Du lịchĐất và người Điện Biên

Về với Mường Ta

10:04 - Thứ Tư, 18/01/2017 Lượt xem: 2055 In bài viết
ĐBP - Một vùng đất đã ghi vào dấu ấn của những chiến công xưa và nay. Đó là một vùng đất thuộc xã Mường Nhà (huyện Điện Biên) đã để lại cho những người đã đến và đi, tình sâu nghĩa nặng về vùng đất giữa miền tây Tổ quốc.

Tôi cũng biết vùng đất Mường Nhà lẫy lừng những chiến công của dân quân, đơn vị vũ trang Mường Lói, Mường Nhà. Đỉnh núi Pu Lau cũng là nơi nhiều toán biệt kích gián điệp nhảy dù xuống xâm nhập vào nội địa để chống phá Nhà nước ta, đã bị quân dân Mường Nhà tóm gọn.

Chỉ cách đây hơn 10 năm, cán bộ ra huyện để họp đi phải mất hơn 2 ngày đường. Mùa mưa thì phải vượt 7 con suối lớn nhỏ, về đến đầu huyện phải bơi qua con sông Nậm Nưa, Hát Hẹ, nếu nước lớn phải ngủ lại chờ nước rút mới sang được vùng Núa Ngam, chưa nói đường mòn dốc quanh co. Một vùng đất mưa thì sầm sập, nắng thì như đổ lửa, gió Lào thì hầm hập nhiều cô giáo được phân công lên Mường Nhà, chỉ trụ được dăm khóa rồi cũng phải xin nghỉ vì không chịu được những gian khó, thiếu thốn. Gian khổ là vậy, thiếu thốn là thế ta mới hiểu được lòng dân biên giới, sự hy sinh của những cán bộ, chiến sỹ biên phòng và hàng trăm cán bộ, giáo viên, công an đang ngày đêm bám trụ vùng biên.

Về Mường Nhà hôm nay, đường sá thênh thang, bản làng óng ánh như dát bạc đẹp như một bức tranh thủy mạc. Trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND Mường Nhà khang trang. Các đồng chí lãnh đạo xã biết tôi là nhà báo từ xa về đã chủ động đón như đón người thân ở xa về Mường mình.

Trò chuyện với ban lãnh đạo và làm việc với họ mới thấy được trình độ, năng lực, hầu hết là các anh đã thay đổi rất nhiều. Từ trong máy tính anh Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã rút ra một tập báo cáo của xã 15 trang. Tôi lướt nhanh số liệu trên bản báo cáo, nhiều chỉ tiêu chưa cao, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã còn 44,7%. Nhưng nếu so sánh trước kia (100% hộ nghèo) thì con số đó đã giảm đáng kể; trên 50% dân số trong xã khá giả, 100% số hộ có xe máy. 14 bản đều có máy xay xát, các cháu trong độ tuổi đến trường đạt 100%; có trường mẫu giáo đến cấp 3, trên 60 em đã tốt nghiệp và theo học tại các trường cao đẳng và đại học. Đặc biệt là công tác đoàn kết dân tộc đã tiến bộ đáng kể, không có vụ gây mất trật tự trong xã, bản; tệ nạn tảo hôn, tuyên truyền đạo trái phép được đẩy lùi. Đây là một công tác cốt lõi ở những xã vùng biên mà Mường Nhà đã đi đúng hướng, tạo sức mạnh đoàn kết các dân tộc để giữ vững biên giới, vững bền dài lâu. Một xã vùng biên Mường Nhà trước kia xa xôi, khốn khó vô cùng, giờ thì không còn xa nữa, người dân được tiếp cận các phương thức sản xuất, khoa học công nghệ tiên tiến.

Chiều về, Mường Nhà sầm uất hẳn lên bởi một phiên chợ vùng cao. Các cửa hàng đầy đủ các loại hàng hóa như: quần áo, giày dép lại có cả son phấn làm đẹp cho các cô thiếu nữ Lào trong các mùa lễ hội. Các anh lãnh đạo xã đưa tôi đi tham quan vài bản, những con đường bê tông đã rải đến bản, nhiều hộ đã lắp nóng lạnh, có công trình vệ sinh khép kín. Đó là sự đổi mới chưa từng có của người dân vùng sâu, vùng xa. Đây là sự đặc biệt một nét văn hóa đã nói lên Mường Nhà sẽ không thua kém các xã bạn trong nội địa và tỉnh, huyện.

Mường Nhà của Mường ta hôm nay như thế đó, mệt vì tuổi tác, lại có men rượu, tôi đánh một giấc đến khi tiếng gà gáy dồn lọt vào tai. Tiếng gà của năm gà đánh thức tôi! Tiếng gà gáy xốn sang như đang vọng về những điều tốt lành của một năm mới, để có một đất nước, Mường ta bao la, để biên cương càng vững bền vang mãi bài ca ấm áp, no lành và cuộc sống bình yên như Mường của ta.

Biên giới Việt – Lào mùa xuân năm 2017

Hồng Hải
Bình luận
Back To Top