Du lịchĐất và người Điện Biên

Pá Khoang, “điểm đến” cấp quốc gia

00:00 - Thứ Sáu, 23/10/2015 Lượt xem: 1269 In bài viết
ĐBP - Mới đây, để giúp tỉnh Điện Biên có thêm cơ sở pháp lý trong việc hoạch định các chính sách phát triển du lịch, ngày 24/8/2015 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1465/QĐ-TTg, về việc Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang, tỉnh Điện Biên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030...

Căn cứ vào QĐ 1465/QĐ-TTg, Khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang (sau đây xin viết là Khu DLQG Điện Biên Phủ - Pá Khoang) thuộc địa bàn thành phố Điện Biên Phủ và 2 xã Pá Khoang và Mường Phăng, huyện Điện Biên; trong đó diện tích khu du lịch dự kiến phát triển trở thành Khu du lịch quốc gia là 2.500ha. Ngoài ra, phạm vi nghiên cứu quy hoạch còn bao gồm các điểm du lịch phụ cận: Suối khoáng nóng Hua Pe xã Thanh Luông, huyện Điện Biên; thành Bản Phủ và đền thờ Hoàng Công Chất xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên; nước khoáng nóng U Va xã Noong Luống và động Pa Thơm xã Pa Thơm, huyện Điện Biên; cửa khẩu Tây Trang xã Na Ư, huyện Điện Biên; tháp cổ Mường Luân xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông.

Quy hoạch định hướng phát triển Khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang trở thành điểm du lịch hấp dẫn và có khả năng cạnh tranh cao, trên cơ sở khai thác các giá trị của di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ để tạo nên sự khác biệt, đặc trưng về sản phẩm du lịch, góp phần tạo thương hiệu của khu du lịch và chú trọng khai thác các giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số và các giá trị sinh thái núi rừng Tây Bắc, để đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Đồng thời, phát triển bền vững gắn liền với việc bảo tồn và phát huy các giá trị Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, văn hóa các dân tộc thiểu số Tây Bắc.

Bên cạnh đó, khắc phục tính thời vụ trong hoạt động du lịch địa phương, giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội gắn với nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo. Về định hướng phát triển sản phẩm du lịch, ưu tiên phát triển du lịch lịch sử - văn hóa và du lịch sinh thái với các sản phẩm như: Du lịch tham quan, tìm hiểu, giáo dục truyền thống cách mạng, tri ân, nghiên cứu, trải nghiệm các giá trị vĩnh hằng của Chiến thắng Điện Biên Phủ thông qua các di tích thuộc quần thể Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, tham quan tìm hiểu bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc, du lịch thăm lại chiến trường xưa, tham quan, nghiên cứu hệ sinh thái hồ Pá Khoang, rừng văn hóa lịch sử Mường Phăng cùng các sản phẩm du lịch bổ trợ gắn với các điểm du lịch phụ cận.

Có thể thấy trong hàng loạt địa danh được nhắc đến bởi QĐ 1465/QĐ-TTg, thì danh từ riêng “Pá Khoang” xuất hiện nhiều nhất với tư cách là một “điểm nhấn” của “Tour” du lịch Điện Biên Phủ - Pá Khoang. Pá Khoang là tên gọi theo phong cách biểu trưng của ngôn ngữ Thái, nghĩa là Rừng trúc. Trước kia, trúc ở Pá Khoang nhiều vô kể, người ta bảo: “ngửa mặt lên thấy trời, cúi mặt xuống thấy trúc”, là vì thế. Đã có thời, cây trúc mảnh mai như thục nữ Pá Khoang được coi là mặt hàng chiến lược, ngành ngoại thương thu mua rồi xuất khẩu sang các nước châu Âu. Qua khâu xử lý công nghiệp, thân cây trúc mang màu hổ phách, loáng bóng ánh dầu, cây nhỏ làm cần câu cá, cây to làm gậy trượt tuyết, khai thác bao nhiêu bán hết bấy nhiêu.

Chuyện kể rằng tròn 20 năm sau chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ (5/1954), đầu năm 1974 bốn đại đội Thanh niên Xung phong đầu tiên đã có mặt ở Mường Phăng. Lý tưởng “Đi ta đi khai phá miền Tây” đã tiếp thêm nghị lực cho những cánh tay sắt thép và sức trẻ dẻo dai, tình yêu Điện Biên và trái tim người thợ giúp họ hoàn thành con đường vắt qua mấy chục ngọn núi chỉ trong vòng hơn nửa năm trời. Để rồi, gần 6 năm sau, công trình hồ Pá Khoang được hoàn thành, dài 12km, rộng 3km, diện tích bề mặt 36km2, dung tích thiết kế khoảng 50 triệu m3. Hồ Pá Khoang thuộc địa phận xã Mường Phăng (huyện Điện Biên), cách thành phố Điện Biên Phủ 32km đường ôtô (khoảng 12km đường chim bay), theo quốc lộ 279. Năm xưa, trước khi chiến dịch Điện Biên Phủ khai hỏa (tháng 03/1954), dưới tán rừng nguyên sinh Mường Phăng, các đơn vị sơn pháo của lực lượng pháo binh non trẻ Việt Nam (thuộc Đại đoàn công pháo 351, do Chính uỷ Phạm Ngọc Mậu chỉ huy), đã hì hục đem những “con voi sắt” qua đây. Từ Nà Nhạn, những cỗ pháo nặng gần 3 tấn được bí mật kéo qua Mường Phăng, ngạo nghễ ghếch nòng lên các sườn núi Bó Hoóng, đĩnh đạc dội lửa xuống đầu Tập đoàn cứ điểm Pháp...

Còn bây giờ, từ trên dãy Pú Hồng Mèo, du khách sẽ có cái cảm giác như tỉnh như say mỗi khi phóng tầm mắt chiêm ngưỡng Pá Khoang. Trong ráng chiều tim tím nơi bồng bềnh sơn cước, lớp lớp sóng bạc lăn tăn gợn lên từ giữa lòng hồ lung linh sương khói, rồi theo làn gió thoảng tản ra ôm lấy những đường kỳ hà giả tưởng. Thấp thoáng trong màu xanh bát ngát của tán lá đại ngàn, là những ngôi nhà nghỉ kiêu hãnh soi mình xuống mặt hồ. Đôi khi, vào lúc viễn khách đang thẫn thờ thưởng lãm, bỗng giật mình bắt gặp một cánh chim từ quy run rẩy chao nghiêng xuống lòng thung; hình ảnh ấy bất giác gợi niềm cô liêu vô cớ, hoặc nhắc đến một kỷ niệm xa vời mà tự ta cũng không hiểu vì sao... Mây biếc quấn quanh núi xanh, núi xanh trùm lên ngói đỏ, ngói đỏ lẫn vào nước bạc, cảnh trí này và nỗi niềm kia ngỡ như không bút lực nào vẽ nổi, không văn nhân nào tả xiết.

 

Khách du lịch thăm đảo hoa Pá Khoang.

Trước khi có QĐ 1465/QĐ-TTg, trong đề án cấp Nhà nước về “Quy hoạch Tổng thể phát triển Du lịch Việt Nam 1995-2010”, Chính phủ xác định Điện Biên là điểm du lịch mang tầm cỡ quốc gia. Các điểm du lịch: Thành phố Điện Biên Phủ - Pá Khoang - Mường Phăng... là khu du lịch đặc thù về văn hóa - lịch sử, với những tiềm năng to lớn, cần đưa vào khai thác. Với đề án trên, về lý thuyết, du lịch Điện Biên là điểm đến lý tưởng của nhiều loại hình du lịch, theo đó, các nguồn thu trong ngành “công nghiệp không khói” sẽ chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh và ở đó, hồ Pá Khoang như một điểm đến sinh thái - lịch sử thú vị và giàu chất lãng mạn nhất. Trên bình đồ hơn 900 mét so với mực nước biển, hồ Pá Khoang như một tấm gương khổng lồ gác hững hờ giữa khoảng không u tịch. Quanh năm suốt tháng, xuân hạ thu đông đủ bốn mùa “mặt gương” lấp lánh, quả là một kỳ quan được tạo ra từ bàn tay khối óc con người.

Mục tiêu chung đến năm 2020, phát triển Khu du lịch Điện Biên Phủ - Pá Khoang cơ bản đáp ứng các tiêu chí của Khu du lịch quốc gia. Đến năm 2030, thực sự trở thành Khu du lịch quốc gia với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch chất lượng cao, có thương hiệu, có sức cạnh tranh, mang đậm đặc trưng văn hóa vùng Tây Bắc, tạo động lực thúc đẩy phát triển bền vững du lịch và kinh tế - xã hội tỉnh Điện Biên, vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ và cả nước. Cụ thể, phấn đấu đến năm 2020 đón được khoảng 650.000 lượt khách, trong đó có 170.000 khách quốc tế, tổng thu từ các dịch vụ du lịch đạt khoảng 1.400 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 13.000 lao động, trong đó có hơn 4.000 lao động trực tiếp. Đến năm 2030, đón được khoảng 1,5 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 500.000 lượt khách quốc tế, tổng thu từ khách du lịch đạt trên 5.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 30.000 lao động với khoảng 10.000 lao động trực tiếp.

Nếu có dịp lên thăm thành phố Điện Biên Phủ, xin mời bạn tới Mường Phăng - nơi đóng đại bản doanh của quân ta ngày trước - và dĩ nhiên là có cả Pá Khoang. Bên hồ, vào lúc chúng ta vừa ngắm trời, ngắm đất, lại vừa say đắm ngắm nhau đang thưởng thức món măng nướng với cá sấy khô, các nàng sơn nữ kiều diễm sẽ làm xao động trái tim bạn bởi một câu chuyện cổ tích hay nhất, dung dị và cũng nhân bản nhất, hơn tất cả mọi câu chuyện mà bạn từng nghe... Rằng, ngày xửa ngày xưa, tại một địa danh phát tích có tên là Tảu Pung (thuộc xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên hiện nay) cách Pá Khoang chỉ mấy cánh rừng, sau cơn đại hồng thuỷ các giống người lần lượt được sinh ra từ một quả bầu tạo hoá. Các giống người ấy sau này là tổ tiên của đại gia đình 19 dân tộc đang cùng nhau phát triển trên mảnh đất yêu dấu Điện Biên...

Thu Loan
Bình luận
Back To Top