Du lịchĐất và người Điện Biên

Nghệ nhân của núi

08:50 - Thứ Năm, 01/08/2019 Lượt xem: 28959 In bài viết
ĐBP - Trên lưng núi Thẩm Hái, vào những đêm trời trong, lẫn trong cơn gió hè mát rượi, người ta vẫn nghe thấy tiếng khèn Mông réo rắt, nỉ non, níu kéo mọi giác quan. Tiếng khèn đó là của nghệ nhân Lý A Lệnh ở bản Nậm Chan 2, xã Mường Ðăng (huyện Mường Ảng).

Mọi người biết đến nghệ nhân Lý A Lệnh như một diễn viên không chuyên, nhưng thường xuyên có mặt tại tất cả các lễ hội, đám xá từ trong bản đến ngoài xã, trên huyện, trên tỉnh và trong khu vực. Có cuộc do thi thố, giao lưu, có cuộc thách đấu, tự thưởng… Người ta còn nhớ những “vụ” giao lưu khèn Mông mà những người tham gia phải “bước qua” bảy tuần rượu. Sau mỗi tuần lại diễn một bài khèn. Ðặc thù khèn Mông là vừa thổi vừa múa, vừa thổi vừa nhảy, vừa thổi vừa lăn dưới đất… Và đương nhiên, dù biểu diễn dưới hình thức nào thì nghệ nhân Lý A Lệnh cũng vẫn là người vô địch trong các cuộc “thách đấu” như thế.

 

Nghệ nhân ưu tú Lý A Lệnh biểu diễn khèn Mông.

Chia sẻ với chúng tôi về bí quyết “nhẩy khèn”, “lộn khèn”… vô cùng điệu nghệ, nghệ nhân Lý A Lệnh bảo: Là con trai người Mông ai cũng muốn sở hữu những kỹ năng khiến con gái xiêu lòng, núi rừng ngưng đọng ấy, nhưng không có nhiều người thành công...

Tuy đam mê với khèn và được đánh giá là một “vua khèn” Mông trên đỉnh Thẩm Hái, nhưng nghệ nhân Lý A Lệnh vẫn tập trung làm kinh tế để ổn định cuộc sống gia đình bằng việc nuôi hơn 80 con trâu, bò, ngựa, hàng trăm con lợn rừng lai. Mỗi năm, bình quân anh bán cả chục cặp bò, hàng tấn lợn; trên 6 tấn thóc, chưa kể ngô, sắn dư dả cho sinh hoạt… Anh còn nhận ký thác của các bạn khèn trên khắp các ngả đường Tây Bắc. Khèn của Lý A Lệnh là khèn đặt, anh bảo anh không làm “hàng chợ”. Nói là như vậy, nhưng khi có thời gian rảnh anh đều dành cho khèn. Ðêm đến, bên ánh lửa bếp bập bùng lưng núi, anh tỉ mẩn khoan, gọt, đục, ghép từng mẩu gỗ pơ mu nhặt nhạnh từ đại ngàn sót lại để làm cái khèn hay còn gọi là bầu khèn (tâu kênhx). 6 ống khèn (xông kênhx) được làm từ một loại trúc mọc trên đỉnh Pu Xi (huyện Tuần Giáo), cách nhà anh 7 giờ đi xe máy và 2 giờ leo núi. Sau khi lấy về, các đoạn trúc phải được luộc, tẩm, uốn, phơi, khoan, gọt đúng độ, đúng mẫu, đúng âm… sao cho vừa cong mềm mại, vừa dẻo không nứt lại vừa bóng óng ả, âm ấm, đanh, vang và ngân... Ngay cả đai khèn cũng được Lý A Lệnh làm một cách công phu, cầu kỳ. Anh cuốc bộ cả ngày đường sang tận dãy núi Mường Mùn (huyện Tuần Giáo), hoặc Mường Mươn (huyện Mường Chà) để khoanh vỏ từ loại cây tớ dờ rất hiếm. Thoạt nhìn giống đai da trâu, nhưng mưa không mềm, nắng không giòn, và đặc biệt là không hôi như da trâu khi gặp nước.

Khi thấy tôi thắc mắc chuyện “phá rừng” lấy tre, gỗ làm khèn, Lý A Lệnh cười, rồi dẫn tôi ra ngoài núi. Từ bao giờ anh đã kịp trồng 1 rừng trúc lớn, những cây tớ dờ, cây pơ mu đã săm sắp bắp tay. Anh bảo cứ chăm sóc tốt, vài năm nữa trúc đủ kích thước, gỗ đủ tuổi cho làm thân khèn, cho khoanh vỏ làm đai - anh Lệnh không khoanh hết thân cây, để sang năm cây tái sinh, lại cho vỏ tiếp.

Công cuộc sinh nhai của Lý A Lệnh một phần nào đó chính nhờ vào khèn. Ngoài thi múa được giải, múa được cơm gà rượu ngon… thì mỗi năm anh làm hơn 50 cái khèn, với giá mỗi chiếc khèn từ 2 - 3 triệu đồng cũng thêm phần cải thiện đời sống.

Ấn tượng đầu tiên về anh là một hình mẫu đàn ông Mông thuần, từ ánh mắt đến trang phục, không có bất cứ nét gì của người vùng thấp. Tay lúc nào cũng ôm khư khư cái khèn, kể cả khi lên lĩnh giải A cũng vậy. Lý A Lệnh 2 lần tham gia thì cả 2 lần đạt giải cao cấp tỉnh. Cấp huyện thì chỉ có nhất, nhưng khi hỏi số lần đoạt giải biểu diễn khèn Mông thì anh bảo nhiều quá không nhớ hết. Anh cũng được tặng kỷ niệm chương trong các cuộc giao lưu khèn Mông các tỉnh Tây Bắc, Ðông Bắc…

Từ những miệt mài đến mòn cả thời gian, mòn cả núi rừng ấy, vào ngày 11/7/2019, anh Lý A Lệnh đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực trình diễn nghệ thuật dân gian. Cũng trong buổi vinh danh này, một lần nữa người ta được thưởng thức anh biểu diễn bài kênhx khe tâu (nhẩy khèn) - bài đã đưa tên tuổi của anh trở thành một nghệ nhân ưu tú.

Văn Thành Chương
Bình luận
Back To Top