Chính trịTư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Học và làm theo Bác tự giác, thực chất, hiệu quả

08:10 - Thứ Hai, 05/07/2021 Lượt xem: 19438 In bài viết

ĐBP - Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, việc học và làm theo Bác trên địa bàn tỉnh không chỉ là phong trào, khẩu hiệu mà đã trở thành việc làm tự giác, thực chất, hiệu quả, có sức lan tỏa. Từ người nông dân, giáo viên, cán bộ, chiến sĩ đến các tổ chức cơ sở đảng, cấp ủy, chính quyền các cấp đều học và làm theo Bác bằng những hành động thiết thực.

Học và làm theo Bác từ những hành động cụ thể, cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Si Pha Phìn thường xuyên “3 bám, 4 cùng” với đồng bào các dân tộc trên địa bàn, cùng nhân dân bảo vệ vững chắc đường biên, cột mốc Tổ quốc (ảnh chụp tháng 4/2021).

Đối với lực lượng Công an tỉnh, học và làm theo Bác được cụ thể hóa bằng nhiều nội dung, trong đó có nhiệm vụ tăng cường cơ sở. Đại tá Tráng A Tủa, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh luôn xác định tăng cường lực lượng công an xuống cơ sở, thực hiện “3 cùng” với nhân dân là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá có ý nghĩa quan trọng trong công tác bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) ở cơ sở. Từ chủ trương ấy, việc tăng cường cơ sở đã phát triển thành phong trào “Công an Điện Biên thi đua hướng về cơ sở, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân” theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Thực tế thời gian qua, hình ảnh người chiến sĩ công an tỉnh được tô đẹp trên mọi mặt trận. Không chỉ giữ gìn an ninh trật tự, đấu tranh trấn áp tội phạm mà màu áo xanh còn xuất hiện trên ruộng đồng, giúp gia đình chính sách, khó khăn, bị cách ly do dịch bệnh thu hoạch mùa màng hay giúp dân làm nhà, cầu, đường, xây trường học, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Đặc biệt, thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ Công an về cấp căn cước công dân, Công an tỉnh đã huy động tối đa nguồn nhân lực, vật lực tổ chức các tổ công tác lưu động xuống các xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh để cấp căn cước công dân cho nhân dân. Với phương châm “làm hết việc không hết giờ”, các tổ lưu động thực hiện thu nhận hồ sơ 5 ca/ngày (liên tục từ 6 giờ sáng đến khi không còn công dân đến làm thủ tục trong ngày), nhiều khi thâu đêm, tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí cho công dân. Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, Công an tỉnh huy động hơn 1.000 lượt cán bộ chiến sĩ tham gia 32 chốt kiểm dịch trên địa bàn tỉnh; đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người, trực tiếp truy vết, phát hiện, phân loại cách ly hàng chục nghìn trường hợp F1, F2, người từ nước ngoài và các tỉnh có dịch trở về.

Thượng úy Sùng A Vương, Phó đội trưởng Đội An ninh (Công an TP. Điện Biên Phủ) chia sẻ: Trong thời gian cao điểm dịch xuất hiện tại địa bàn, hơn 250 cán bộ, chiến sĩ công an thành phố đã tham gia phối hợp với lực lượng y tế truy vết các trường hợp F1, F2, triển khai công tác phòng, chống dịch. Anh em thường xuyên phải làm thâu đêm, không kể thời gian nhưng đều trách nhiệm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần nhanh chóng kiểm soát, khống chế dịch bệnh tại địa bàn. Mỗi cán bộ, chiến sĩ đều hết mình vì công việc như lời dạy của Bác “Công an phải là đầy tớ dân. Đã là đầy tớ dân thì công an phải ra sức bảo vệ nhân dân, ra sức phục vụ nhân dân”.

Đối với lực lượng bộ đội biên phòng tỉnh, việc nghiêm túc, chủ động, sáng tạo học và làm theo Bác đã giúp các cán bộ, chiến sĩ, đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ an ninh biên giới quốc gia. Đại tá Nguyễn Thanh Dịu, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết: Những năm qua, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đưa việc học tập và làm theo Bác trở thành công việc tự giác, thường xuyên của các cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy, của từng cơ quan, đơn vị và mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ. Đồng thời là tình cảm, trách nhiệm của mỗi quân nhân trong việc giữ gìn và phát huy phẩm chất cao đẹp “Bộ đội cụ Hồ”. Lấy kết quả học tập và làm theo Bác là một trong những tiêu chí cụ thể để bình xét thi đua, khen thưởng, đánh giá chất lượng thực hiện nhiệm vụ đối với từng tập thể, cá nhân hàng năm. Qua đó góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trên địa bàn biên giới của tỉnh.

Để làm được điều đó, các đồn biên phòng không chỉ làm tốt chức năng, nhiệm vụ thường xuyên mà đã tăng cường bám dân, bám địa bàn, phát huy vai trò của 29 cán bộ biên phòng giữ chức phó bí thư đảng ủy 29 xã biên giới; 83 đảng viên biên phòng tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn, bản biên giới; 424 cán bộ đảng viên phụ trách 1.700 hộ gia đình ở khu vực biên giới. Nhiều chương trình giúp dân đã và đang được các đơn vị trong Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai hiệu quả, được các cấp, các ngành và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Như các chương trình “Nâng bước em đến trường”, “Con nuôi biên phòng”, “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, Hũ gạo chiến sĩ, khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí… Đặc biệt, trong những ngày cả nước chung tay đẩy lùi đại dịch Covid-19, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh luôn là lực lượng xung kích đi đầu, duy trì 69 tổ, chốt với gần 350 cán bộ, chiến sĩ ngày đêm tuần tra, kiểm soát chặt chẽ biên giới.

Toàn tỉnh đã có nhiều tấm gương cá nhân, tập thể điển hình được khen thưởng sau 5 năm sơ kết thực hiện Chỉ thị 05. Từ những tấm gương bình dị, như nông dân Quàng Văn Thủy (xã Quài Nưa, huyện Tuần Giáo), nghệ nhân Lường Thị May (xã Núa Ngam, huyện Điện Biên), Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Xá Nhè Hạng Thị Sú (huyện Tủa Chùa)… đến các cán bộ, lãnh đạo tâm huyết, gương mẫu đi đầu trong học và làm theo Bác, các đơn vị, tập thể tiêu biểu đạt nhiều thành tích trong 5 năm noi gương Bác. Mỗi cá nhân, tập thể vận dụng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào thực tế cuộc sống, công việc khác nhau nhưng họ đều đã thực sự coi đây là nền tảng, chuẩn mực để soi lại mình, tự giác, chủ động học và làm theo Bác một cách thực chất và hiệu quả.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top