Du lịchĐất và người Điện Biên

Mường Thanh trước ngày chiến thắng

14:41 - Thứ Ba, 17/01/2017 Lượt xem: 2298 In bài viết
ĐBP - Rồi một ngày đột nhiên im bặt tiếng bom, tiếng đại bác, chỉ nghe tiếng máy bay rè rè. Chập tối thấy hàng binh Pháp từ Hoong Cúm xếp hàng từ từ, lũ lượt đi qua. Cán bộ dân vận thông báo: “Ta giải phóng được rồi, bà con ơi! Ra khỏi hầm đi thôi!”. Lúc bấy giờ tôi mới biết Điện Biên được giải phóng hoàn toàn. Đó là buổi chiều lịch sử: 7/5/1954!...

Nhìn kỹ bản đồ hành chính trong cuốn “Sơ thảo lịch sử Đảng huyện Điện Biên” (1954 - 1975), ta có thể hình dung: Huyện Điện Biên cũng như một vị thần kim quy khổng lồ, đầu quay lên hướng bắc, cổ ghé sang hướng đông, miệng há rộng như luôn hít thở khí trời hoặc đón bình minh mỗi buổi sớm mai. Đỉnh chóp đầu là bản Nà Pheo. Đuôi thần kim quy là phía nam xã Mường Lói. Trung tâm là cánh đồng Mường Thanh. Nói theo ẩm thực thì cánh đồng Mường Thanh là bộ tim gan con rùa. Sông Nậm Rốm bắt nguồn từ Thanh Nưa, Nà Tấu, Mường Phăng... chảy qua lòng chảo Điện Biên chia đôi cánh đồng Mường Thanh thành hai nửa gần bằng nhau. Sau mỗi mùa mưa, Nậm Rốm để lại đôi bờ một lớp phù sa dày tới gang tay, nuôi dưỡng những bãi ngô, bãi mía... quanh năm xanh rờn. Xa xa đôi bờ Nậm Rốm là những ngôi nhà sàn truyền thống, ngói đỏ au ẩn hiện trong các vườn nhãn, vải thiều, cà phê, bốn mùa hoa thơm quả ngọt.

 

Tôi đang cố lục tìm về xa xưa của cánh đồng Mường Thanh, thì được các già bản kể lại rằng: Từ thủa hồng hoang cánh đồng Mường Thanh là cả một cánh rừng già có nhiều gỗ quý, nào chò chỉ, nghiến, sấu, nào lát hoa, dổi găng... nhiều cây to lắm, hai người nắm tay ôm không xuể, vươn cao như nối đất với trời. Vì thế, Mường Thanh xưa còn có tên gọi Mường Then (tức Mường Trời). Hổ, báo, hươu, nai, tê giác, muông thú quý nhiều lắm. Thợ săn mới đến cửa rừng đã có nai, có hoẵng đem về. Những tên xã, tên bản hiện nay vẫn mang dấu ấn huyền thoại thời xa xưa: Noong Luống (ao rồng tắm), Noong Hẹt (ao đằm của tê giác)... đời nọ tiếp đời kia, rừng già biến thành thung lũng, nước đọng quanh năm, cỏ dại và cây rừng chết ngập hết. Muông thú phải tìm nơi khác sinh sống. Voi, tê giác, lợn lòi, sơn dương... buộc phải di trú lên Mường Tè; hươu, nai, hổ, báo... lên Mường Luân, Mường Lói; vẹt mỏ đỏ và chim trĩ xanh lên Mường Pồn, Mường Mươn rồi đi đâu nữa không biết...

Qua mỗi mùa mưa lũ nước các dòng suối chở theo đất về phủ kín rồi dần dần nhấn chìm các khu rừng già, tạo thành cánh đồng Mường Thanh ngày nay. Người Thái, người Lự, người Lào... đến đắp bờ, đào mương gieo cấy lúa nước, xây dựng thành bản, thành mường. Giống “khẩu tan” (nếp tan) được gieo cấy lâu đời, mỗi năm một vụ: Cấy tháng 6, thu hoạch tháng 10 dương lịch. Các già bản bảo: “Khẩu tan đã dẻo lại thơm ngon. Cầm nắm xôi nóng  ném vào vách nhà, nó dính chặt như nắm bánh dày, đấy mới đích thực “khẩu tan” Mường Thanh. Hương vị “khẩu tan” thì khỏi phải bàn rồi. Một nhà bắc chõ, cả bản cùng thơm. Con gà, con vịt cũng được ăn thóc nếp tan quanh năm, vì một lẽ nào đó, nếp tan hiện nay vắng hẳn trên đồng ruộng, trên thị trường”.

Cuộc sống người dân trên cánh đồng Mường Thanh đang êm ả, thanh bình, thơ mộng thì đất bằng như rung chuyển, tai họa khôn lường. Một buổi sáng (20/11/1953) sáu tiểu đoàn tinh nhuệ của tướng Gin, theo kế hoạch Nava nhảy dù xuống lòng chảo, tái chiếm Điện Biên lần thứ 3. Dù người, dù vũ khí được thả xuống dày như nấm. Hàng rào dây thép gai, sân bay dã chiến, ụ súng, chiến hào... giăng khắp 49 vị trí quân sự. Cánh đồng Mường Thanh như mang trên mình những vết sẹo sần sùi. Nhìn lên bầu trời những chiếc dù như những cái nấm trắng, nấm xanh... người thì bằng cổ tay đen đen lơ lửng trên không. Quân ta lập tức bắn tỉa, giặc chết cũng nhiều, dù không mở rơi xuống đất chết cũng lắm; về sau có lệnh không cần bắn trúng người bắn thủng dù rơi xuống người sẽ chết. Bà con đang gặt chạy nháo nhác, bọn lính dù xuống đất nhìn thấy bắn chết một số người dân.

Dù có nhiều loại: trắng, đỏ, vàng, rằn ri. Mãi sau này tôi mới biết từng loại dù. Dù trắng là thả người; dù vàng, dù đỏ là dù thả đồ hộp cho sĩ quan, lưỡi máy ủi đất và súng cối, đại bác... có thợ ở mặt đất lắp, và thả tất cả các súng cối, đại bác các loại. Máy bay chuyên chở có nhiều loại, thả dù trắng là lính nhảy dù cả ngày lẫn đêm. Máy bay ba thân, thân giữa to mở cửa phía sau chuyên chở khí tài hạng nặng (không thả dù). Có loại máy bay tải trọng lớn, cửa mở phía trước chở được cả ô tô nguyên chiếc; ô tô nổ máy sẵn, máy bay hạ cánh có người lái chạy từ trong lòng máy bay chạy ra ngoài. Máy bay B24 chuyên thả bom Na pan và bắn xuống mục tiêu dưới mặt đất; máy bay “bà già” bay lượn do thám suốt ngày đêm đinh tai nhức óc. Bên cạnh đó là tiếng súng cá nhân, tiếng pháo cối, đại bác các loại.

Từ ngày nhảy dù xuống Điện Biên Phủ đến tháng 1/1954, các cứ điểm của giặc củng cố hầm hào. Chúng phá nhà dân lấy gỗ làm hầm lấp đất phủ lên cho vững chắc. Cả vùng lòng chảo lấy sông Nậm Rốm làm ranh giới phân chia dân thành bốn cụm: phía Đông Nam hai cụm (Hoong Quài Tai (rãnh trâu chết) thuộc bản Ten và Noong Nhai (Thanh Xương, Điện Biên). Phía Tây Bắc cũng hai cụm: Bản Co Mỵ (xã Thanh Chăn) và Ta Pô (xã Thanh Nưa). Bộ máy hành chính của giặc cũng đã hình thành, có “đơ-dem-bia-rô“ (bàn giấy phòng nhì) để giải quyết mọi vấn đề dân sự. Họ lập nhà thờ, có hai cố đạo, gọi là cha cố. Một cha tên là Pe-gơ-ri, người thấp, râu ria nhẵn nhụi; cha thứ hai tên là Pe-ghi-đông, người cao, hơi gầy để râu dài. Hai cha cố này ra ngoài đường, ai gặp cũng giơ tay chào. Nhà thờ đặt tại khu tập trung Hoong Quài Tai (bản Ten, xã Thanh Xương). Địch mở trường dòng truyền đạo chiêu sinh được 12 người, chúng đóng bàn ghế mở lớp (vật liệu là hòm gỗ đựng đạn trên máy bay thả xuống)... Trong tháng này chưa thấy tiếng súng của quân ta.

Tập đoàn cứ điểm có hai sân bay Mường Thanh, Hoong Cúm, máy bay lên xuống liên tục. Theo lệnh của Đờ - cát, cả vùng lòng chảo bị phát quang, hầu hết những cây to bị đốn trụi. Đến tháng 3/1954, nghe tiếng cao xạ pháo của Việt minh. Thỉnh thoảng một chiếc máy bay Pháp bị bắn rơi, đại bác của giặc bắn đi khắp nơi. Hàng ngày sáng cũng như chiều, bọn lính tràn vào các trại tập trung lùng sục cán bộ. Khi giặc rút, cán bộ dân vận của Việt minh vào tuyên truyền ngay với nội dung: “Nhân dân chúng ta phải đoàn kết với cán bộ, bộ đội; phải giữ bí mật, tuyệt đối không được bán lương thực, thực phẩm cho giặc, mỗi gia đình phải củng cố hầm nhà mình thật tốt. Nhân dân ta phải tin tưởng vào Đảng và Chính phủ, sắp đến ngày giải phóng rồi...”.

Tháng 4/1954, đường hào của quân ta từ ven rừng tiến vào lòng chảo Mường Thanh ngày càng nhiều. Rồi bọn Pháp biết, cho quân đi lấp hào, có xe tăng yểm trợ, hai bên bắn nhau rất ác liệt, lính Pháp chết nhiều. Trên đỉnh núi phía Đông, địch biết có đường kéo pháo của ta, máy bay lúc nào cũng do thám và thả bom liên tục. Pháo của ta bắn nhiều xuống hai sân bay. Tháng này cũng xuất hiện truyền đơn của ta, có cả chữ Thái và chữ phổ thông. Lính nguỵ sau khi nhận được truyền đơn, nhiều tên trốn khỏi hàng ngũ địch trở về với bố mẹ, vợ con. Truyền đơn của ta nói rõ đường lối của Đảng và Chính phủ đối với lính ngụy, có chính sách khoan hồng, không bắt phạt tù tội như bọn Pháp thường tuyên truyền với âm mưu chia rẽ và hăm dọa.

Khắp nơi từ Tuần Giáo, Mường Lay, Mường Tè, Phong Thổ, Sìn Hồ đến Điện Biên... đâu đâu cũng thấy lính nguỵ đào ngũ. Thời gian này địch rất khốn đốn. Máy bay của chúng thả dù tiếp tế liên tục nhưng hầu hết dù rơi ra vùng ngoài và quân ta được hưởng. Trong khi đó, nhân dân vẫn sống trong các trại tập trung rất khổ sở, phải dậy thật sớm để nấu cơm một lần ăn cả ngày, đêm ăn trong hầm, ra khỏi hầm có thể trúng bom đạn ngay. Khoảng 14 giờ ngày 25/4/1954, một trận bom khủng khiếp như trời sụp xuống trại tập trung Noong Nhai (xã Thanh Xương, huyện Điện Biên hiện nay) làm 444 người chết, chưa kể nhiều người bị thương. Khói bốc lên nghi ngút... mùi khét, xác chết ngổn ngang trông rất thảm thương. Từ bấy, ngày đêm tiếng súng đạn các cỡ, tiếng máy bay trên không đinh tai nhức óc. Đại bác của ta từ phía Đông trút xuống đồi A1 như chọc lỗ bỏ hạt, khói mù mịt trùm cả quả đồi. Cứ như thế trong nhiều ngày đêm và thung lũng Mường Thanh quả là một “chiến địa” theo đúng nghĩa đen của từ này...

Ký của Quốc Anh
Bình luận
Back To Top