Du lịchĐất và người Điện Biên

Cứu chữa thương binh Pháp tại Chiến trường Ðiện Biên Phủ

08:45 - Thứ Tư, 24/04/2019 Lượt xem: 4728 In bài viết

ĐBP - Ngay sau khi tiếng súng trên toàn mặt trận Ðiện Biên Phủ vừa ngừng nổ, Bộ Chỉ huy Chiến dịch đã chỉ thị cho bác sĩ Vũ Văn Cẩn - Trưởng ban Quân y Chiến dịch thực hiện ngay nhiệm vụ tổ chức cứu chữa cho số thương binh của quân Pháp chưa kịp chuyển về Hà Nội, còn bị ùn ứ ở trung tâm Mường Thanh. Chấp hành nghiêm mệnh lệnh của cấp trên, bác sĩ Vũ Văn Cẩn đã giao cho Ðội điều trị của Ðại đoàn 308, lúc đó do sinh viên Ðặng Hiếu Trưng là đội trưởng và sinh viên Vi Huyền Trác là đội phó, phối hợp với Ðội điều trị 2 do sinh viên Vũ Trọng Kính là đội trưởng, bác sĩ Võ Cương là đội phó tổ chức cứu chữa và điều trị cho số tù thương này.

Mới đây, chúng tôi có may mắn được trực tiếp nghe giáo sư Ðặng Hiếu Trưng - nguyên Chủ nhiệm Khoa Tai - Mũi - Họng Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, chuyên viên đầu ngành Tai - Mũi - Họng trong quân đội kể lại những tù thương của Pháp bị thương ngay sau ngày tiếng súng vừa ngừng nổ.

“…Ngay sáng ngày 8/5/1954, tôi được lệnh phụ trách ÐT8 hành quân vào khu trung tâm Mường Thanh để tổ chức cứu chữa cho những thương binh của địch, lúc đó gọi là tù thương còn ứ đọng ở Mường Thanh. Ngồi trên đống bao cát làm công sự, tôi vươn vai hít thở không khí trong lành của núi rừng Tây Bắc. Ðây là Trung tâm Mường Thanh, buổi sáng đầu tiên sau ngày quân viễn chinh Pháp đầu hàng ở Ðiện Biên Phủ. Xung quanh tôi, quang cảnh chiến trường trải rộng ra tận chân núi xa xanh mờ. Hàng đoàn bộ đội, dân công quần áo còn bê bết bùn đất, mặt mày sắt lại nhưng vui sướng tự hào, đi lại rầm rập ven những hố bom đầy nước, chảy thành những dòng thác dọc bờ sông Nậm Rốm lững lờ uốn khúc giữa cánh đồng Mường Thanh. Hai bên bờ sông, những thân cây sậy bị cháy sém lay lắt trong gió sớm, thỉnh thoảng lại vang lên tiếng nổ của một quả mìn còn sót lại. Nhìn ra xa là những bản của người Thái nằm ven sườn núi.

Ðược tăng cường một đại đội dân công và một đại đội vận tải, chúng tôi nhanh chóng triển khai ÐT8 thành một bệnh viện dã chiến. Khi núi rừng bao quanh Mường Thanh sẫm dần trong bóng tối, thì ven bờ sông Nậm Rốm đã có hàng trăm chiếc dù hoa và lều bạt được dựng lên để làm phòng mổ, phòng thay băng, phòng pha chế thuốc, phòng chăm sóc cho ngót 1.000 tù thương.

Khi một cán bộ của Ban Quân y Ðại đoàn 308 đến thông báo đã có thể đi kiểm tra các hầm chứa tù thương. Khi đến một cửa hầm chật hẹp nép giữa hai ụ đất cao, thì viên Thiếu tá quân y Gơ - rô - vanh, Chỉ huy trưởng quân y Pháp tại mặt  trận Ðiện Biên Phủ quay lại giơ cao tay mời chúng tôi xuống hầm. Lúc này dưới chân tôi, nền hầm là một lớp bùn ngập đến bụng chân gồm máu, mủ, chất nôn, chất thải bốc mùi hôi khó tả. Ánh ban mai rực rỡ trên mặt đất không lọt được vào hầm.

Theo ánh sáng đèn pin, tôi bước vào bên trong, chúng tôi hình dung ngay được nỗi kinh hoàng của tù thương trong những ngày chiến sự xảy ra ác liệt trước khi chúng đầu hàng. Tường hầm bị nứt nẻ do sức ép của hàng trăm quả đạn pháo cỡ lớn của ta dội vào khu trung tâm Mường Thanh, vẫn ri rỉ những dòng nước nhỏ. Những khúc gỗ nhẵn bóng chống trần hầm, khi nhìn kỹ thì đây là những cột nhà của dân bản Mường Thanh. Vầng sáng đèn pin soi một lối đi chật hẹp, lách giữa hai dãy khung cáng sắt chồng chất hai ba tầng tù thương. Tầng trên, một tù thương bị vết thương sọ não vẫn còn thiêm thiếp trong cơn hôn mê sâu, đầu quấn băng chằng chịt sẫm mà máu đã đông cứng. Tầng dưới, mấy tù thương mặt mày xanh xám đang rên rỉ trong cơn viêm màng bụng do vết thương không được xử trí đã bị nhiễm trùng. Leo lét vài ngọn nến tàn trong những ngách hầm đào sâu vào vách đất lạnh lẽo soi lên khung cảnh ma quái, đáng được gọi là “âm ty trên trần gian”. Ánh đèn pin chập chờn lướt qua các mỏm cụt chân, mỏm cụt tay, chiếu lên những túi hậu môn nhân tạo đầy phân mà không được thay thường xuyên. Thoi thóp trên dãy cáng cuối hầm là những tù thương bị vết thương cột sống, đã bị liệt không biết từ lúc nào, chỉ còn da bọc xương, sức sống đang lụi tàn trong đôi mắt lờ đờ sâu như hố đáo. Từ những chai huyết thanh, những sợi dây truyền dịch lủng lẳng treo trên trần hầm, đến những đống chăn lấm láp, những vỏ lọ thuốc ngổn ngang trên bùn đất, đều mang nhãn hiệu sản xuất từ Hoa Kỳ, đã hoen ố màu bùn đất. Sau khi xem xét tình hình những tù thương, chúng tôi ra khỏi hầm. Thiếu tá quân y Gơ - rô - vanh đi theo tôi nói “... Ðây là những thương binh nặng ở các hướng tập trung về đây. Họ đang trong tình trạng tồi tệ nhất, có thuốc cũng không cứu chữa nổi... Xin các ông cứu giúp họ...”

Sau khi những tù thương được đưa lên mặt đất, nằm dưới những chiếc dù hoa, thì trừ những tù thương có vết thương quá nặng, số còn lại tỏ vẻ khoan khoái ra mặt. Ðược ăn uống đầy đủ, họ rất sung sướng nằm tận hưởng những giây phút đầu tiên trở về cuộc sống yên bình sau hàng tháng phải chui rúc dưới hầm trong không khí ngột ngạt, lo âu. 

Ít ngày sau, Bộ Chỉ huy Chiến dịch đã điều hàng trăm cán bộ nhân viên chuyên môn của Ðội điều trị 2 Cục Quân y, cùng với lực lượng dân công tăng cường cho chúng tôi. Vì thế, chỉ sau 5 ngày đêm làm việc không ngừng nghỉ, chúng tôi đã hoàn thành việc đưa 858 tù thương  nặng lên mặt đất.

Trung tuần tháng 5/1954, theo chỉ thị của Hồ Chủ tịch, Chính phủ ta đã cho phép cô chiêu đãi viên - y tá Ðờgala, người tù binh đầu tiên được thả trở về Hà Nội. Ngày 28/5/1954, toàn bộ số tù thương nặng được ÐT 8 xử trí, chăm sóc tốt, sức khỏe ổn định đã được trao trả bằng máy bay về Hà Nội, do giáo sư Huya phụ trách tiếp nhận.

Ngọc Bích - Thế Khiển
Bình luận
Back To Top