Kinh tếĐầu tư

Cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

09:12 - Thứ Năm, 11/07/2019 Lượt xem: 7637 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, các ngành chức năng, chính quyền địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công (bao gồm cả kế hoạch vốn năm 2018 được kéo dài thời gian thực hiện và thanh toán sang năm 2019). Tuy nhiên, đến nay tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh vẫn đạt kết quả thấp.

 

Dự án Ðường Na Sang - Huổi Mí - Nậm Mức - thị trấn Tủa Chùa - Huổi Lóng (phân đoạn Tủa Chùa - Nậm Mức - Huổi Mí) được phân bổ vốn lớn, nhưng vướng mặt bằng nên công tác giải ngân vốn chậm.

Theo thống kê của Kho bạc Nhà nước tỉnh, năm 2019 tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý hơn 2.366 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến hết tháng 5/2019, mới giải ngân đạt hơn 550 tỷ đồng (đạt 23,27% kế hoạch và giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2018). Kế hoạch vốn năm 2018 được kéo dài sang năm 2019 là hơn 611,5 tỷ đồng, mới giải ngân được gần 14,5 tỷ đồng (2,37% kế hoạch). Ðặc biệt, nguồn vốn đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia (gồm chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững) năm 2019 được giao gần 713 tỷ đồng, đến hết tháng 5/2019, mới giải ngân được hơn 191 tỷ đồng (đạt 26,84%); riêng vốn kéo dài từ năm 2018 sang gần 25 tỷ đồng, đến nay chưa giải ngân được… Mặc dù xét về tổng thể, chương trình giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh so với cả nước vẫn nằm trong tốp trung bình khá, nhưng 5 tháng đầu năm mà tiến độ giải ngân của tỉnh chưa đạt 30% là rất chậm.

Ðáng chú ý là một số dự án được bố trí kế hoạch vốn lớn nhưng tỷ lệ giải ngân đạt rất thấp. Ðiển hình như Dự án Ðường Na Sang - Huổi Mí - Nậm Mức - thị trấn Tủa Chùa - Huổi Lóng (phân đoạn Tủa Chùa - Nậm Mức - Huổi Mí), do Ban Quản lý Dự án các công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư. Dự án này được UBND tỉnh phê duyệt năm 2007 với tổng mức đầu tư 690 tỷ đồng và được bố trí từ nguồn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016 - 2020. Ðến hết tháng 6/2019, tổng số vốn được bố trí cho dự án gần 581/690 tỷ đồng (đạt 84,18% tổng mức đầu tư) nhưng giá trị giải ngân chỉ đạt hơn 275,2 tỷ đồng (47,40% kế hoạch bố trí vốn dự án). Tính riêng năm 2019, tổng số vốn kéo dài năm 2018 chuyển sang hơn 266 tỷ đồng, song tỷ lệ giải ngân mới đạt gần 5 tỷ đồng.

Theo ông Tô Trọng Thiện, Giám đốc Ban Quản lý Dự án các công trình giao thông tỉnh: Nguyên nhân dẫn đến tiến độ giải ngân vốn chậm là do công tác giải phóng mặt bằng dự án còn chậm, nhất là diện tích trên địa bàn huyện Tủa Chùa. Nhiều hộ dân chưa đồng thuận phương án bồi thường nên không giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Bên cạnh đó, dự án vướng vào hơn 20ha đất rừng nên việc thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất kéo dài. Sau khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất rừng sang mục đích khác, UBND tỉnh đã ban hành quyết định về việc phê duyệt phương án nộp tiền trồng rừng thay thế. Vì vậy, hiện nay Ban đang hoàn thiện thủ tục trình UBND tỉnh.

Tương tự, đối với Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tổng vốn kế hoạch giao (vốn đầu tư) năm 2019 là 239,6 tỷ đồng. Ðã phân bổ cho các huyện, thị xã và thành phố theo quy định với tổng số vốn 188,2 tỷ đồng; phân bổ cho 29 xã biên giới hơn 51,4 tỷ đồng. Ðến nay, kết quả giải ngân ước đạt gần 65 tỷ đồng, đạt 27% kế hoạch vốn giao. Riêng vốn kế hoạch kéo dài từ năm 2018 sang năm 2019 là 5,9 tỷ đồng đến nay vẫn chưa giải ngân được. Cụ thể, toàn tỉnh có 65 dự án về đầu tư xây dựng nông thôn mới được kéo dài vốn sang năm 2019; trong đó huyện Mường Chà có 2 dự án; Ðiện Biên, Ðiện Biên Ðông và Mường Ảng mỗi huyện có 12 dự án; Tuần Giáo 5 dự án; Nậm Pồ và Mường Nhé mỗi huyện có 7 dự án và Tủa Chùa có 8 dự án.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chánh Văn phòng Ðiều phối Nông thôn mới tỉnh, nguyên nhân đến nay công tác giải ngân vốn đầu tư đối với nguồn vốn năm 2019 và đặc biệt vốn kéo dài từ năm 2018 sang chậm là do địa hình miền núi, biên giới chia cắt; xuất phát điểm về kinh tế của các xã thấp; dân cư sinh sống không tập trung; khối lượng công việc xây dựng nông thôn mới rất lớn. Bên cạnh đó, một số xã khi được giao nhiệm vụ quản lý, đầu tư xây dựng hợp phần cơ sở hạ tầng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong hồ sơ, thanh quyết toán dự án… dẫn đến công tác giải ngân vốn bị ảnh hưởng.

Nếu như kết thúc năm mà không giải ngân hết, nguồn vốn sẽ bị thu hồi, điều chuyển, ảnh hưởng đến vốn đầu tư của các năm tiếp theo và quyền lợi thụ hưởng của người dân. Ông Nguyễn Phi Sông, Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư cho biết: Nguyên nhân trước hết là do việc phân bổ một số nguồn vốn cho các dự án của cấp thẩm quyền triển khai còn chậm, kéo theo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án triển khai các bước thực hiện đầu tư chậm, dẫn đến chưa có hồ sơ gửi đến Kho bạc Nhà nước. Hầu hết các dự án trên địa bàn tỉnh đều vướng công tác giải phóng mặt bằng. Ðây là nguyên nhân chính dẫn đến công tác giải ngân vốn đầu tư đạt thấp. Trong năm 2018 trên địa bàn tỉnh có tới 45 dự án vướng vào đất rừng phải xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển đổi mục đích sử dụng. Ngoài ra, nhiều dự án vướng mặt bằng do khâu đền bù giải phóng, chính sách đền bù chưa hợp lý… Một số chủ đầu tư, các ngành, địa phương vẫn còn lúng túng, chậm triển khai các thủ tục đầu tư theo quy định; chưa có sự phối hợp chặt chẽ để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Các dự án khởi công mới phần lớn đang hoàn thiện thủ tục đầu tư, một số dự án thuộc nguồn ngân sách địa phương cân đối hoặc chưa được phê duyệt dự án. Ngoài ra, việc áp dụng các quy định về quản lý đầu tư công trong thực hiện các dự án đầu tư thuộc chương trình mục tiêu quốc gia còn nhiều lúng túng, nhất là việc thực hiện các quy trình lập, thẩm định và phê duyệt các dự án. Công tác chuẩn bị đầu tư còn tốn nhiều thời gian, từ khâu triển khai lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu đến tổ chức thi công... Khi xong các thủ tục đó thì bước vào mùa mưa nên khó triển khai thi công; nhiều công trình phải tạm dừng thi công.

Việc giải ngân vốn không chỉ tác động trực tiếp đến tiến độ các chương trình, dự án mà liên quan đến việc chuẩn bị cho kế hoạch đầu tư phát triển những năm tiếp theo. Thời gian của năm tài chính 2019 chỉ còn không đầy 6 tháng nữa, vì vậy để đảm bảo giải ngân kế hoạch vốn giao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển KT - XH, các đơn vị liên quan cần sớm có giải pháp khắc phục.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top