Chính trịTư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Học và làm theo Bác

Học Bác giữ “rừng vàng”

09:21 - Thứ Năm, 28/05/2020 Lượt xem: 4023 In bài viết

ĐBP - Tôi trở lại Thanh Nưa (huyện Ðiện Biên) một ngày cuối tháng 5, khi cái nắng như thiêu đốt dội xuống cánh rừng tái sinh hơn 20 năm tuổi. Ngay tại bìa rừng, hàng loạt thân cây rụng lá, tạo nên lớp thực bì khô rám phủ kín mặt đất. Cùng với thời tiết khô hanh, gió mạnh thì chỉ cần một mồi lửa nhỏ vô tình nào đó, nguy cơ xảy ra hỏa hoạn là rất lớn. Xóa tan lo lắng đó, những gương mặt rám nắng khoác trên mình chiếc áo xanh tình nguyện ướt sũng mồ hôi. Họ đã ở đây từ sáng để phát quang cây bụi và kiểm tra những nguy cơ rình rập bất trắc cho cánh rừng.

Ðoàn viên thanh niên CLB “Thanh niên tình nguyện chăm sóc, bảo vệ rừng” phát dọn thực bì tại khu vực rừng nhận khoanh nuôi, bảo vệ.

Câu lạc bộ giữ rừng

Chia sẻ về những ngày đầu bắt tay nhận khoanh nuôi, bảo vệ khu rừng tái sinh rộng hơn 10ha, nơi đầu nguồn con suối Hồng Lệnh, anh Trần Văn Cường, Bí thư Ðoàn xã Thanh Nưa cho biết: “Năm 2012 xã có chủ trương phân chia và giao khoán rừng cho các tổ chức, cá nhân và cộng đồng chăm sóc, bảo vệ. Là đại diện cho tổ chức thanh niên đứng ra nhận chúng tôi cũng hết sức trăn trở. Không phải ngại khó, ngại khổ, vì thanh niên chúng tôi có tuổi trẻ, có sức khỏe thì lo gì. Mà bởi, không như các tổ chức dân cư và hộ cá nhân, việc khoanh nuôi, bảo vệ được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, còn những tổ chức đoàn thể như chúng tôi thì hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện. Trong khi anh em đoàn viên chủ yếu đều là lao động chính trong gia đình, cuộc sống khó khăn nên anh em ưu tiên làm kinh tế. Tổ chức đứng ra nhận, liệu có huy động được cá nhân đồng tình tham gia? Rồi liệu có hoàn thành được nhiệm vụ?”

Băn khoăn nào rồi cũng sẽ dần được xóa bỏ khi thực sự có quyết tâm. Ðó là chân lý mà những người trẻ ở Thanh Nưa đang chứng minh. Bắt tay nhận rừng, cũng là lúc những người đứng đầu tổ chức đoàn “đi từng ngõ, gõ từng nhà” đoàn viên vận động, tuyên truyền. Một Câu lạc bộ (CLB) mang tên “Thanh niên tình nguyện chăm sóc, bảo vệ rừng” được sinh ra từ những cuộc vận động như thế.

Ðể tránh tình trạng “cha chung không ai khóc”, CLB phân rõ vai trò và gắn trách nhiệm cho từng tổ, đội một, làm sao cố gắng huy động cao nhất sự cộng đồng trách nhiệm từ mỗi đoàn viên. Ban đầu chỉ có sự tham gia của những người ưu tú nhất, song đến nay CLB đã tập hợp được hơn 30 đoàn viên, chủ yếu thuộc các bản bao quanh khu vực rừng được giao là: Tông Khao, Co Pao và Hồng Lệnh.

Ngoài những cuộc phối hợp với lực lượng kiểm lâm, bảo lâm xã, mỗi tháng từ 1 - 2 lần, các tổ, đội thanh niên tình nguyện luân phiên nhau tuần tra, kiểm soát rừng. Trên cơ sở đó kịp thời phát hiện các vấn đề liên quan đến rừng để có báo cáo, giải quyết, không để phát sinh thành vụ việc phức tạp.

Nhận thức rõ, rừng đầu nguồn có tầm quan trọng rất lớn trong việc bảo vệ nguồn nước sản xuất cho bà con trong khu vực. Từ năm 2016, hưởng ứng phong trào trồng cây gây rừng theo gương Bác Hồ do các tổ chức phát động, Ðoàn thanh niên xã đã nghĩ đến việc nhân rộng thêm màu xanh cho cánh rừng của CLB. Tuy nhiên, nguồn kinh phí đoàn cơ sở hạn hẹp nên mãi đến năm 2018, sau khi có được nguồn giống hỗ trợ từ Trung ương Ðoàn, CLB bắt tay ngay vào việc trồng hơn 1ha cây keo và mỡ. Những ngày khô hạn kéo dài, nắng nóng liên tiếp, các đoàn viên phải gùi từng can nước từ con suối Hồng Lệnh, ngược dốc lên tưới cho cây. Mồ hôi nhỏ thành dòng, hòa vào nước mát đã giúp cây rừng vượt qua 2 mùa nắng gió khắc nghiệt và từng ngày vươn mình xanh tốt dưới tán rừng tái sinh...

Mùa “canh lửa”

Nếu chỉ nghe thôi, thì có lẽ chẳng thể hiểu hết câu chuyện về những khó khăn, vất vả mà các đoàn viên, thanh niên ở Thanh Nưa đã và đang đối mặt để bảo vệ, giữ trọn màu xanh cho cánh rừng trước những mối đe dọa của thiên tai và con người suốt gần 10 năm qua. Nhưng thật may mắn, ngày chúng tôi về thăm Thanh Nưa cũng đúng là dịp cơ sở đang sôi nổi các hoạt động hưởng ứng ngày sinh nhật Bác. Như thông lệ hàng năm, đây cũng là thời gian cao điểm phòng, chống cháy rừng của các đoàn viên CLB cũng như toàn xã.

Dẫn chúng tôi đến khu vực mà các đoàn viên, thanh niên đang phát dọn thực bì cho cánh rừng nhận khoanh nuôi, anh Tòng Văn Toản, Phó Bí thư Ðoàn xã Thanh Nưa, đồng thời cũng là Trưởng đội bảo vệ rừng bản Tông Khao tâm sự: “Ðây chính là thời gian cao điểm cháy rừng nên ngoài việc tuần tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn thì các hoạt động chủ động phòng và ứng phó cháy rừng cũng được chúng tôi tổ chức thường xuyên. Thường là tổ chức theo từng tổ, đội, nhưng định kỳ thì cũng có những buổi huy động toàn bộ đoàn viên, thanh niên như thế này”.

Xen giữa dòng người đang thoăn thoắt tay phát dọn, tôi bắt gặp không ít nữ thanh niên, khuôn mặt đỏ ửng lên vì nắng. Trong đó có Lò Thị Thủy là vợ của anh Toản. Nhà có 2 vợ chồng, 2 đứa con nhỏ và một trang trại với bộn bề công việc… Nhưng hễ CLB có việc liên quan đến rừng, thì cả 2 anh chị cùng tham gia nhiệt tình. “Ði làm thế này, con cái em phải gửi ông bà, vì các cháu còn nhỏ quá.

Thời tiết tháng 5, ngoài đường hơi nóng bốc lên phả rát da thịt. Thế nhưng, dưới tán cây rừng ở đây, có cảm giác không khí dịu nhẹ đi bội phần. Lấy tay áo gạt mồ hôi chảy thành dòng trên mặt, anh Lò Văn Phòng, bản Hồng Lệnh hồ hởi khoe: “Chỉ hơn hai chục năm trước thôi, nơi đây không một bóng cây, cả vạt nương bạc màu bị bà con bỏ không, đất khô cằn. Khi xã có chủ trương, rồi tổ chức đoàn đứng ra nhận, tuyên truyền cho chúng tôi là phải học Bác, trồng rừng, bảo vệ rừng, vì rừng là vàng. Nghe theo, từ đó đến nay, chúng tôi đã gìn giữ, bảo vệ”.

Hỏi ra mới biết, anh Phòng là thế hệ thanh niên đầu tiên gắn bó với khu rừng này ngay từ những ngày đầu nhận khoán. Chính anh Phòng cũng là người đã bỏ tiền của, công sức, rồi huy động người thân và anh em trong CLB cuốc từng tấc đất, vần từng viên đá để tạo nên một con đường mòn nhỏ bao quanh toàn bộ khu rừng. Theo anh thì trước là để phục vụ việc đi lại làm mô hình kinh tế vườn - ao - rừng cho một số hộ, rộng hơn là để tiện cho việc tuần rừng của các thành viên CLB.

Trao đổi về vấn đề này, Bà Lò Thị Vân, Chủ tịch UBND xã Thanh Nưa cho biết: Ðối với diện tích rừng mà xã đang giao khoán cho các tổ chức đoàn thể, trong đó có CLB của đoàn thanh niên, thì trong suốt gần 10 năm qua, xã chưa phải can thiệp bất cứ lần nào về tranh chấp, hủy hoại hay cháy rừng. Không riêng việc bảo vệ tốt, mà công tác tuyên truyền cũng được đoàn viên thanh niên CLB thực hiện có hiệu quả nên chúng tôi hoàn toàn yên tâm.

Ðứng giữa tán rừng lao xao, nghe những câu chuyện của những thanh niên trẻ ở Thanh Nưa đã giúp tôi thêm khấp khởi. Suốt nhiều năm qua, những cánh rừng ở đây vẫn luôn được bảo vệ tốt. Rồi từ những phong trào “trồng cây gây rừng”, từng chồi non đang rẽ đất vươn mình xanh tốt, là minh chứng của sự đồng sức, đồng lòng, khẳng định ý chí, nghị lực vượt khó của sức trẻ Thanh Nưa để quyết tâm thực hiện vẹn tròn lời dạy của Bác.

Hà Linh
Bình luận
Back To Top