Xã hộiChuyển đổi số

Phát triển hạ tầng công nghệ đồng bộ, hiện đại phục vụ chuyển đổi số

12:52 - Thứ Sáu, 21/04/2023 Lượt xem: 3153 In bài viết

ĐBP - Sáng nay (21/4), Ban Chỉ đạo chuyển đổi số và Ban Chỉ đạo Đề án 06 tỉnh Điện Biên tổ chức Hội nghị trực tiếp và trực tuyến tới điểm cầu cấp huyện, cấp xã trong toàn tỉnh, đánh giá kết quả thực hiện năm 2022, quý I/2023 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số và Ban Chỉ đạo Đề án 06 tỉnh chủ trì hội nghị.

Chủ tịch UBND tỉnh Thành Đô phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Năm 2022, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo kỹ năng về chuyển đổi số, tạo chuyển biến về nhận thức, cơ bản hoàn thành nền tảng dữ liệu dùng chung. Trong 25 chỉ tiêu đặt ra, đến hết năm 2022 có 22 chỉ tiêu hoàn thành, 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch, 3 chỉ tiêu chưa hoàn thành. Do địa bàn một số khu vực chưa có đường ô tô đến, chưa có hạ tầng điện lưới quốc gia, không có nguồn kinh phí hỗ trợ nên chưa có đủ điều kiện để xây dựng, vận hành hạ tầng viễn thông. Cùng với đó các doanh nghiệp của tỉnh đa số là doanh nghiệp nhỏ, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng; mức độ sẵn sàng cho chuyển đổi số chưa cao.

Đối với Đề án 06, năm 2022 và quý I/2023, tỉnh Điện Biên thu thập, làm sạch trên 650.000 dữ liệu dân cư, đạt 100%; thu nhận gần 490.000 hồ sơ CCCD, đạt 98,9% (xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố). Triển khai 23/25 dịch vụ thiết yếu trên Cổng dịch vụ công; tiếp nhận, giải quyết trên 160.000 hồ sơ trực tuyến. 100% thủ tục thuộc lĩnh vực cư trú, con dấu, hộ chiếu được thực hiện trên môi trường trực tuyến từ quý IV/2022. Tiến hành làm sạch dữ liệu khách hàng, chuẩn hóa trên 36.000 thông tin thuê bao di động.

Đại biểu dự hội nghị.

Hiện nay toàn tỉnh vẫn còn khoảng 11.000 hộ (chiếm 8%) chưa được sử dụng điện lưới quốc gia; 32,6% người dân không có điện thoại thông minh, 16 bản chưa có dịch vụ thông tin di động, 79 bản chưa có dịch vụ internet băng rộng di động (3G, 4G), 171 bản chưa có dịch vụ internet băng rộng cố định (cáp quang); tỷ lệ hộ nghèo chiếm 30,35%, cận nghèo chiếm 9,63%... đã ảnh hưởng đến việc kích hoạt tài khoản định danh điện tử và thực hiện dịch vụ công trực tuyến; việc làm sạch dữ liệu sổ hộ tịch với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư chậm tiến độ. Còn 3 huyện chưa cấp kinh phí thực hiện số hóa hộ tịch; tỷ lệ người dân sử dụng thẻ CCCD để đi khám chữa bệnh còn thấp (56,6%); việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt cho các đối tượng an sinh xã hội còn thấp, mới đạt 63%; thanh toán học phí không dùng tiền mặt toàn tỉnh mới đạt 15%.
Năm 2023, toàn tỉnh phấn đấu định danh điện tử cho 100% công dân trong độ tuổi; làm sạch dữ liệu chuyên ngành và cập nhật thông tin đảm bảo 100% trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hoàn thành việc làm sạch dữ liệu bảo hiểm, bảo đảm 100% người đóng bảo hiểm đồng bộ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; đẩy mạnh việc khám chữa bệnh BHYT bằng thẻ CCCD tiến tới bỏ thẻ BHYT vật lý. Đẩy mạnh công tác số hóa dữ liệu chuyên ngành kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến. Triển khai hiệu quả 53 dịch vụ công thiết yếu (trong đó có 25 dịch vụ theo Đề án 06 và 28 dịch vụ công theo Quyết định 422/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ).

Lãnh đạo UBND tỉnh, đại diện một số sở, ban, ngành nhấn nút khai trương nền tảng đô thị thông minh.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, đẩy mạnh chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục phát triển hạ tầng công nghệ đồng bộ, hiện đại phục vụ cho chuyển đổi số, quan tâm đến trang thiết bị tại bộ phận một cửa để phục vụ người dân và doanh nghiệp, thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến gắn với Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh cá nhân và xác thực điện tử phục vụ cho chuyển đổi số. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hệ thống đô thị thông minh; sử dụng chung nền tảng số thống nhất trên cơ sở liên thông, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các ngành. Triển khai hiệu quả hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng để phổ cập kỹ năng số cho người dân thực hiện chuyển đổi số, thực hiện dịch vụ công trực tuyến, thanh toán điện tử, thương mại điện tử. Nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, xác định phương châm 5 rõ: "Rõ người, rõ việc, rõ kết quả, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm".

Tại hội nghị đã khai trương Hệ thống họp không giấy mời; Hệ thống thông tin phản ánh hiện trường; Hệ thống giám sát thông tin trên môi trường mạng thuộc Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Điện Biên (IOC).

Tin, ảnh: Thành Đạt
Bình luận

Tin khác

Back To Top