Kinh tếĐầu tư

Góc nhìn

Chuyển động mới của dòng vốn FDI

09:43 - Thứ Hai, 03/06/2019 Lượt xem: 7983 In bài viết

Mặc dù chưa hết hai quý đầu năm 2019 nhưng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam bắt đầu có sự dịch chuyển đáng chú ý.

Tính chung 5 tháng qua, thu hút vốn FDI đạt tổng giá trị 16,74 tỷ USD, tăng 69,1% so cùng kỳ năm trước. Vốn FDI tăng ở cả ba hợp phần: vốn đăng ký cấp phép dự án mới, điều chỉnh vốn tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào doanh nghiệp (DN) trong nước. Đến nay, có 131 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam, đứng đầu là Hàn Quốc, thứ hai là Nhật Bản và Xin-ga-po thứ ba.

Tuy nhiên từ đầu năm đến nay, dòng vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam đang tăng mạnh, trong số các dự án lớn được “điểm danh” cấp phép theo từng tháng đã bắt đầu xuất hiện dự án của nhà đầu tư Trung Quốc. Thí dụ, dự án chế tạo lốp xe ra-đi-an toàn thép ACTR đầu tư tại Tây Ninh có tổng vốn đầu tư đăng ký 280 triệu USD; dự án Công ty TNHH lốp Advance Việt Nam có tổng vốn đầu tư đăng ký 214,4 triệu USD tại Tiền Giang. Nếu như cả năm 2018, tổng vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam đạt hơn 2,46 tỷ USD thì chỉ trong 5 tháng đầu năm nay, vốn FDI thu hút từ Trung Quốc đã ở mức 2,02 tỷ USD, trong đó, tăng mạnh nhất là vốn cấp phép dự án mới. Tính chung cả thời kỳ 30 năm thu hút FDI, Trung Quốc là đối tác đứng thứ bảy tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký lũy kế gần 15 tỷ USD và có xu hướng liên tục tăng nhanh trong thời gian qua. Cụ thể, năm 2018, Trung Quốc đứng thứ năm trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Trong 5 tháng vừa qua, nhà đầu tư Trung Quốc đã vươn lên vị trí thứ ba và thứ tư, tùy theo từng tháng, còn nếu tính theo quy mô vốn đăng ký cấp mới thì Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam.

Rõ ràng, sự quan tâm của nhà đầu tư Trung Quốc đối với thị trường Việt Nam đã chuyển sang một cấp độ mới. Thời gian qua, Việt Nam và Trung Quốc tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư và thương mại hai chiều nhằm giới thiệu các dự án chất lượng cao, thúc đẩy các DN Trung Quốc đến Việt Nam đầu tư mở thị trường mới. Nhiều DN nước này đã lựa chọn điểm đến là Việt Nam bởi có cơ sở hạ tầng hiện đại, chất lượng nhân công tốt, giá thành hợp lý. Về phía Việt Nam, luôn mong muốn tiếp nhận thêm các dòng vốn đầu tư mới từ Trung Quốc, nhất là những dự án có hàm lượng công nghệ cao, ưu tiên các lĩnh vực xây dựng cơ sở cơ khí, điện tử, vật liệu mới, dược phẩm, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ thông tin, hạ tầng, năng lượng sạch…

Sự gia tăng mạnh mẽ của dòng vốn FDI Trung Quốc vào Việt Nam không gây bất ngờ vì đã được dự báo do tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra cũng như DN Trung Quốc đón đầu cơ hội Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới,... Do đó, chúng ta cần chủ động lựa chọn thu hút những dự án FDI có chất lượng, hàm lượng công nghệ cao, bảo đảm nguyên tắc đem lại giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế theo đúng chủ trương thu hút FDI trong thời kỳ mới của Việt Nam.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top