Chính trịTư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Học tập và làm theo tính tiết kiệm của Bác Hồ

00:00 - Thứ Hai, 18/05/2015 Lượt xem: 1078 In bài viết
ĐBP - Trong suốt cuộc đời mưu sống và hoạt động cách mạng, trải qua các hoàn cảnh, điều kiện khác nhau, như: phụ bếp trên tàu buôn, làm thợ sửa ảnh, hoạt động cách mạng bí mật trong nước cho đến khi làm Chủ tịch nước ta, Bác Hồ vẫn giữ nếp sống như khi còn khó khăn, thiếu thốn... Lúc ở Luân Đôn làm phụ bếp cho một khách sạn, khi dọn bàn ăn thấy nhiều đùi gà quay vẫn còn nguyên, Bác đem gói lại cẩn thận để ở góc bàn. Người đầu bếp hỏi: Tại sao ông không bỏ đi. Người trả lời: Tôi để lại cho người nghèo ăn. 

Khi ở nước Pháp, mùa đông giá lạnh, trước khi ra khỏi phòng trọ đến chỗ làm việc, Bác đặt một tờ báo để ủ ấm trong đêm. Làm chủ bút một tờ báo, Người trực tiếp viết bài, vẽ, đặt trang, phát hành báo; người có cuốn sổ tay ghi chép theo dõi đầy đủ các khoản chi giấy, mực, công in và thu tiền bán báo; gồm tổng số thu, chi của từng số báo rồi làm báo cáo tài chính công khai, minh bạch với các đồng nghiệp. Sống ở bất cứ đâu, trong hoàn cảnh nào, Bác Hồ chỉ sử dụng - chi dùng những gì thuộc của mình, mỗi bữa ăn thường chỉ có một món.

Sau cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, lúc làm việc ở Bắc Bộ Phủ, Người thường ăn chung với các đồng chí phục vụ và bảo vệ. Khi làm cho Bác phần ăn riêng, Bác yêu cầu không quá ba món thịt hoặc cá, rau hoặc một món khác... Thời Pháp thuộc chỉ có cai làm đường, lính cơ và loại công chức thấp nhất mới ăn mặc vải kaki; đôi dép lốp cao su thì chỉ ông kéo xe mới dùng. Nhưng khi đã là Chủ tịch nước, Bác Hồ vẫn dùng y phục của những người dân bình thường. Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta sống giản dị, tiết kiệm như vậy là hợp tình, hợp lý với từng hoàn cảnh cụ thể.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở các đồng chí lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương trong các cuộc họp của Trung ương, của Chính phủ phải thực sự gương mẫu, thực hiện tiết kiệm để bảo đảm yêu cầu thắng lợi của công cuộc kháng chiến và kiến thiết đất nước sau khi hòa bình. Thường ngày Bác cũng khuyến khích mọi người tiết kiệm từ việc nhỏ đến việc lớn. Một bì thư giấy còn tốt, được dùng lại mặt ngoài vào trong. Vỏ bao thuốc, được dùng ghi chương trình một cuộc họp. Tờ giấy mới viết một mặt, được dùng làm giấy đánh máy cho một bài báo. Ở phòng làm việc, phòng họp chỉ để một lọ hoa. Nhà còn ở được, không cho phá đi xây lại nhà mới ...

Bác Hồ của chúng ta đã thực hành tiết kiệm từ việc nhỏ đến việc lớn như vậy đó.

Phạm Như Hùng
Bình luận
Back To Top