Để người dân, doanh nghiệp hài lòng với hành chính công

08:22 - Thứ Hai, 24/01/2022 Lượt xem: 3963 In bài viết

ĐBP - Với mục tiêu lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả công việc hành chính, thời gian qua, tỉnh ta đã nỗ lực xây dựng nền hành chính phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại, năng động, trách nhiệm. Qua đó đã góp phần tạo niềm tin và sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của chính quyền.

Người dân làm hồ sơ, thủ tục tại bộ phận “một cửa” huyện Điện Biên Đông. Ảnh tư liệu

Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) được thực hiện qua 5 tiêu chí cơ bản của quá trình cung ứng dịch vụ hành chính công, gồm: Tiếp cận dịch vụ; thủ tục hành chính; công chức trực tiếp giải quyết công việc; kết quả dịch vụ; việc tiếp nhận, giải quyết góp ý, phản ánh, kiến nghị. Với việc đánh giá khách quan, SIPAS mang đến một bức tranh toàn diện, chi tiết về chất lượng cung ứng dịch vụ công thông qua ý kiến phản hồi về cảm nhận, mức độ hài lòng và sự mong đợi của người dân, tổ chức. Thông qua chỉ số này, các cơ quan hành chính nắm được yêu cầu, mong muốn của người dân, tổ chức để có những biện pháp cải thiện chất lượng phục vụ và cung ứng dịch vụ công nhằm nâng cao lợi ích của người dân, tổ chức.

Qua chấm điểm SIPAS năm 2020 (năm 2021 chưa công bố kết quả) cho thấy, kết quả đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh xếp thứ 26/63 tỉnh, thành phố với 86,55%. Theo đó, tất cả 5 tiêu chí đánh giá đều tăng so với năm 2019. Cụ thể: Chỉ số tiếp cận dịch vụ có tỷ lệ hài lòng đạt 89,07%; thủ tục hành chính đạt 88,32%; công chức tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính đạt 87,32%; kết quả dịch vụ công đạt 92,04% và việc tiếp nhận, xử lý ý kiến góp ý, phản ánh kiến nghị của doanh nghiệp đạt 75%. Kết quả này thể hiện sự tiến bộ, tích cực của các cấp chính quyền trong xây dựng nền hành chính phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại, năng động, trách nhiệm đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu của người dân, tổ chức trong và ngoài tỉnh.

Tuy nhiên, việc duy trì và nâng cao điểm SIPAS vẫn chưa giữ vững, ổn định. Nếu như năm 2017 điểm SIPAS của tỉnh xếp hạng thứ 36, năm 2018 tăng lên thứ 22, đến năm 2019 lại giảm xuống vị trí 33 cả nước và năm 2020 lại tăng lên 26. Vì vậy, điểm SIPAS của tỉnh trung bình trong cả giai đoạn 2017 - 2020 chỉ đạt 84,22%. Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu trong 5 chỉ tiêu đánh giá SIPAS vẫn còn bất cập, như: Năm 2020, tỷ lệ công chức gây phiền hà, sách nhiễu theo nhận định, đánh giá của người dân, tổ chức vẫn chiếm 2,4%; cơ quan trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính bị trễ hẹn chiếm 6%... Trong khi đó, cũng thông qua khảo sát, có nhiều người dân, doanh nghiệp mong muốn tiếp tục đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; tăng cường nhận hồ sơ và trả kết quả qua đường bưu điện; cần rút ngắn hơn nữa thời gian giải quyết thủ tục hành chính và mong muốn việc tiếp nhận, giải quyết góp ý, phản ánh, kiến nghị cần nhanh chóng, tích cực hơn… Điều này cho thấy, các cơ quan có thẩm quyền cần nâng cao hơn tinh thần phục vụ nhân dân, phải có những giải pháp cụ thể để giải quyết những mong mỏi của người dân trong thời gian tới, hướng đến xây dựng chính quyền điện tử minh bạch, hiện đại, vì nhân dân phục vụ.

Để nâng cao sự hài lòng của người dân và chất lượng dịch vụ hành chính công, trên cơ sở kết quả SIPAS năm 2020 và giai đoạn 2017 - 2020, thời gian tới cần triển khai có hiệu quả các lĩnh vực, nội dung cải cách hành chính liên quan, tác động đến việc cung ứng dịch vụ công, phục vụ người dân, tổ chức của các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp. Nhất là các lĩnh vực, nội dung được người dân đánh giá chưa tốt, hài lòng thấp hay mong đợi cải thiện nhiều hơn. Tăng cường đơn giản và rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, đánh giá, xác định nguyên nhân chủ quan, khách quan của hạn chế; xây dựng, thực hiện kế hoạch hành động, giải pháp khắc phục; chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá, khen thưởng, xử lý nghiêm, kịp thời nhằm nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công, chất lượng phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước. Xây dựng văn hóa công vụ trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo hướng lấy người dân, tổ chức làm trung tâm phục vụ, vì sự hài lòng của người dân. Nghiên cứu, đổi mới phương pháp làm việc, cung cấp thông tin, cung ứng dịch vụ công đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân, đặc biệt là yêu cầu thích ứng của xã hội với dịch Covid-19. Cùng với đó, tăng cường thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người dân, tổ chức về kết quả SIPAS.

Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top