Kinh tếĐầu tư

Thu hút vốn FDI - chuyển mạnh từ “lượng” sang “chất”

14:36 - Thứ Năm, 03/01/2019 Lượt xem: 7784 In bài viết

Nguồn tài nguyên đất đai, lợi thế lao động giá rẻ hiện không còn nhiều, do vậy đã đến lúc cần thay đổi nhận thức trong thu hút đầu tư. Cụ thể, tập trung lựa chọn những dự án đầu tư vào công nghệ khoa học kỹ thuật, những ngành có hàm lượng chất xám cao, tạo ra giá trị gia tăng lớn.

Mặc dù năm 2018 số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký đầu tư vào Việt Nam không cao nhưng lượng vốn giải ngân cao, cho thấy dấu hiệu kiểm soát trong hoạt động đầu tư đã đi vào thực chất. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn cho rằng cần kiểm soát chặt chẽ hơn để nâng chất lượng đầu tư, hạn chế đầu tư vào đất kiếm lời, chú ý thu hút các nhà đầu tư hàng đầu thế giới đang nắm giữ công nghệ nguồn, có năng lực quản trị hiện đại...

Dấu hiệu mới

Trong năm qua, có hơn 3.000 dự án FDI đầu tư mới vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký gần 18 tỷ USD, bằng 84,5% so với năm trước. Như vậy, tính đến nay cả nước có trên 27.000 dự án của các nhà đầu tư nước ngoài đến từ 128 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký khoảng 340 tỷ USD. Trong đó, tổng vốn thực hiện khoảng 188,8 tỷ USD. Các dự án đầu tư nước ngoài đã có mặt tại tất cả các tỉnh, thành trong cả nước. Ngành nghề đầu tư chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp, chiếm tỷ lệ 57% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Đáng chú ý là khu vực đầu tư nước ngoài đã có đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách. Giai đoạn 1994-2000, nộp ngân sách của khu vực đầu tư nước ngoài đạt 1,8 tỷ USD và đến giai đoạn 2011-2015, con số này lên đến 23,7 tỷ USD, chiếm gần 14% tổng thu ngân sách nhà nước. Đến năm 2017, khu vực đầu tư nước ngoài đóng góp cho ngân sách hơn 8 tỷ USD, chiếm hơn 17% tổng thu ngân sách nhà nước.

 

Sản xuất thiết bị âm thanh siêu nhỏ và vi cơ điện tử tại Công ty TNHH Sonlon trong KCN cao TPHCM.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính riêng năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 35,5 tỷ USD, thấp hơn vài phần trăm so với năm 2017. Thế nhưng, trong lúc số lượng vốn đăng ký giảm thì hoạt động giải ngân vốn thực tế tại các dự án FDI lại tăng, ước đạt 19,1 tỷ USD, tăng 9,1% so với năm 2017.

Nhận định của lãnh đạo Tổng cục Thống kê về việc vốn giải ngân tăng cao, trong khi vốn đăng ký thấp hơn năm trước, thể hiện Chính phủ đã kiên quyết trong việc chọn lọc đầu tư, tập trung ưu tiên thu hút đầu tư vào những ngành công nghệ cao, ít ô nhiễm môi trường, chứ không thu hút FDI bằng mọi giá như trước. Đó là lý do vốn đăng ký giảm nhưng vốn giải ngân thực tế lại tăng. Và từ đây, xu hướng thu hút vốn FDI của Việt Nam sẽ chuyển sang thế hệ mới có chất lượng và hiệu quả cao hơn.

Cần lựa chọn, tinh lọc

Để nâng cao chất lượng đầu tư phù hợp với tình hình mới, đã đến lúc Chính phủ cần lựa chọn, tinh lọc các dự án. Cụ thể là tập trung khai thác cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các hình thức đầu tư mới để tạo tối đa lợi thế của Việt Nam, chủ động thu hút các nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu thế giới, nắm giữ công nghệ nguồn, có năng lực quản trị hiện đại, năng lực cạnh tranh cao...

Song song đó, điều Việt Nam hướng tới không chỉ là nguồn vốn mà còn có chiến lược và giải pháp khuyến khích, thúc đẩy, hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước liên doanh, liên kết, chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI; tập trung xây dựng công nghiệp hỗ trợ giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi liên kết giá trị toàn cầu. Chấm dứt, ngăn ngừa các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, hoặc dự án nhập khẩu và sử dụng công nghệ lạc hậu vào Việt Nam.

Bởi thực tế, thời gian qua hoạt động đầu tư nước ngoài vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Điển hình là việc liên kết chưa tạo được hiệu ứng lan tỏa năng suất của khu vực đầu tư nước ngoài đến được khu vực doanh nghiệp trong nước; có quá nhiều dự án đầu tư nước ngoài chỉ tập trung vào gia công, lắp ráp… trong khi, tỷ lệ nội địa hóa ở mức thấp, dưới trung bình. Ngay việc chuyển giao công nghệ thông từ các dự án đầu tư nước ngoài vào trong nước chưa đạt kết quả như kỳ vọng vì số dự án đầu tư nước ngoài thuộc các ngành sử dụng công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn chưa nhiều.

Xã hội vẫn gánh nhiều hệ luỵ từ việc thiếu kiểm soát trong thu hút đầu tư, để một số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có ý thức tuân thủ nghiêm pháp luật thấp, không bảo vệ môi trường đầu tư vào Việt Nam. Đặc biệt, đáng lo ngại là những doanh nghiệp đầu tư nước ngoài lợi dụng chính sách chuyển giá, thiếu trung thực trong báo cáo tài chính khiến nhà nước thất thu.

Do vậy, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc lựa chọn, sàng lọc các dự án và sàng lọc nhà đầu tư thì nhà nước cũng cần nhanh chóng sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến Luật Đất đai, Luật Ngân sách, Luật Đầu tư…

Bên cạnh đó, phải khuyến khích các nhà đầu tư đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển, tăng cường sự hỗ trợ của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước; tăng cường liên kết, phát triển công nghiệp hỗ trợ; tăng tỷ lệ nội địa hóa, thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển. Và quan trọng nhất là khuyến khích các nhà đầu tư quan tâm đến đời sống người dân, người lao động, như đầu tư phát triển công nghiệp phải gắn với phát triển nhà ở, đảm bảo các dịch vụ cho người lao động; khi giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án đầu tư, cần chú ý triển khai đúng cam kết, đúng tiến độ, đảm bảo lợi ích của người dân.

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top