Du lịchĐất và người Điện Biên

Thơm nồng củ kiệu Mường Lay

09:49 - Thứ Năm, 29/06/2017 Lượt xem: 2978 In bài viết
ĐBP - Cùng chung chặng đường trở về thành phố sau chuyến công tác lên Mường Lay mới đây với tôi có một cô bạn đang công tác tại mảnh đất này. Cuối tuần về thăm nhà, cô không có hành lý gì nhiều, chỉ xách thêm túi củ kiệu to mẩy, trắng muốt. Thấy tôi tỏ vẻ thắc mắc, cô bạn quảng cáo luôn: “Củ kiệu ở đây rất thơm và ngon, hiện giờ đang vào mùa thu hoạch”. Câu nói khiến tôi càng thêm tò mò về món ăn dân dã “trái mùa” này của mảnh đất Mường Lay.


Củ kiệu Mường Lay có hương vị đặc trưng và thường được muối khô.

Trước giờ, tôi vẫn nghĩ củ kiệu chỉ có vào dịp gần tết, là món ăn quen thuộc mang hương vị tết cổ truyền. Nhưng ở Mường Lay, củ kiệu được trồng từ tháng 2 - 3; thu hoạch vào tháng 5 - 6. Có điều rất đặc biệt là, người dân nơi đây không muối kiệu “ăn liền” như nhiều vùng miền khác mà muối khô, sau 1 - 2 tháng mới có thể thưởng thức và giữ được trong thời gian 1 năm. Đây là cách muối truyền thống, phục vụ bữa ăn hàng ngày của người dân tộc Thái nơi đây. Tôi đến thăm gia đình bà Hoàng Thị Quý, bản Chi Luông 1, phường Na Lay khi bà đang trộn mẻ củ kiệu của vụ mới. Để mẻ kiệu muối ngon thì phải chọn mua củ to đều nhau. Kiệu được người phụ nữ tỉ mẩn cắt bỏ rễ, bóc lớp vỏ mỏng bên ngoài để lộ ra từng củ trắng muốt “nõn nà”. Đây là công đoạn mất nhiều thời gian và công sức nhất. Sau đó kiệu được ngâm nước, rửa sạch, phơi qua cho ráo rồi cho vào một chậu lớn, nêm các loại gia vị: Đường, tỏi, ớt bột, muối. Tiếp theo trộn liên tục đến khi gia vị quyện ngấm vào các củ kiệu thật đều là có thể cho vào âu hoặc lọ đậy kín, chờ củ “chín”, chuyển màu trong là có thể thưởng thức (1 - 2 tháng tùy vào củ già hay non, to hay nhỏ), củ càng trong ăn càng ngon. Có thể thấy cách sơ chế, muối kiệu của người dân nơi đây không cầu kỳ như một số tỉnh miền xuôi nhưng kiệu lại có hương vị đặc trưng, thơm nồng mà đỡ hăng hơn kiệu trồng ở các nơi khác và khi ăn thì giòn, ngọt tự nhiên. Củ kiệu muối ăn ghém cùng các món canh, thịt đều rất hợp và đưa cơm. Vì vậy mà đến mùa củ kiệu, các hộ dân nơi đây thường mua nhiều về muối để ăn dần. Bà Quý chia sẻ: “Món ăn này được sử dụng rất thông dụng trong bữa ăn của người dân tộc Thái chúng tôi, chứ không chỉ trong dịp tết. Cứ đến mùa, hầu như gia đình nào cũng phải có ít nhất 1 âu củ kiệu muối. Các bà, các mẹ đều biết làm món ăn này”.

Trong cuộc trò chuyện với phóng viên, ông Vũ Xuân Linh, Phó Chủ tịch UBND thị xã cũng nhiệt tình giới thiệu về củ kiệu Mường Lay. Ông cho biết: “Củ kiệu Mường Lay từ lâu đã nổi tiếng trong vùng. Thị xã đang có hơn 10ha củ kiệu do người dân xã Lay Nưa và phường Na Lay trồng xen canh với lúa nương, gần các khe nước mát. Củ kiệu dễ trồng, đạt năng suất khá cao, hiện giá bán 20.000 - 25.000 đồng/kg, là nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ dân vùng cao trên địa bàn”. Được biết, mới đây, UBND thị xã liên kết với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mời một số công ty sản xuất, kinh doanh nông sản sạch trong và ngoài tỉnh đến địa bàn tham gia buổi giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản Mường Lay; trong đó có củ kiệu muối. Sau buổi làm việc, Công ty TNHH Thực phẩm Safe Green (Điện Biên) đã kết nối với người dân đặt hàng 50 lọ củ kiệu muối để trưng bày, giới thiệu tại chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch của Công ty. Đây là tín hiệu vui, là lần đầu tiên củ kiệu muối của người dân Mường Lay chính thức được “thương mại hóa” thay vì chỉ phục vụ nhu cầu gia đình như bao năm nay. Nếu sản phẩm được thị trường chấp nhận, ưa chuộng sẽ tạo thêm sinh kế, cơ hội phát triển cây trồng nông nghiệp cho người dân vùng tái định cư này.

Bài, ảnh: Bảo Anh
Bình luận
Back To Top