Du lịchĐất và người Điện Biên

Tủa Chùa – Khắc nghiệt nhưng đầy cuốn hút

16:15 - Thứ Năm, 29/06/2017 Lượt xem: 10112 In bài viết
ĐBP - Có lẽ, không vùng đất nào của tỉnh Điện Biên lại như Tủa Chùa. Nơi có đến 3/4 diện tích là núi đá tai mèo, khiến người ta liên tưởng ngay đến sự khắc nghiệt, cằn cỗi. Thêm vào đó là sức tàn phá từ những trận thiên tai chẳng hẹn trước. Song ngược lại, giữa những khắc nghiệt, khô cằn sỏi đá ấy, Tủa Chùa vẫn cuốn hút lạ kỳ bởi vẻ đẹp nên thơ từ mảnh đất và con người nơi đây.

Sức hút từ sự trải nghiệm!

“Nếu ai đó cho rằng đã thuộc mảnh đất Tủa Chùa như lòng bàn tay rồi thì hãy thử một lần khám phá lại mảnh đất này theo cách khác. Bạn sẽ thấy những điều mới lạ trong cái quen!” – Đó là lời chia sẻ của Dương Khánh Nam sau vài lần khám phá Tủa Chùa theo hình thức phượt.

 

Chợ phiên không chỉ là nơi giao thương hàng hóa, nông sản mà còn thể hiện nhiều nét văn hóa truyền thống đặc trưng của các dân tộc Tủa Chùa.

Bạn trẻ này cho biết, nhóm phượt của họ đã có 2 ngày, 1 đêm không lãng phí để thực sự trải nghiệm gần như trọn vẹn mảnh đất Tủa Chùa. Do tuyến đường từ xã Sín Chải – Huổi Só đã hoàn thành nên hiện nay các tiềm năng du lịch của huyện đều nằm trên 1 tuyến đường, thuận lợi cho việc kết tour liên hoàn, khép kín. Chọn phía Bắc là hướng đi đầu tiên để khám phá Tủa Chùa, nhóm của Nam xuất phát từ trung tâm thị trấn huyện lúc 7 giờ sáng để kịp phiên chợ Tả Sìn Thàng (cứ 6 ngày họp 1 lần). Không chỉ là nơi trao đổi, giao thương hàng hóa, nông sản của đồng bào các dân tộc thuộc 6 xã phía Bắc (Sín Chải, Tả Phìn, Tả Sìn Thàng, Lao Sả Phình, Trung Thu và Sính Phình), mà ở đây nhóm phượt của Nam còn được khám phá nhiều nét văn hóa truyền thống đặc trưng của các dân tộc vùng miền. “Sau khi đã mỏi chân, bạn đừng vội vàng đi tiếp, hãy thử cảm giác của một “vị khách không mời” tại bất kỳ gia đình người Xạ Phang nào ở xã Tả Sìn Thàng, với bữa cơm có món thịt heo muối lạ miệng. Món ăn đặc sản, cùng sự hiếu khách của chủ nhà chắc chắn sẽ cho bạn những trải nghiệm thú vị” – Nam bộc bạch.

Nghỉ ngơi đôi chút, trên hành trình tiếp tục đến với vùng chè cổ thụ, nhóm bạn của Nam lại tiếp tục thỏa tầm mắt với quần thể cao nguyên đá Tả Phìn, mênh mông trải dài như bất tận. Trong đó, bao gồm cả Thành Vàng Lồng là công trình kiến trúc nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa cổ của dân tộc Mông vùng núi Tây Bắc. Thấp thoáng bên vách đá, những thiếu nữ người Mông cặm cụi canh tác ngô, đậu tương, thu hút ánh nhìn bởi nước da trắng hồng thách thức dưới cái nắng vùng cao. Sẽ rất khó để bạn, nhất là những người yêu cái đẹp không dừng lại lưu giữ đôi chút hình ảnh kỷ niệm tại đây.

 

Trải nghiệm việc hái và sản xuất chè cây cao cổ thụ cũng là điểm hấp dẫn du khách.

Trời ngả về chiều, cũng là lúc họ đặt chân đến Sín Chải – nơi lưu giữ gần 4.000 gốc chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Không gì thú vị hơn khi màn đêm buông xuống, giữa cái lạnh vùng cao, họ được ngồi bên bếp lửa của một gia đình người Mông, cùng thưởng thức món ăn đặc sản gà xương đen và nhâm nhi ly rượu Mông Pê cay nồng ngây ngất; hoặc nhấp chén chà Shan tuyết đặc sản và nghe những câu chuyện lạ kỳ, thú vị chỉ có nơi “thâm sơn cùng cốc”. Đêm qua nhanh hơn họ tưởng!

Ngày mới bắt đầu, được hít hà không khí trong lành, thoáng đãng của vùng núi cao Tủa Chùa cũng có thể được xem là một “đặc sản”, khiến tinh thần trở nên phấn chấn, tràn đầy năng lượng cho một hành trình tiếp theo với điểm đến là khu lòng hồ Thủy điện Sơn La. Tủa Chùa có 2 xã sông Đà chảy qua là Tủa Thàng và Huổi Só, với tổng cộng hơn 200 hộ dân của 2 bản TĐC nằm ven sông sẵn sàng phục vụ lưu trú và ăn uống cho hàng trăm khách du lịch theo hình thức cộng đồng.

 

Những thiếu nữ người Mông cặm cụi canh tác ngô, đậu tương giữa mênh mông đá tai mèo.

Chưa “tiêu hóa” hết những ấn tượng mang đậm hương vị “núi rừng” thì nhóm của Nam lại ngỡ ngàng trước vẻ đẹp sông nước đầy thơ mộng của lòng hồ Thủy điện Sơn La. Cuộc sống thuyền bè tanh tách cá, cùng với khung cảnh chẳng khác gì “Hạ Long” thu nhỏ khiến họ khó lòng cưỡng lại. Sau khi thỏa chí với sông nước, họ ghé thăm hang động Pê Răng Ky – nơi còn lưu giữ nguyên vẹn vẻ đẹp huyền ảo và hoang sơ đầy cuốn hút. Bữa trưa tại lòng hồ của nhóm trẻ là các món ăn được chế biến từ tôm và cá tươi do người dân tự đánh bắt, chế biến bằng những gia vị dân dã đặc trưng riêng. “Trên đường từ Huổi Só về trung tâm huyện vào buổi chiều, còn thời gian bạn có thể ghé thăm hang Xá Nhè, hoặc Khó Chua La đều thuộc xã Xá Nhè, cũng thuận tiện về giao thông” – Nam chia sẻ.

 “Chưa thể khai thác tiềm năng để làm du lịch!”

Đến các xã ở Tủa Chùa, hầu hết là không nhà trọ, không các dịch vụ vui chơi, giải trí, thậm chí có nơi còn không cả sóng điện thoại. Song, du khách lại chẳng cần phải chuẩn bị gì, ngoài sức khỏe và tinh thần. Như bạn cũng thấy, kết thúc một chuyến hành trình vô cùng hấp dẫn và thú vị, nhóm phượt của Nam không tốn kinh phí là mấy, nhưng nhận về không ít tình cảm từ phía người dân, và những mở mang về một vùng đất tưởng chừng rất quen thuộc. Mặc dù không được đào tạo về làm du lịch, song người dân ở đây sẵn sàng đón tiếp bất cứ vị khách nào “nhỡ bữa” hay “nhỡ đường” bằng những tình cảm chân thành và thân thiện nhất. Đây cũng có thể xem là một cách làm nên thương hiệu cho du lịch Tủa Chùa sau này.

 

Vẻ đẹp sông nước đầy thơ mộng của lòng hồ thủy điện Sơn La.

“Vẻ đẹp, văn hóa và sự thân thiện của con người là tiềm năng sẵn có. Song lại chưa thể khai thác tiềm năng đó để làm du lịch” – đó như một lời khẳng định nhưng đầy trăn trở và tiếc nuối của ông Nguyễn Xuân Bắc, Trưởng phòng Văn hóa huyện Tủa Chùa. Cũng theo trao đổi từ ông Bắc, phấn lớn du khách đến với Tủa Chùa hiện nay đều thực hiện theo hình thức phượt như nhóm trẻ trên, chứ chưa hình thành các tour du lịch để khai thác, và ngược lại địa phương cũng chưa có được doanh thu từ du lịch. Nguyên nhân được ông Bắc đưa ra thì có nhiều (giao thông không thuận tiện, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư, nguồn nhân lực thiếu và yếu...), song điều quan trọng nhất theo ông đó là kinh phí đầu tư. Du lịch Tủa Chùa hiện tại giống như một “viên ngọc thô”, để khai thác thì gần như phải đầu tư toàn bộ, cần một nguồn vốn “khổng lồ”, trong khi đó ngân sách cho lĩnh vực này lại hết sức hạn hẹp.

Nếu chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách thì sẽ rất khó để tạo bước chuyển biến cho du lịch Tủa Chùa, ít nhất là trong vài năm tới. Chính bởi vậy, hiện nay địa phương đang mở cửa, tạo cơ chế và khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực du lịch đến đầu tư, quảng bá và khai thác các tour du lịch trên địa bàn. Với hy vọng, chính họ sẽ là “cầu nối” đưa vẻ đẹp của Tủa Chùa đến gần hơn những người yêu du lịch. Cũng nằm trong mục tiêu này, vừa qua Tủa Chùa đã phối hợp với các địa phương lân cận tiến hành khảo sát và xây dựng tuyến du lịch đường thủy trên sông Đà. Hy vọng rằng, với sức hút sẵn có, cùng những chiếc “cầu nối” sẽ là động lực đưa hình ảnh Tủa Chùa đến với rộng rãi du khách khắp cả nước, thông qua đó du lịch Tủa Chùa cũng sẽ có những bước tiến mới trong tương lai không xa.

Bài, ảnh: Hà Linh
Bình luận
Back To Top