Kinh tếĐầu tư

Chuyện làm đường “thần tốc” ở bản Na Sang

00:00 - Thứ Hai, 21/03/2016 Lượt xem: 1954 In bài viết
ĐBP - Đó là con đường bê tông nội bản dài 1,2km, nối liền 5 nhóm dân cư thuộc 4 dân tộc: Mông, Thái, Khơ Mú và dân tộc Kinh tại bản Na Sang (xã Na Sang, huyện Mường Chà). Chỉ trong 14 ngày, con đường từng là niềm mơ ước đã được người dân thống nhất triển khai xây dựng. Con đường hoàn thành, đưa vào sử dụng không những góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, gắn kết các thành phần dân tộc mà còn đánh dấu một cột mốc mới - thành tích đáng tự hào trong việc huy động sức dân xây dựng nông thôn mới ở xã Na Sang.

Na Sang là một trong những bản khó khăn nhất của xã Na Sang. Tuy nằm ven  quốc lộ 12 nhưng trước đây đường vào bản chỉ là lối mòn. Mùa khô còn đi được, mùa mưa thì nước chảy xói đường, bùn lầy trơn trượt, người dân phải gửi xe máy ở chân dốc để cuốc bộ về nhà. Ô tô không thể vào bản để thu mua nông sản, vì đường quá nhỏ. Đến mùa thu hoạch, người phải chở nông sản bằng xe máy tập kết ở ven đường đợi thương lái đến thu mua. Do đó, trước năm 2015, đường nội bản là một phần nguyên nhân kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội và gây nhiều khó khăn trong đi lại, sinh hoạt của người dân bản Na Sang.

Đường nội bản Na Sang hoàn thành tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa.

Đầu năm 2015, từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xã Na Sang đầu tư bê tông hóa đường nội bản. Song do nguồn vốn hạn hẹp, chỉ đủ để mua nguyên, vật liệu và thuê doanh nghiệp thi công nên UBND xã vận động dân bản hiến đất và góp ngày công san nền đường. Tuy làm đường bê tông là mong muốn, tâm nguyện của bà con bản Na Sang nhưng muốn có đường mới thì họ phải thực hiện được yêu cầu của UBND xã. Đó là một nhiệm vụ rất khó khăn. Bởi vì, theo tiêu chuẩn nông thôn mới, đường bê tông nội bản phải đảm bảo rộng 3m, trong khi con đường đang có chỉ rộng chừng 1m nên diện tích đất người dân phải hiến là rất lớn.

Lường trước những khó khăn sẽ gặp trong quá trình tuyên truyền vận động người dân hiến đất làm đường, nhiều cuộc họp đã được tổ chức, nhiều ý kiến được đưa ra. Ý kiến đồng thuận có, ý kiến trái chiều cũng không ít. Song tất cả các cuộc họp diễn ra chỉ với mục đích trao đổi, tuyên truyền và lắng nghe ý kiến chứ chưa đi vào bàn bạc phương án cụ thể bởi vì thời điểm ấy nguồn vốn nông thôn mới chưa được phân bổ về xã. Đến cuối tháng 11/2015, khi nguồn vốn được phân bổ về, bản Na Sang mới bắt đầu triển khai quyết liệt. Những tưởng chương trình sẽ vấp phải sự phản đối của người dân nhưng chỉ sau 2 cuộc họp bản, 100% hộ dân thống nhất hiến đất và góp ngày công san nền đường. Và chỉ trong 2 tuần, người dân bản Na Sang đã hoàn thành việc hiến đất và cùng nhau san nền đường rộng 3m theo đúng tiêu chuẩn. Anh Lý A Chu, Trưởng bản Na Sang nói: “Mới đầu, tôi rất bất ngờ vì mọi chuyện lại diễn ra nhanh chóng và thuận lợi như thế. Sau nghĩ lại tôi thấy rằng, bà con ai cũng mong có đường mới, trước là để phục vụ nhu cầu đi lại, sau nữa là tạo điều kiện phát triển kinh tế, nhất là khâu vận chuyển nông sản. Sau khi hoàn thiện nền đường, UBND xã đưa nhà thầu vào thi công. Cuối tháng 12, con đường hoàn thành, đưa vào sử dụng trong niềm vui của dân bản”.

Anh Lý A Chu dẫn chúng tôi đến thăm một số hộ gia đình tiêu biểu trong phong trào hiến đất làm đường. Hộ đầu tiên là gia đình anh Lý A Vừ. Để phục vụ làm đường bê tông nội bản, gia đình anh Vừ đã tự nguyện hiến hơn 60m2 đất vườn. Trước đây, vườn của gia đình anh đã được chôn cột bê tông, xây tường bao kiên cố, song để có đường mới đảm bảo vừa thẳng vừa rộng, anh Vừ sẵn sàng đập tường bao, hiến đất và cùng bà con san nền đường. Hiện nay, con đường đã hoàn thành, anh Vừ đang thuê thợ xây lại tường bao mới. Anh Lý A Vừ cho biết: “Vì bản có 5 nhóm dân cư nên san nền đường cũng chia thành 5 nhóm. Nhóm của gia đình tôi phụ trách san gần 400m đường. Mỗi gia đình cử 1 – 2 người tham gia. Đúng 6h30 sáng, chúng tôi gọi nhau, bắt tay vào công việc đến khi trời nhá nhem tối mới nghỉ. Cứ như thế trong 3 – 4 ngày liên tục, phần nền đường do nhóm tôi phụ trách đã thi công xong. Trong quá trình đổ bê tông, nếu đơn vị thi công có yêu cầu sửa lại nền đường, ngay lập tức chúng tôi sửa đúng yêu cầu để đảm bảo tiến độ thi công”.

Chỉ tay lên ngôi nhà ông Lý A Khai nằm tít trên đỉnh dốc, Trưởng bản Chu nói: Hộ ông Khai đã hiến gần 100m2 đất để làm đường. Con đường mở rộng hết sân vào đến tận mái hiên của ngôi nhà nhưng ông Khai vẫn đồng ý hiến đất. Vì nhà nằm trên đỉnh dốc, mùa mưa hay có nước chảy, để tránh nguy cơ sạt lở nên khi con đường hoàn thành ông Khai đã đầu từ gần 30 triệu đồng để xây kè đá, đảm bảo an toàn cho ngôi nhà. Đến mùa thu hoạch, không có sân phơi nên ông Khai phải chở nông sản đi phơi nhờ nhà anh em. Tất cả chỉ để có con đường bê tông mới để đi lại dễ dàng, thuận lợi cho sản xuất”.

Ông Vàng A Pó, Chủ tịch UBND xã Na Sang cho biết: “Con đường nội bản Na Sang là con đường hoàn thành trong thời gian sớm nhất và đảm bảo chất lượng nhất từ trước đến nay. Con đường hoàn thành, người dân, học sinh có đường mới sạch sẽ để đi; ô tô của thương lái vào đến tận bản để thu mua nông sản… Từ đó, đời sống người dân bản Na Sang dần được nâng lên. Thời gian tới, xã Na Sang sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình trên toàn xã để hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới và quan trọng hơn cả là phục vụ lợi ích và nâng cao đời sống người dân.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top