Du lịchĐất và người Điện Biên

Bình yên Tủa Chùa

10:38 - Thứ Bảy, 12/06/2021 Lượt xem: 39901 In bài viết

ĐBP - Những ngày này, thành phố Điện Biên Phủ nắng nóng oi ả. Tôi lại thấy nhớ cái không khí trong lành mát mẻ ngày tôi cùng bạn lên Tủa Chùa. Bạn làm việc ở thành phố nhưng đã từng sinh sống ở Tủa Chùa, dịp cuối tuần hoặc ngày nghỉ, bạn lại về Tủa Chùa thăm người thân. Đây là lần đầu tiên tôi được đến Tủa Chùa nên rất háo hức...

Rừng thông ở xã Trung Thu với những cây thông cao hàng chục mét tỏa tán thành tầng.

Trước khi đi, đã có người nói với tôi rằng Tủa Chùa là đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, chẳng có gì hay. Tò mò, tôi lên mạng tìm vào trang thông tin huyện Tủa Chùa. Tìm hiểu sơ sơ thì Tủa Chùa là huyện miền núi nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Điện Biên, là một trong những huyện nghèo của cả nước đang được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ giảm nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ; địa hình chia cắt phức tạp, chủ yếu là núi cao, độ dốc lớn, đất ruộng và đất bằng ít; thời tiết khí hậu chia làm 2 mùa rõ rệt: Mùa khô từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 năm sau, trong mùa khô thường xảy ra rét đậm, rét hại kéo dài; mùa mưa từ tháng 4 đến tháng hết tháng 8 thường có mưa đá, gió lốc lớn… Thông tin trước chuyến đi có vẻ không ủng hộ cho sự háo hức của tôi lúc đầu.

Huyện Tủa Chùa cách thành phố Điện Biên Phủ hơn trăm cây số. Sau hơn ba giờ đi ô tô, chúng tôi đã đến thị trấn Tủa Chùa. Nhà bạn nằm ở trung tâm thị trấn. Theo bạn thì đây được coi là khu “vip” của huyện vì mọi hoạt động giao thương của người dân đều tập trung về đây, trụ sở các cơ quan đầu não của huyện cũng nằm tại đây. Bạn hài hước nói với tôi, lên Tủa Chùa cũng như là được đi du lịch mấy tỉnh trong nước rồi, tha hồ chụp ảnh check in! Tôi chỉ thực sự hiểu lời bạn nói khi bạn đưa tôi đi tham quan các địa điểm trong huyện.

Đầu tiên, chúng tôi đi “cao nguyên đá” ở xã Tả Phìn. Đường đến Tả Phìn đang được thi công nên khi đến nơi thì chiếc xe đã được phủ một lớp bụi đỏ quạch. Tôi thích thú ngắm những tảng đá to nhỏ, có tảng chồng lên nhau nhìn như những đợt sóng biển trên triền núi. Xen kẽ dưới chân các tảng đá là những cây ngô được người dân địa phương trồng. Không chỉ trồng ngô trên núi đá mà cả những giàn chanh leo, su su cũng được bắc trên các triền đồi đá xếp lô nhô. Nền đất dốc và nhiều đá như vậy mà nương ngô vẫn xanh tốt, chanh leo và su su cũng cho quả lúc lỉu. Điều thú vị nữa đá còn được những người dân sử dụng phục vụ cuộc sống như: Làm hàng rào, làm mái nhà… Nhìn những ngôi nhà lợp mái bằng đá, những hàng rào đá trong vườn nhà hay hàng rào đá làm phòng vệ mềm bên đường, tôi thấy như lạc vào cao nguyên đá Đồng Văn của Hà Giang. Qua xã Tả Phìn, chúng tôi đến xã Trung Thu. Tôi có chút mệt vì đường vào xã khá xóc. Bạn bảo sẽ đưa tôi đến với “rừng thông Đà Lạt”. Đến xã Trung Thu, bạn dừng xe ngoài đường lớn, chúng tôi đi bộ thêm vài trăm mét nữa thì vào đến nơi. Dọc con đường mòn vào rừng, mùi hương ngải cứu dại thoang thoảng làm cảm giác mệt mỏi trong tôi tan biến. Chúng tôi đến một khoảng đất trống và rộng trong rừng. Xung quanh là những cây thông nhiều năm tuổi cao hàng chục mét tỏa tán thành tầng. Đứng từ trên rừng thông phóng tầm mắt nhìn xuống là dòng sông Ún thuộc xã Pa Ham (huyện Mường Chà) uốn lượn quanh co. Màu sắc sông núi hòa quyện thành tông màu xanh man mát đẹp như tranh vẽ. Bạn bảo tôi vào mùa hè, không khí ở đây trong lành mát mẻ, người dân trong thị trấn thường chọn nơi đây để tổ chức những buổi dã ngoại vào cuối tuần.

Ngày thứ hai, tôi được bạn đưa đi tham quan hang động Khó Chua La thuộc xã Xá Nhè và đi thuyền ngắm cảnh hồ Huổi Trẳng, xã Tủa Thàng. Đường vào Xá Nhè có vẻ thuận lợi hơn. Chưa đầy 30 phút chúng tôi đã đến nơi. Đứng từ dưới đường, chỉ tay lên miệng hang Khó Chua La ở lưng chừng núi, bạn hài hước gọi đó là hang “khó chui ra” vì trước đây cửa hang rất hẹp và khó ra vào. Sau khi bước lên không biết bao nhiêu lượt bậc thang chúng tôi đã đến được cửa hang. Trong hang, không khí mát lạnh, những nhũ đá, măng đá bị nước bào mòn tạo thành những hình thù rất đẹp mắt. Tôi gặp những em bé người Mông theo bố mẹ đi tham quan. Ngày nghỉ, họ đi chợ phiên Xá Nhè dưới chân núi rồi cùng lên hang chơi. Ngoài hang Khó Chua La, Tủa Chùa còn có các hang động hoang sơ ở Huổi Só mà bạn ví như Sơn Đoòng của Quảng Bình; có “vịnh Hạ Long” thu nhỏ trên mặt hồ ở các xã Tủa Thàng, Huổi Só; hay ruộng bậc thang ở Sín Chải đâu đó có hình ảnh như ở Mù Cang Chải của Yên Bái…

Nét độc đáo ở Tủa Chùa còn là những phiên chợ vùng cao, chợ đêm với những sản vật của địa phương và người dân bản địa hiền lành, thân thiện. Trong phiên chợ tại thị trấn ngày Chủ nhật, tôi gặp anh Nguyễn Quang Thành hiện đang sinh sống ở phường Thanh Bình, TP. Điện Biên Phủ. Anh Thành vui vẻ cho biết: Tranh thủ ngày nghỉ tôi đưa vợ và các con lên Tủa Chùa chơi. Ngày còn nhỏ, hè nào tôi cũng được bố mẹ cho lên nhà cậu ở thị trấn đến hết kỳ nghỉ hè. Tôi rất thích không khí ở đây nên dịp nào được nghỉ tôi lại cho các con lên đây để con có những trải nghiệm thú vị. Bọn trẻ rất thích đi chợ phiên, được tận mắt thấy những con lợn cắp nách, lợn giống của người dân địa phương đem bán nằm xoãi chân xếp thành hàng dài. Còn vợ tôi thì thích đi chợ để... mua thịt. Phải nói thịt lợn ở đây rất ngon mà giá lại rẻ. Lợn to mà thịt không hề bị dai, mỡ dày có khi hơn cả một gang tay. Mỗi lần lên đây đi chợ, cô ấy thường mua thịt đủ ăn trong cả tuần. Người bán thì không chèo kéo khách. Người mua không cần mặc cả hay so đo tính toán, cười nói vui vẻ. Không khí phiên chợ rất nhộn nhịp nhưng lại có nét hiền hòa thanh bình của thôn quê, không xô bồ, tất bật như chợ trong thành phố.

Chúng tôi gặp ông Nguyễn Phượng Phẩm, quê ở xã Mỹ Lương, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) nhưng đã có hơn 30 năm sinh sống ở Tủa Chùa, hiện đang là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn Tủa Chùa. Với làn da rám nắng và nụ cười tươi, nhìn ông trẻ hơn so với cái tuổi 57 của mình. Kể về kỷ niệm khó quên trên mảnh đất Tủa Chùa, ông tâm sự: Tháng 3/1989, ngày đó tôi còn làm ở Ban Chỉ huy quân sự huyện, thực hiện nhiệm vụ đi động viên quân nhân đảo ngũ về bản Pắc Na, xã  Tủa Thàng. Lần đầu tiên đi công tác tại xã, đường sá đi lại vô cùng khó khăn, phương tiện không có, nên phải đi bộ mang theo quân tư trang và vũ khí trang bị; do không thông thuộc địa hình, đường đi chỉ là những đường mòn, rừng rậm rạp nên chúng tôi bị lạc. Không biết tiếng dân tộc nên khi đi đường gặp người dân hỏi bằng tiếng phổ thông họ không biết trả lời. Vừa đói, khát mệt, cộng thêm cái nắng tháng 3 làm cho tôi dường như kiệt sức. Nhưng với bản chất người lính và ý chí quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ tôi đã cố và vượt qua tất cả, cuối cùng sẩm tối mới đến nơi. Ngày đó cuộc sống người dân còn rất đói nghèo, tôi ở đó 2 ngày được nhân dân nuôi và giúp đỡ. Hai ngày tại bản, tôi cùng cán bộ thôn bản tuyên truyền vận động thuyết phục gia đình và 4 quân nhân đảo ngũ, cuối cùng họ cũng nhận thấy sai lầm và cùng tôi về Ban chỉ huy quân sự huyện để trở về đơn vị cũ. Đến cuối năm 2015, tôi đi dự tổng kết công tác quân sự địa phương và tuyên truyền chế độ chính sách tại xã Tủa Thàng. Trong khi giải lao ngồi uống nước, tâm sự chuyện trò với mọi người, qua câu chuyện tôi được biết 1 trong 4 quân nhân đảo ngũ ngày ấy tên là Sùng A Ku đã hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, nay là đảng viên và là quân nhân dự bị, chi hội trưởng cựu chiến binh, anh cũng dự tại hội nghị tổng kết; chúng tôi đã ngồi ôn lại kỷ niệm thật sự khó quên ngày ấy.

Ông hỏi tôi hai ngày ở đây đã đi tham quan những đâu? Tôi kể cho ông nghe về những địa điểm mà tôi đã đến, những gì tôi cảm nhận được. Ông nói, mặc dù khí hậu Tủa Chùa khắc nghiệt, địa hình phức tạp, nhưng chính từ những khó khăn đó mà người dân qua các thế hệ đã được mài giũa để trở thành những người cần cù, sáng tạo. Người dân đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt, đổi mới phương thức sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng... Từ lâu, những sản vật của Tủa Chùa được nhiều người biết đến như: Chè Tuyết shan, rượu Mông pê, rau rừng hấp, dê núi đá, cá sông Đà, gà chạy bộ... đã trở thành món quà quý để mang về. Nếu ai thường xuyên đến Tủa Chùa sẽ thấy sự đổi thay ấy. Hệ thống đường, trường, trạm đang được đầu tư và phát triển. Với ông, con người Tủa Chùa thân thiện, mến khách và đầy nhân ái…

Sau chuyến đi ngắn ngày ấy, mỗi khi nghĩ đến Tủa Chùa, tôi vẫn còn ấn tượng với hình ảnh những cô bé, cậu bé người Mông bên đường tươi cười vẫy tay chào khi thấy chúng tôi đi qua. Dọc tuyến đường vào các xã, tôi vẫn nhớ những cây hoa chuông vàng người dân trồng bên hàng rào trước nhà. Những bông hoa như quả chuông treo lủng lẳng, thật bắt mắt. Nhớ những đàn trâu nhẩn nha gặm cỏ trên sườn đồi bên bờ sông Huổi Trẳng... Nhịp sống ở đây như chậm lại, thật yên bình.

Hương Thảo
Bình luận
Back To Top