Kinh tếĐầu tư

Ðẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

15:02 - Thứ Hai, 20/04/2020 Lượt xem: 13734 In bài viết

Theo tính toán của Tổng cục Thống kê (TCTK), nếu giải ngân thêm 1% kế hoạch vốn đầu tư công, GDP sẽ tăng trưởng thêm 0,06 điểm phần trăm. Chính vì vậy, đầu tư công là nguồn vốn mồi quan trọng để thu hút các nguồn lực khác đầu tư vào nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo ra tăng trưởng.

Chính phủ chấp thuận bố trí vốn đầu tư công để cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn hai cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài. Trong ảnh: Ðường lăn cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Chuyển động từ một dự án cấp bách

Bài toán khó cho dự án (DA) cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài đặt ra suốt ba năm qua, đến nay đã có lời giải. Chính phủ vừa chấp thuận bổ sung các DA này vào Danh mục Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 để được bố trí nguồn vốn và triển khai thực hiện ngay nhằm bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động hàng không. Ngày 14-4, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) có các quyết định giao hai đơn vị là Tổng công ty Ðầu tư phát triển và Quản lý DA hạ tầng giao thông Cửu Long (Tổng công ty Cửu Long) và Ban quản lý DA Thăng Long tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi hai DA này. Trình tự thủ tục thực hiện theo quy định về công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp để có thể khởi công tháng 7-2020.

Từ năm 2017 đến nay, đường cất hạ cánh, đường lăn của hai cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài hư hỏng nặng, có hiện tượng bong bật, vỡ nứt, phụt bùn và cần được cải tạo nâng cấp hoặc thay thế kết cấu hoàn toàn với tổng số vốn đầu tư gần 4.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp khai thác cảng là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) chỉ được sửa chữa nhỏ, không được thực hiện sửa chữa, cải tạo lớn do vướng mắc về cơ chế bố trí vốn đầu tư. Các phương án được ACV và Bộ GTVT đề xuất để triển khai thực hiện hai DA này là: Sử dụng vốn đầu tư công; sử dụng vốn ACV và sử dụng nguồn chênh lệch thu - chi từ khai thác tài sản khu bay do ACV đang tạm quản lý. Trong thời gian chờ phương án vốn, ACV đã hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi cho nên hiện nay, Tổng công ty Cửu Long và Ban quản lý DA Thăng Long được giao xem xét, đề xuất việc sử dụng phương án này. Phía ACV có nhiệm vụ hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ với hai đơn vị nêu trên trong quá trình chuẩn bị và thực hiện DA khẩn cấp trong lĩnh vực chuyên ngành hàng không. Việc tiến hành sửa chữa, nâng cấp hạ tầng khu bay của hai cảng hàng không lớn nhất trong cả nước vào thời điểm hiện nay có nhiều thuận lợi vì đang trong thời điểm dịch Covid-19, tần suất bay thấp, có thêm thời gian tạm dừng khai thác đường cất hạ cánh để phục vụ thi công.

Tín hiệu từ hoạt động đầu tư công của cả nước cũng rất tích cực trong bức tranh kinh tế quý I năm nay. Theo TCTK, tính đến ngày 31-3, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt hơn 61.591 tỷ đồng, bằng 13,1% kế hoạch vốn, cao hơn so với mức 11,2% kế hoạch đạt được của cùng kỳ năm 2019. Vụ trưởng Thống kê xây dựng và vốn đầu tư (TCTK) Nguyễn Việt Phong cho biết: Nếu giải ngân thêm 1% kế hoạch vốn đầu tư công, GDP sẽ tăng trưởng 0,06 điểm phần trăm. Bình quân giai đoạn 2016-2019, giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt khoảng từ 91 đến 93% kế hoạch, tức là còn 7 đến 9% số vốn đã có trong kế hoạch nhưng không giải ngân được. Do đó, nếu năm nay giải ngân hết 100% kế hoạch vốn như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, GDP sẽ tăng thêm 0,42 đến 0,54 điểm phần trăm. Bên cạnh đó, nếu giải ngân thêm 1% vốn đầu tư công sẽ thúc đẩy tăng trưởng của lĩnh vực xây dựng 1,34 điểm phần trăm, kéo theo hàng loạt ngành liên quan trực tiếp và gián tiếp đều tăng trưởng, nhất là sản xuất vật liệu xây dựng. Ðây là dư địa lớn để bù đắp cho tăng trưởng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng toàn diện đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội cả nước.

Ðề xuất nhiều giải pháp quyết liệt

Theo ông Nguyễn Việt Phong, hoạt động đầu tư công quý I-2020 khởi sắc nhờ đổi mới cách làm và quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Ðây là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn cũng như thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả giai đoạn 2016-2020 cho nên Chính phủ rất quyết tâm giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư năm 2020, phân giao kế hoạch vốn một lần ngay từ đầu năm, thay vì giao làm nhiều lần, giao chậm. Yếu tố quan trọng khác là Luật Ðầu tư công (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1-1-2020 đã trao thêm nhiều quyền tự chủ, chủ động cho các bộ, ngành, địa phương trong việc thúc đẩy vốn đầu tư, điều chuyển vốn từ DA giải ngân chậm, không có khả năng giải ngân hết vốn sang DA đẩy nhanh tiến độ.

Tuy nhiên theo số liệu của Bộ Tài chính, cả nước mới chỉ có tám bộ, ngành và 34 địa phương có số giải ngân đạt hơn 15% kế hoạch vốn được giao. Vẫn còn 29 bộ, ngành và một địa phương có số giải ngân đạt dưới 5%, trong đó có 21 bộ, ngành gần như chưa giải ngân được kế hoạch vốn, tỷ lệ giải ngân đạt dưới 1%. Ðể thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong ba quý còn lại của năm nay, Bộ Tài chính kiến nghị các bộ, ngành T.Ư, địa phương, chủ đầu tư, ban quản lý DA khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, giao hết kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2020 ngay trong quý I theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Thường xuyên kiểm tra, có biện pháp tháo gỡ khó khăn, bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình, dự án; tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công đối với các dự án quy mô lớn có tính chất lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết từng tháng cho các DA, làm cơ sở để điều hành kế hoạch giải ngân, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu giải ngân đúng thời gian quy định.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đối với tăng trưởng năm 2020, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư (KH và ÐT) đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung vào các nhóm giải pháp chủ yếu. Bao gồm: Ðẩy mạnh thi công xây dựng công trình kết hợp với các biện pháp bảo đảm an toàn cho người lao động theo đúng quy định về phòng, chống dịch Covid-19; ban hành kế hoạch và giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu thầu, đẩy nhanh tiến độ thi công; ban hành kế hoạch giải ngân cho từng chủ đầu tư và yêu cầu cam kết tiến độ giải ngân DA, trường hợp không đạt tiến độ cam kết sẽ xem xét điều chuyển vốn cho DA có tiến độ giải ngân tốt và cần bổ sung vốn… Ðáng lưu ý, Bộ KH và ÐT đề xuất các bộ, ngành, địa phương cần phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ từng DA để đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nảy sinh và kết quả giải ngân của DA sẽ là căn cứ chủ yếu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2020 của lãnh đạo được phân công theo dõi. Trường hợp kết quả giải ngân năm 2020 đạt dưới 100%, không xét thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ cho người đứng đầu, chủ đầu tư DA và các cá nhân liên quan. Tình hình giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách năm 2020 của các bộ, ngành, địa phương sẽ được Bộ KH và ÐT công khai trên cổng thông tin điện tử của Bộ và các phương tiện thông tin đại chúng…

Trong hơn 61.591 tỷ đồng vốn đầu tư công được giải ngân quý I-2020, vốn trong nước là hơn 58.596 tỷ đồng; vốn nước ngoài hơn 2.995 tỷ đồng. Cụ thể: Vốn giải ngân của các bộ, ngành là 10.735 tỷ đồng, đạt 9,94% kế hoạch Nhà nước giao; trong đó, vốn trong nước là 9.560 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 1.175 tỷ đồng. Vốn giải ngân của các địa phương là 50.855 tỷ đồng, đạt 14,02% kế hoạch Nhà nước giao; trong đó, vốn trong nước là 49.035 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 1.819 tỷ đồng.

(Nguồn: Bộ Tài chính)

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top