát triển mắc ca tại bản Huổi Tao B, xã Pú Nhi (huyện Điện Biên Đông).

Năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19, thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi song với sự quan tâm của Trung ương, các Bộ ngành nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sự chủ động, tích cực trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của các cấp, ngành, địa phương và người dân, doanh nghiệp, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã đạt nhiều kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tổng sản lượng lương thực năm 2021 ước đạt 277.786 tấn, tăng 3,61% so với năm 2020 và đạt 102,4% kế hoạch giao. Cây công nghiệp dài ngày và cây ăn quả tiếp tục được quan tâm mở rộng diện tích. Riêng cây Mắc ca, tính đến hết năm 2021, tổng diện tích cây Mắc ca toàn tỉnh là 3.821ha, tập trung tại các huyện: Tuần Giáo, Mường Ảng, Điện Biên. Lĩnh vực chăn nuôi, thú y - thủy sản; quản lý, bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng tiếp tục quan tâm thực hiện. Đến hết năm 2021, toàn tỉnh dự kiến có 45 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới. Những năm qua, tỉnh Điện Biên đã và đang tích cực kêu gọi, thu hút doanh nghiệp vào phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Trong năm, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư cho 17 dự án với tổng mức đầu tư đăng ký 6.277 tỷ đồng, trong đó có 4 dự án về nông nghiệp với tổng mức 3.598 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ngành sản xuất nông nghiệp của tỉnh còn nhỏ lẻ, phân tán và phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên; các sản phẩm theo liên kết, chuỗi cung ứng an toàn, OCOP còn ít, ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật trong các khâu sản xuất, chế biến còn chậm và chưa đồng bộ; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp còn ít chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; phát triển sản xuất nông nghiệp theo liên kết vùng đối với một số lĩnh vực, sản phẩm có thế mạnh còn hạn chế do cơ sở hạ tầng, trình độ sản xuất… còn hạn chế. Trên cơ sở những hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện, để thúc đẩy phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp trong thời gian tới nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, tỉnh ta đã có nhiều kiến nghị, đề xuất với đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về một số nội dung: Cơ chế chính sách; thu hút đầu tư; phát triển liên kết vùng và chuyển đổi số trong nông nghiệp; hỗ trợ, đỡ đầu cho các ngành, đơn vị của tỉnh; về các lĩnh vực chăn nuôi, thú y, trồng trọt và lâm nghiệp, thủy lợi, khuyến nông, nông thôn mới và OCOP…

Tại buổi làm việc, thành viên đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham gia nhiều ý kiến, tháo gỡ khó khăn và định hướng phát triển nông nghiệp trong thời gian tới: Chiến lược phát triển cây Mắc ca, trong đó tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án Mắc ca, quan tâm đến khâu chế biến và tiêu thụ sản phẩm Mắc ca, trồng xen canh một số loại cây trồng tại các dự án Mắc ca, vấn đề pháp lý giữa việc góp đất giữa người dân và doanh nghiệp; công tác quản lý, bảo vệ rừng và sử dụng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng; phát triển và khai thác hiệu quả các hồ chứa thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp; xây dựng nông thôn mới…

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan ghi nhận những kết quả đạt được của tỉnh Điện Biên trong sản xuất nông, lâm nghiệp, xây dựng nông thôn và thu hút đầu tư vào nông, lâm nghiệp năm 2021. Bên cạnh đó, Bộ trưởng đề nghị tỉnh cần ưu tiên đầu tư phát triển sản phẩm nông nghiệp thế mạnh theo hướng liên kết đa ngành, tạo thành một hệ sinh thái sinh động để người dân yên tâm sinh sống, gắn bó, tạo ra giá trị tại địa phương. Trên cơ sở chủ trương của Trung ương, tỉnh Điện Biên cần lựa chọn thực hiện các chủ trương, chính sách phù hợp với thực tế địa phương; chú trọng hướng dẫn, định hướng cho người dân đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế dựa trên cơ sở tiềm năng hiện có như kinh tế dưới tán rừng, kinh tế nông nghiệp gắn với du lịch, dịch vụ... Đối với các dự án phát triển cây Mắc ca, tỉnh cần quan tâm đến vấn đề giống, chất lượng giống; khâu chế biến và thị trường tiêu thụ để nâng cao giá trị sản phẩm.

Trước đó, đồng chí Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đi kiểm tra Dự án phát triển Mắc ca tại bản Huổi Tao B, xã Pú Nhi (huyện Điện Biên Đông).

Tin, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top