Kinh tếĐầu tư

Nậm Pồ xây dựng hệ thống giao thông cơ sở

10:00 - Thứ Sáu, 29/01/2021 Lượt xem: 55407 In bài viết

ĐBP - Nậm Pồ là huyện vùng sâu, vùng xa khu vực biên giới. Xác định vai trò quan trọng của hệ thống giao thông tuyến cơ sở trong phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, huyện Nậm Pồ đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây mới, sửa chữa, nâng cấp hệ thống cầu, đường giao thông từ huyện đến thôn, bản. Nhờ đó, hệ thống giao thông ngày càng được cứng hóa, đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân trên địa bàn.

Ðường giao thông nội bản được bê tông hóa, phục vụ nhu cầu đi lại, giao thương của người dân. Trong ảnh: Ðường giao thông nội bản Nà Bủng 1, xã Nà Bủng (huyện Nậm Pồ).

Thống kê của Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Nậm Pồ, hiện nay toàn huyện có 694,081km đường (đường huyện, xã và đường nội bản). Trong đó, 10km đường nhựa; 123,706km đường bê tông; 175,90km đường cấp phối; 384,475km đường đất. Tổng số cầu do huyện quản lý 38 cái (26 cầu treo, 12 cầu cứng). Những năm qua, huyện Nậm Pồ đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng triển khai nhiều dự án giao thông trọng điểm; các tuyến đường liên xã, đường nội bản nhằm khơi thông huyết mạch kinh tế, kết nối các vùng kinh tế trọng điểm trên địa bàn, tạo ra nhu cầu giao thương cho người dân. Ðây là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Bởi thực tế các tuyến đường được nâng cấp, mở rộng hoặc đầu tư mới ở khu vực bản, xã nào thì nơi đó sẽ phát triển nhanh chóng hơn. Ðáp ứng được nhu cầu thương mại, dịch vụ của người dân trên địa bàn. Tính riêng trong năm 2020, trên địa bàn huyện đã đầu tư nâng cấp, mở mới 41,87km đường giao thông. Ðiển hình như: Ðường bê tông bản Ðề Tinh đi bản Phìn Hồ, xã Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ (dài 8,663km, có tổng mức đầu tư 14,99 tỷ); 4 cầu cứng được bàn giao đưa vào sử dụng (gồm cầu bản Vàng Ðán, cầu bản Na Cô Sa 4, cầu bản Pá Kha, cầu bản Huổi Lụ 1 thuộc dự án LRAMP).

Ông Vàng A Phứ, người dân xã Si Pa Phìn chia sẻ: Ðường liên xã, đường nội bản được mở rộng, bê tông, mang lại nhiều thuận lợi cho người dân chúng tôi. Không còn cảnh đi đường lầy lội xe máy phải quấn xích, hay tích trữ nhu yếu phẩm, mỗi khi mùa mưa đến. Việc vận chuyển vật tư sản xuất nông nghiệp và vận chuyển nông sản được dễ dàng. Giá nông sản người dân bán ra cao hơn không bị tiểu thương ép giá. Ðặc biệt, đường xá thuận lợi tỷ lệ chuyên cần của học sinh ở bậc học mầm non, tiểu học cao hơn…

Những năm qua, hệ thống giao thông từ huyện đến cơ sở trên địa bàn Nậm Pồ ngày càng được hoàn thiện, cứng hóa phục vụ nhu cầu đi lại, vận tải hàng hóa của nhân dân trên địa bàn. Ðảm bảo 4 - 5 chuyến xe ô tô khách ra, vào huyện/ngày. Riêng năm 2020, khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 5.680.720 tấn (đạt 249,3% kế hoạch); khối lượng luân chuyển hành khách đạt 116.650 người (đạt 128,4% kế hoạch).

Trao đổi về công tác kiểm tra, nâng cấp, mở mới các tuyến giao thông trọng điểm trên địa bàn, Ông Chu Văn Sử, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Nậm Pồ cho biết: Hàng năm Phòng đều phối hợp với các đơn vị chuyên môn, UBND các xã  thường xuyên theo dõi, kiểm tra, tham mưu phương án khắc phục sửa chữa khi có tình huống sạt lở, tắc đường xảy ra để đảm bảo giao thông thông suốt. Chủ động tham mưu kế hoạch đảm bảo giao thông trước, trong và mùa mưa lũ hàng năm trên địa bàn huyện. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 2 công trình cầu cứng (thuộc dự án LRAMP) đang thi công (cầu Nà Mười, cầu Nộc Cốc); đường giao thông liên bản Vân Hồ - Long Dạo - Háng Dúng - Sân Bay, xã Si Pa Phìn, vùng tái định cư huyện Nậm Pồ đã có quyết định phê duyệt chủ trương (tổng chiều dài khoảng 7,64km với tổng mức đầu tư 21,5 tỷ đồng). Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng, các tuyến giao thông trọng điểm trên địa bàn huyện còn gặp phải những khó khăn, vướng mắc về nguồn vốn; công tác giải phóng mặt bằng. Ðịa bàn rộng, hệ thống giao thông ở một số xã còn yếu kém; nhất là tuyến đường từ huyện đến các xã Nà Khoa, Nậm Nhừ, Na Cô Sa, Nậm Tin còn là đường đất và cấp phối nên mùa mưa việc kiểm tra, khắc phục xử lý còn gặp rất nhiều khó khăn…

Bài, ảnh: Anh Nguyễn
Bình luận
Back To Top