Kinh tếĐầu tư

Dự án Ðầu tư xây dựng hệ thống thoát nước, thu gom và xử lý nước thải TP. Ðiện Biên Phủ:

Chậm đến bao giờ?

09:12 - Thứ Năm, 25/04/2019 Lượt xem: 6806 In bài viết

ĐBP - Hai lần gia hạn, thế nhưng đến nay Dự án Ðầu tư xây dựng hệ thống thoát nước, thu gom và xử lý nước thải TP. Ðiện Biên Phủ vẫn chưa thể hoạt động. Một trong những lý do được phía chủ đầu tư (Ban Quản lý Dự án các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh) đưa ra là thủ tục vốn vay kéo dài, phức tạp, dẫn đến dự án chậm tiến độ nhiều năm so với kế hoạch…

 

Tuyến đường Nguyễn Chí Thanh sau khi được đơn vị thi công dự án hoàn trả lại mặt bằng nhưng không đảm bảo chất lượng.

Dự án Ðầu tư xây dựng hệ thống thoát nước, thu gom và xử lý nước thải TP. Ðiện Biên Phủ được UBND tỉnh phê duyệt Quyết định đầu tư số 240/QÐ-UBND tỉnh ngày 2/3/2010 và Quyết định phê duyệt, điều chỉnh bổ sung một số nội dung dự án. Theo đó, tổng mức đầu tư hơn 303,8 tỷ đồng bằng nguồn vốn vay ưu đãi của Phần Lan (trên 264 tỷ đồng) còn lại là vốn đối ứng của Việt Nam. Ban Quản lý Dự án các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh là chủ đầu tư; Công ty TNHH Econet Phần Lan là nhà thầu chính. Mục tiêu của dự án là cải tạo hệ thống thoát nước chung hiện có nhằm hạn chế tình trạng ngập úng tại khu vực nội thành; xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt, từng bước giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải sinh hoạt gây ra, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Mặt đường “chắp vá” sau thi công

Theo chủ trương đầu tư, dự án xây dựng đồng bộ hệ thống đường ống thoát nước thải, thoát nước mưa và trạm xử lý nước thải trên phạm vi toàn bộ thành phố. Ðối với hạng mục mạng lưới đường ống thoát nước mưa, sẽ xây dựng tuyến ống mới với tổng chiều dài 5.994m, qua địa phận phường Nam Thanh, Thanh Bình và Bệnh viện Ða khoa tỉnh; phần cải tạo, sửa chữa các tuyến ống đã có theo các tuyến đường: Trường Chinh, 279, sân vận động, cầu Trắng có chiều dài hơn 8.600m. Hệ thống thoát nước thải có tuyến ống chuyển tải (cấp I) dài hơn 4.550m; tuyến ống chính, nhánh, nối (cấp II) 2.459m; tuyến ống tiểu khu (cấp III) hơn 6.700m; tuyến ống nối các hộ gia đình hơn 28.000m. Ngoài ra còn nhiều tuyến ống áp lực, các hố ga, trạm bơm…

Ðến nay, hạng mục mạng lưới các tuyến ống đã được thi công xong. Tuy nhiên, điều đáng nói là việc hoàn trả lại mặt bằng không như hiện trạng ban đầu, nhiều tuyến đường được nhà thầu hoàn trả lại mặt bằng theo kiểu “chắp vá”. Mặc dù trong giấy phép xây dựng do Sở Xây dựng cấp đã nêu rõ: “Sau khi xây dựng xong công trình phải hoàn trả mặt bằng nguyên trạng, đảm bảo chất lượng và cao độ để đảm bảo an toàn giao thông”. Song theo khảo sát của chúng tôi, việc hoàn trả lại mặt bằng nhiều tuyến đường lồi, lõm, không đảm bảo cao độ như cũ, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Cụ thể, tuyến đường Nguyễn Chí Thanh (còn gọi đường 15m) thuộc phường Mường Thanh. Ðây được xem là tuyến phố ăn uống, dịch vụ, thế nhưng 2 bên đường nham nhở, chỗ cao, chỗ thấp. Anh Dương Văn Nam, tổ dân phố 10, phường Mường Thanh tỏ ra khá bức xúc: “Tuyến đường trước đây đẹp, bằng phẳng mà giờ đây bị cắt thành 2 vệt song song, mặt đường vênh nhau, chỗ thấp, chỗ cao lởm khởm, nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông.”

Không chỉ đường Nguyễn Chí Thanh, hầu hết các tuyến đường có dự án đi qua đều bị “lồi lõm”; ngay cả một số tuyến chính trong thành phố như: Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Hoàng Công Chất, Hoàng Văn Thái, Lò Văn Hặc, đường Sân vận động... Về vấn đề này, BQLDA các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh cho biết: “Việc hoàn trả lại mặt bằng đã được đơn vị thi công thực hiện nghiêm túc. Song trong quá trình thi công không thể đảm bảo tính thẩm mỹ, nhưng về chất lượng công trình thì được đảm bảo tuyệt đối!”.

Chỉ cần quan sát bằng mắt thường, nhiều mặt bằng sau khi được hoàn trả nay đã xuống cấp, bong tróc, lồi lõm, gây mất mỹ quan đô thị, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Ðiển hình là tuyến đường sau Sân vận động tỉnh, có những đoạn đường mặt bằng mới và cũ vênh nhau đến chục centimet; nhiều đoạn bắt đầu xuống cấp… Trả lời vấn đề này, ông Vũ Quyết Thắng, Trưởng phòng Quản lý đô thị, TP. Ðiện Biên Phủ cho biết: “Chúng tôi nhận được phản ánh của nhiều người dân, tuy nhiên hiện nay công trình chưa nghiệm thu, bàn giao cho thành phố quản lý. Sau khi dự án bàn giao, thành phố tiếp quản, nếu các tuyến đường không được hoàn trả nguyên trạng như cũ chúng tôi sẽ có ý kiến”.

Chậm do thủ tục?

Theo quyết định phê duyệt đầu tư, thời gian khởi công dự án và hoàn thành trong 48 tháng (4 năm). Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa đi vào hoạt động. Ông Ðặng Ngọc Dư, cán bộ Ban Quản lý Dự án các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh cho biết: Do hồ sơ, thủ tục kéo dài dẫn đến dự án bị chậm tiến độ. Cụ thể, mặc dù được phê duyệt quyết định đầu tư từ tháng 3/2010, nhưng đến tháng 8/2015, dự án mới chính thức khởi công xây dựng. Ðây là dự án sử dụng vốn vay ưu đãi của Phần Lan, vì vậy thủ tục rất phức tạp. Từ năm 2010 - 2012, tổ chức lựa chọn nhà thầu; cuối năm 2012, mới chọn được nhà thầu chính là Công ty TNHH Econet Phần Lan và nhà thầu phụ là Công ty Cổ phần Xây dựng và Ðầu tư phát triển kinh tế đô thị. Theo Hiệp định tín dụng ưu đãi về việc tài trợ tín dụng cho dự án quy định rõ: chậm nhất đến ngày 31/1/2016 dự án phải hoàn thành và chạy thử nghiệm. Tuy nhiên, phải đến cuối tháng 9/2014, mới giải ngân được nguồn vốn, vì vậy hợp đồng ký với nhà thầu mới có hiệu lực thi hành và nhà thầu bắt đầu triển khai các bước tiếp theo. Ðến tháng 8/2015 các thủ tục mới hoàn tất và bắt đầu triển khai thi công dự án.

Không kịp tiến độ theo quy định, Bộ Tài chính (Việt Nam) và Ngân hàng Nordea Bank Finland Plc (Phần Lan) đã có hiệu chỉnh số 1 thư chấp thuận theo hiệp định về hạn mức tín dụng ưu đãi (gia hạn thời gian dự án) muộn nhất đến ngày 31/1/2018, dự án phải hoàn thành và chạy thử nghiệm. Nhưng đến cuối năm 2018, dự án mới chạy thử nghiệm. Nguyên nhân chậm trễ được phía chủ đầu tư cho biết là vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng.

Không chỉ chậm tiến độ, theo quy định tại Mục 6, Ðiều 1, Quyết định 240/QÐ-UBND của UBND tỉnh nêu rõ: Nội dung đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống đường ống thoát nước thải, thoát nước mưa và trạm xử lý nước thải trên phạm vi toàn bộ TP. Ðiện Biên Phủ. Thế nhưng, thực tế dự án chỉ có quy mô khoảng 4.000 hộ dân thuộc 3 phường: Nam Thanh, Thanh Bình và Mường Thanh. Lý giải vấn đề này, đại diện chủ đầu tư cho rằng: Do việc thu gom nước thải bằng ống tròn tự chảy, một số phường khác không có dự án bởi độ dốc quá lớn, không thể thu gom theo kiểu tự chảy được. Trong khi đó, kinh phí có giới hạn nên dự án mới chỉ thực hiện thu gom được nước thải của các hộ dân của 3 phường. Tuy nhiên theo phản ánh của người dân số hộ gia đình đã được đấu nối vào đường thu gom nước thải chiếm tỷ lệ thấp.

Tháng 8/2018, Công ty Cổ phần Môi trường đô thị và Xây dựng tỉnh được lựa chọn để tiếp quản, chạy thử nghiệm và chuyển giao công nghệ vận hành Nhà máy xử lý nước thải. Tháng 11/2018, công tác chạy thử nghiệm kết thúc và từ đó đến nay dự án tạm ngừng hoạt động để đợi cấp phép xả thải của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ông Nguyễn Ðức Trung, quyền Giám đốc Ban Quản lý Dự án các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh cho biết: Sau khi chạy thử nghiệm, đã có kết quả đánh giá tác động môi trường. Theo đó, các chỉ tiêu, thông số khi qua xử lý đều đạt tiêu chuẩn xả thải. Hiện nay, đơn vị đã trình Sở Tài nguyên - Môi trường, Bộ Tài nguyên - Môi trường, sau khi được cấp phép xả thải là chính thức đi vào hoạt động.

Dự án Ðầu tư xây dựng hệ thống thoát nước, thu gom và xử lý nước thải TP. Ðiện Biên Phủ là công trình đặc biệt quan trọng, góp phần cải thiện môi trường và kết cấu hạ tầng đô thị thành phố. Việc chậm tiến độ không chỉ làm giảm hiệu quả đầu tư của dự án, gây bức xúc trong nhân dân mà toàn bộ số tiền đào tạo, vận hành và chuyển giao công nghệ (khoảng 2,5 tỷ đồng) cũng không được Ngân hàng Nordea Bank Finland Plc giải ngân.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top