Du lịchĐất và người Điện Biên

Các thành cổ ở Ðiện Biên

10:35 - Thứ Bảy, 26/09/2020 Lượt xem: 6324 In bài viết

ĐBP - Xây dựng thành trì phòng thủ là vấn đề quan trọng đối với các triều đại cũng như các lãnh chúa cát cứ thời phong kiến ở nước ta. Ðiện Biên, vùng đất cổ kính trên biên giới Tây Bắc cũng từng có hệ thống thành trì đóng vai trò quan trọng, là phòng tuyến bảo vệ vùng đất trù phú nơi biên cương. Các thành cổ này được xây dựng cách đây nhiều thế kỷ, quy mô tuy không lớn nhưng đó là những công trình mang dấu ấn lịch sử, phản ánh nghệ thuật xây dựng hệ thống phòng thủ mang đậm phong cách phương Ðông.

Di tích thành Vàng Lồng, xã Tả Phìn (huyện Tủa Chùa).

Tòa thành lớn và có lịch sử lâu đời nhất ở Ðiện Biên là thành Sam Mứn. “Sam Mứn” theo tiếng dân tộc Thái có nghĩa là “ba vạn”. Vì vậy mà thành Sam Mứn còn được gọi là thành Tam Vạn. Tương truyền thành này rộng chứa được ba vạn dân binh, trong thành có ba vạn cối giã gạo. Còn theo các tài liệu, ghi chép lưu lại, thành Sam Mứn được các chúa Lự xây dựng vào khoảng từ thế kỷ thứ 11 đến thế kỷ thứ 13. Tương truyền, thành có diện tích khoảng 400ha, với khu thành nội nằm sát ngã ba Pá Nậm, chỗ sông Nậm Rốm đổ vào sông Nậm Núa. Tường thành và các chiến lũy đều được đắp bằng đất, quanh chiến lũy trồng tre kín. Dưới chân lũy còn có hào sâu. Trong thành có đồi Pom Lót và chùa Bua Hom. Di tích thành Sam Mứn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích quốc gia từ năm 2009, nhưng cho đến nay chưa có dự án nào tôn tạo, bảo vệ di tích cổ này.

Lần theo những dấu tích của thành Sam Mứn, chúng tôi còn có thể thấy một vài đoạn thành đất còn sót lại ở xã Pom Lót, huyện Ðiện Biên. Ðoạn thành cổ dài nhất còn sót lại là đoạn thành phía Ðông, chạy từ phía sau khu dân cư thuộc thôn 4, xã Pom Lót ra bờ sông Nậm Rốm, dài khoảng 300m nằm ngay cánh đồng. Trên thành cổ, nơi thì um tùm tre gai, nơi đã trở thành nghĩa trang của người dân các thôn bản quanh đó. Ở thôn 3, xã Pom Pót cũng có một đoạn thành Sam Mứn cổ còn tồn tại cho đến những năm 1963 - 1965, trong đó có đoạn thành nằm trên phần đất của gia đình ông Ðinh Xuân Lập. Ông Ðinh Xuân Lập kể, vào khoảng năm 1963 gia đình ông về đây khai hoang còn nhìn thấy đoạn thành rất dài, chạy từ bản Na Vai vòng qua các thôn 4, thôn 6 và chạy ra bờ sông Nậm Rốm. Trong những năm chiến tranh phá hoại, chiến tranh biên giới, bộ đội dùng bờ thành này làm bờ hào. Phía ngoài kia có rạch nước rất sâu, rộng từ 4 - 5m, có chỗ cả chục mét. Sau đó nhiều năm người dân đã san gạt làm vườn, làm ruộng, chỉ còn đoạn thành có gốc cây đa còn sót lại.

Sau thành cổ Sam Mứn, trên cánh đồng Mường Thanh còn có thành Bản Phủ. Tòa thành cổ này được xây dựng cách đây hơn 3 thế kỷ. Thành Bản Phủ nằm ở Bản Phủ, xã Noong Hẹt, huyện Ðiện Biên. Theo các tài liệu do Bảo tàng tỉnh Ðiện Biên sưu tầm, thành này có diện tích 80 mẫu. Tường thành đắp bằng đất, cao 5m, mặt thành rộng từ 4 - 6m, ngựa voi có thể đi lại dễ dàng. Thành có hai lớp là thành nội và thành ngoại, có 4 cổng (tiền, hậu, tả, hữu). Mỗi cổng có đồn và vọng gác đắp cao. Ngoài thành tứ phía đều được trồng tre gai làm phên giậu che chắn. Bao quanh thành có hào nước sâu, có sông Nậm Rốm và suối Hoong Lé tạo thành phòng tuyến quân sự khá vững chắc. Thành Bản Phủ do tướng Hoàng Công Chất cùng nghĩa quân của ông xây dựng. Năm 1739, thủ lĩnh Hoàng Công Chất nổi dậy chống lại triều đình Lê - Trịnh mục ruỗng. Ông và nghĩa quân bị truy đuổi, phải chạy lên cố thủ tại Mường Thanh. Tại đây, năm 1754 ông đã cùng các thủ lĩnh người Thái đánh đuổi giặc Phẻ từ biên giới phía Tây tràn sang, giải phóng Mường Thanh. Ðể xây dựng căn cứ chống lại quân triều đình và bảo vệ Mường Thanh trước các thế lực ngoại bang, trong những năm 1758 - 1762, Hoàng Công Chất đã cho xây thành đắp lũy kiên cố để phòng bị. Ngày nay dấu tích thành Bản Phủ còn khá rõ. Ðó là khu thành nội có các bờ thành vuông vắn và các ao lớn phía trong. Cổng thành cùng các công trình trong thành nội được bảo vệ, trùng tu, tôn tạo, trở thành khu đền thờ tướng Hoàng Công Chất. Khu thành ngoại của thành Bản Phủ tương truyền là nơi ở của binh lính xưa, hiện nay đã trở thành khu dân cư đông đúc. Bức tường thành bao quanh các đội 14, 15 của Bản Phủ, xã Noong Hẹt vẫn còn thấy rõ với bờ thành cao từ 1,5 - 2m, mặt thành rộng. Qua thời gian và tác động của dân cư, các bức tường đất bao quanh thành ngoại của thành Bản Phủ đang bị sạt lở từng đoạn. Thành Bản Phủ rất cần được quan tâm bảo vệ tôn tạo của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.

Ở vùng núi cao, nơi cách xa lòng chảo Ðiện Biên trên 120km cũng có một tòa thành được xây dựng cách đây chừng 300 năm. Ðó là thành Vàng Lồng ở xã Tả Phìn, huyện Tủa Chùa. Theo ghi chép của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện, vào khoảng thế kỷ thứ XVIII gia đình Vàng Chống Cáng, dân tộc Mông di cư từ Trung Quốc sang và định cư tại bản Tả Phìn, xã Tả Phìn, huyện Tủa Chùa ngày nay. Sau nhiều năm làm ăn, buôn bán thuận lợi, Vàng Chống Cáng trở nên giàu có, ông ta bèn xây thành để bảo vệ tài sản và đất đai của gia đình. Thành này có tên gọi là thành Vàng Lồng, nghĩa là vòng thành tròn của chúa đất họ Vàng. Thành được xây dựng trên một vùng đất khá bằng phẳng, đất đai màu mỡ, tập trung đông dân cư, đường sá đi lại thuận tiện. Ðiểm đặc biệt là thành này được xây dựng bằng cách xếp các viên đá có sẵn trong tự nhiên thành bức tường cao mà không cần dùng chất gắn kết. Vòng thành có chu vi khoảng 440m với 2 cửa nằm ở phía Bắc và phía Ðông. Thành có độ cao trung bình 1m nhưng có đoạn cao đến 2m, mặt thành rộng 1m. Ông Mùa A Náng, người già ở Tả Phìn kể: “Ông Vàng Chống Cáng dựng lên thành này, sau đó khai hoang cánh đồng Là Sa dưới thung lũng. Thợ phải làm trong 9 năm ròng mới xong vòng thành. Tường thành được người ta xếp khéo léo, mặt đá phẳng thì xếp ra phía ngoài, còn mặt xấu thì để phía trong, dưới mỗi lớp đá, người ta dùng bột đá bỏ vào cho nó chắc. Ngày nay người dân bản Mông cũng theo cách này xếp đá rào vườn, rào nương, lợn, gà không chui qua được, trâu, ngựa không dám nhảy qua”. Thành Vàng Lồng được đánh giá là tòa thành cổ, có quy mô lớn, cấu trúc thuộc loại độc đáo nhất trong lịch sử xây dựng thành lũy của người Mông ở Ðiện Biên.

Các thành cổ ở Ðiện Biên là loại công trình kiến trúc có chức năng phòng thủ, được sử dụng làm các phòng tuyến quân sự hoặc công trình bảo vệ lãnh địa từ thời kì phong kiến xa xưa. Ðó là các bức thành được xây dựng theo lối tường cao, hào sâu, thiết kế theo lối kiến trúc thành trì truyền thống phương Ðông. Các công trình này vừa mang ý nghĩa lịch sử, vừa phản ánh nghệ thuật xây dựng hệ thống phòng thủ đặc trưng của các dân tộc Việt Nam. Do không được bảo vệ và duy tu, những tòa thành này đã và đang chịu nhiều tác động của con người và thiên nhiên. Nếu không được quan tâm bảo vệ đúng cách, các tòa thành này rất có thể mất dấu trong nay mai, gây khó khăn cho việc tìm hiểu và nghiên cứu lịch sử hình thành, phát triển của địa phương.

Bài, ảnh: Minh Giang
Bình luận
Back To Top