Du lịchĐất và người Điện Biên

Người Phú Thọ trên đất Ðiện Biên

14:42 - Thứ Sáu, 05/04/2019 Lượt xem: 3992 In bài viết

ĐBP - Hơn chục năm lập nghiệp ở Ðiện Biên, do đặc thù công việc nên Bác sĩ Ðàm Thanh Tú (quê huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ) hiện là Trưởng Khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) đi khá nhiều các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn. Thấu hiểu cuộc sống khốn khó của đồng bào các dân tộc, đặc biệt công tác chăm sóc sức khỏe của bà con chưa thực sự được chú trọng nên Bác sĩ Tú cùng các y, bác sĩ trong khoa thường xuyên đi cơ sở kiểm tra, giám sát việc thực hiện các hoạt động phòng chống dịch, bệnh truyền nhiễm; theo dõi diễn biến, dự báo tình hình dịch, bệnh... Ðồng thời phối hợp làm tốt công tác truyền thông về kiến thức chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, tuyên truyền để bà con hiểu và thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, ăn chín uống sôi, mỗi khi trong nhà có người thân đau ốm phải đưa đến các cơ sở y tế để được tư vấn, thăm khám và điều trị.

Bác sĩ Tú tâm sự, không giống nơi quê hương Phú Thọ người dân sống khá quần tụ nên khi lên Ðiện Biên công tác thời gian đầu việc thực hiện các chuyến đi về cơ sở, nhất là các bản vùng sâu, vùng xa, biên giới rất khó khăn phần lớn do bà con sinh sống cách xa nhau, dân trí thấp khiến việc tuyên truyền, thu thập thông tin về dịch bệnh ở cơ sở không dễ dàng. Thậm chí có người còn tránh gặp bác sĩ, cán bộ y tế và khi có người đau ốm vẫn mời thầy mo, thầy cúng đến bắt bệnh, trừ tà. Nhờ tích cực trong công tác truyền thông nên người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa đã ý thức trong việc đảm bảo sức khỏe, có bệnh là tới cơ sở y tế khám, điều trị. Vì thế mỗi chuyến công tác về cơ sở của Bác sĩ Tú cùng các y, bác sĩ trong khoa đã không còn nhiều trở ngại như trước. Nhớ lại chuyến công tác về bản Huổi Chỏn (xã Nà Nhạn, huyện Ðiện Biên) để tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh và khống chế dịch sởi bùng phát vào đầu tháng 2 vừa qua, Bác sĩ Tú cho rằng, dịch bệnh được khoanh vùng, khống chế hiệu quả phần lớn là do người dân chủ động cung cấp thông tin tình hình dịch bệnh kịp thời, nâng cao nhận thức và ý thức phòng chống dịch và biết bảo vệ sức khỏe, chăm sóc cho người bệnh theo đúng hướng dẫn của các y, bác sĩ. Ðặc thù của nghề y tế dự phòng thường xuyên đi cơ sở, khá vất vả nhưng bù lại được người dân tin tưởng, trân trọng. Thấu hiểu những thiếu thốn cũng như chia sẻ với cuộc sống của người dân còn nhiều gian khó, Bác sĩ Ðàm Thanh Tú cần mẫn, tận tụy với nghề mà mình đã chọn. Và với Bác sĩ Tú, Ðiện Biên không phải là nơi sinh ra và lớn lên, nhưng là quê hương thứ 2 để anh nỗ lực trong công tác, cống hiến sức mình góp phần bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Mỗi người con Phú Thọ sinh sống, công tác, làm việc tại Ðiện Biên dù ngành nghề, công việc khác nhau nhưng đều chung chí hướng góp phần xây dựng quê hương Ðiện Biên phát triển, ngày càng giàu đẹp. Trung tá Nguyễn Ðức Thùy (quê huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ), hiện là Phó trưởng Phòng Hậu Cần (Công an tỉnh) cho biết, dù không phải là nơi chôn nhau cắt rốn nhưng Ðiện Biên là nơi anh được cống hiến, được rèn luyện và nhờ đó mà trưởng thành. Khá kiệm lời khi chia sẻ về mình, về nghề nhưng với quê hương Phú Thọ, anh luôn da diết niềm thương nhớ và đó là động lực để anh tiếp tục phấn đấu công tác tốt hơn, cống hiến nhiều hơn ở vùng biên viễn cực Tây Bắc của Tổ quốc. Ðể khi nhắc tới quê hương Phú Thọ, anh thấy tự hào vì mình là một trong số hàng nghìn người con Phú Thọ xa quê lập nghiệp và trưởng thành trên đất Ðiện Biên.

Xa quê và nỗi niềm nhớ quê hương là điểm tựu chung của những người con Phú Thọ trên đất Ðiện Biên. Và Hội đồng hương Phú Thọ tại Ðiện Biên chính là sợi dây gắn kết những người con xa quê ấy. Là một trong số những thành viên đầu tiên của Hội và hiện là Trưởng ban Liên lạc Hội đồng hương Phú Thọ tại Ðiện Biên, ông Nguyễn Xuân Hạnh, trú tại tổ 8, phường Thanh Bình (TP. Ðiện Biên Phủ), cho biết: Giao thông khó khăn, cách trở, những năm 80 của thế kỷ trước từ Phú Thọ lên tới được Lai Châu (cũ) nay là Ðiện Biên cũng phải mất tới 2 - 3 ngày. Thời đó đâu có điện thoại di động như ngày nay để có thể hỏi thăm tin tức của người thân, quê hương mà chủ yếu là đều biên thư gửi qua đường bưu điện. Việc nắm tình hình quê hương bản quán không thuận tiện, dễ dàng. Còn những người Phú Thọ lập nghiệp ở Ðiện Biên mỗi người một ngành nghề vì thế rất khó hỏi thăm, trao đổi thông tin. Chính tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái đùm bọc chia sẻ của mỗi người xa quê là động lực để chúng tôi thành lập Hội đồng hương Phú Thọ tại Ðiện Biên. Ðến nay, rất nhiều gia đình 2 - 3 thế hệ đều tham gia sinh hoạt Hội. Không chỉ động viên giúp nhau làm kinh tế, hỗ trợ nhau trong công việc, thành viên trong Hội luôn quan tâm, giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn; thực hiện các chương trình từ thiện, giúp người nghèo ở các xã vùng sâu, vùng xa... Và đã thành thông lệ, mỗi năm vào dịp mùng 10 tháng 3 (âm lịch) - Giỗ tổ Hùng Vương, thành viên trong Hội lại tề tựu gặp gỡ hàn huyên; giáo dục truyền thống, hướng về quê hương, nguồn cội, giữ gìn bản sắc văn hóa, lòng tự hào là người con quê hương đất Tổ Vua Hùng; phấn đấu, cống hiến góp sức mình xây dựng Ðiện Biên ngày càng phát triển.

Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top