Kinh tếĐầu tư

Ước mong Đề án chuyển động

00:00 - Thứ Sáu, 11/03/2016 Lượt xem: 1599 In bài viết
ĐBP - “Rà soát, thay thế các chủ đầu tư không đủ năng lực, điều kiện; thu hồi một số diện tích đất cao su đã quy hoạch hoặc đã trồng cao su để phục vụ Đề án 79; cho phép tạm ứng ngân sách địa phương hỗ trợ sản xuất…” là chỉ đạo của đồng chí Trần Văn Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy trong chuyến kiểm tra và làm việc với các chủ đầu tư, huyện Mường Nhé về tiến độ thực hiện Đề án 79 tại huyện Mường Nhé cuối tháng 2 vừa qua. Với chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, tin rằng sẽ mang đến “luồng sinh khí mới”, để Đề án sớm hoàn thành.

“Đề án sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh huyện Mường Nhé đến năm 2015” (gọi tắt là Đề án 79), được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 1/2012, nhằm ngăn chặn tình trạng di cư tự do, giúp người dân an cư, lạc nghiệp. Song quá trình thực hiện Đề án 79 tại Mường Nhé vẫn còn nhiều vướng mắc, tồn tại, khiến một số mục tiêu đề ra chưa hoàn thành, đến nay mới chỉ thực hiện di chuyển được 233/1.097 hộ, đạt trên 21% so với mục tiêu. Đối với các điểm thành lập mới theo Quyết định 79, mới chỉ thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB) được 10 điểm, đạt 34,5% so với kế hoạch; hoàn thành đo đạc quy chủ, đang tiến hành lập phương án hỗ trợ, đền bù GPMB 13 điểm...

Dù nơi ở mới theo Đề án 79 của bà con bản Nậm Kè 2, xã Nậm Kè cơ bản đã ổn định, nhưng vẫn thiếu đất sản xuất và nước sinh hoạt. Trong ảnh: Hàng ngày người dân phải đi lấy nước sinh hoạt về dùng.

Tính đến thời điểm hiện nay, UBND huyện Mường Nhé mới chỉ phê duyệt được 22 phương án với tổng số tiền hơn 90 tỷ đồng, 916ha đất đã thu hồi và đề nghị giao cho dân. Nguyên nhân chủ yếu là do quá trình tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ ổn định đời sống và hỗ trợ phát triển sản xuất còn lúng túng, chưa kịp thời đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu chậm do khâu trình thẩm định và phê duyệt mất quá nhiều thời gian. Sự phối hợp giữa các chủ đầu tư và các cơ quan, đơn vị liên quan trong thực hiện GPMB chưa tốt… dẫn tới làm chậm tiến độ, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống bà con, khiến tình trạng người dân di cư tự do trong xã, huyện, tỉnh còn diễn ra. Từ năm 2011 – 2015 có 426 hộ di cư tự do, với 2.303 khẩu, riêng năm 2015 có đến 65 hộ, 298 khẩu.

Thực địa tại bản Huổi Ban, xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Sơn chia sẻ với bà con vì cuộc sống còn khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất. Bản Huổi Ban, được phê duyệt 54 hộ, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư. Đến nay đã thực hiện di chuyển được 53 hộ. Mặc dù nằm cạnh quốc lộ 4H, thế nhưng đời sống bà con hiện vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là về đất sản xuất. Anh Sùng A Giàng, trưởng bản Huổi Ban cho biết: Hầu hết các hộ gia đình ở đây đều di cư từ huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La lên. Do có người nói ở trên này (nghĩa là huyện Mường Nhé) nhiều đất, nên chúng tôi đã rủ nhau đi. Nhưng khi lên rồi mới biết là không phải thế. Bây giờ được Nhà nước “thương” rồi nên không đi đâu nữa. Chúng tôi mong sao Đề án sớm hoàn thành để người dân yên tâm định canh, định cư thôi”. Ngược lại còn nhiều điểm bản, như: Tiên Tiến, Thống Nhất… người dân vẫn chưa đăng ký chuyển về. Hai bản này được quy hoạch với 90 hộ, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư, nhưng đến nay vẫn chưa có hộ dân nào đăng ký di chuyển nên chưa lập được phương án sắp xếp, ổn định dân cư. Nguyên nhân do thiếu diện tích đất sản xuất, đất xấu, thiếu nguồn nước sinh hoạt… Hay như 97 hộ dân bản Hua Sin 1, 2, xã Chung Chải do Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh làm chủ đầu tư, đến nay mới di chuyển được 12 hộ. Các phương án GPMB đã được phê duyệt, hiện đang thi công các công trình đường giao thông, nước sinh hoạt... Thế nhưng với người dân, cái họ cần nhất là đất sản xuất. Ông Lò Văn Thu, bản Hua Sin 1 cho biết: Đất ở đã có rồi, các công trình công cộng đang được đầu tư nhưng bà con mong các cấp, ngành sớm hoàn thành Đề án để giao đất sản xuất cho bà con.

Không chỉ bà con mà lãnh đạo các cấp, ngành, huyện, chủ đầu tư cũng mong muốn Đề án có “chuyển động”, để sớm hoàn thành mục tiêu. Ông Lù Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé lo lắng: Hiện tại tình trạng di cư tự do vẫn diễn ra, nếu bố trí chỗ ở mà thiếu đất sản xuất thì người dân cũng sẽ đi nơi khác, phá rừng làm nương. Vì vậy, đây là nguyên nhân khiến bà con ở 2 bản Tiên Tiến và Tân Phong chưa đăng ký chuyển đi. Để hạn chế tình trạng di cư tự do, UBND huyện Mường Nhé đề nghị các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, rà soát đất ở, đất sản xuất trước khi bố trí cho người dân về nơi ở mới, trả tiền đền bù đất đai cho bà con. Nếu không sớm ổn định cho người dân sẽ gây khó khăn trong công tác quản lý hành chính, pháp luật đối với người dân trên địa bàn huyện.

Trước những tâm tư, nguyện vọng của các cấp chính quyền, bà con ở các bản, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Sơn đã đưa ra những quyết định, chỉ đạo khẩn trương đối với các chủ đầu tư và yêu cầu trong năm 2016 các chủ đầu tư phải quyết liệt hơn để Đề án có những thay đổi lớn. Hy vọng thời gian tới, với những quyết định, chỉ đạo sát sao của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Sơn và Ban Chỉ đạo, tiến độ Đề án 79 sẽ có những thay đổi tích cực, thực hiện được mục tiêu đề ra, đó là xây dựng huyện Mường Nhé ổn định về định canh, định cư, không còn hộ du canh, du cư, bảo đảm người dân có đủ đất sản xuất, có nhà ở, có đủ nước sinh hoạt và sản xuất.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top