Kinh tếĐầu tư

Thu hút đầu tư vào nông nghiệp

08:21 - Thứ Sáu, 05/11/2021 Lượt xem: 109853 In bài viết

ĐBP - Phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa là hướng đi đạt được nhiều kết quả tích cực trên địa bàn tỉnh thời gian qua nhờ những biện pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các dự án nông nghiệp nông thôn. Từ đó tạo ra gắn kết giữa sản xuất với thị trường, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Lãnh đạo UBND tỉnh kiểm tra mô hình cây ăn quả chất lượng cao do Doanh nghiệp Tư nhân xây dựng Quang Hà thực hiện tại xã Búng Lao, huyện Mường Ảng.

Khai thác lợi thế

Theo chủ trương kêu gọi thu hút đầu tư của huyện Mường Ảng, năm 2017 Doanh nghiệp Tư nhân xây dựng Quang Hà đã cam kết đầu tư trồng 217,5ha cây ăn quả công nghệ cao và 50ha rừng sản xuất với tổng mức đầu tư 80 tỷ đồng tại xã Búng Lao. Đến nay, dự án đã triển khai trồng trên 70ha cây ăn quả tại các bản: Huổi Cắm, Pá Sáng, Hồng Sọt. Năm 2019, Công ty Bùi Gia Phát Điện Biên ký cam kết hợp tác với huyện Mường Ảng phát triển 2.500ha cây ăn quả theo mô hình công nghệ cao tại các xã: Ẳng Tở, Búng Lao, Mường Lạn, Ngối Cáy với tổng mức đầu tư 1.250 tỷ đồng, trong đó 100% vốn nhà đầu tư. Ông Bùi Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Bùi Gia Phát Điện Biên cho biết: Ngay từ khi khảo sát, xây dựng dự án phát triển cây ăn quả theo mô hình công nghệ cao, Công ty đã được các cấp chính quyền huyện Mường Ảng tạo điều kiện, hỗ trợ về mọi mặt. Do vậy, chỉ sau thời gian ngắn, Công ty đã hoàn thành các bước để ký kết đầu tư 2.500ha cây ăn quả tại các xã và thời gian tới sẽ tiếp tục khảo sát địa điểm đặt nhà máy chế biến trên địa bàn huyện.

Đây là thành quả của Mường Ảng sau khi huyện từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay thế dần diện tích cà phê già cỗi kém hiệu quả bằng cây ăn quả và tiến tới hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh. Đặc biệt là việc quan tâm, chú trọng đến công tác xúc tiến đầu tư, thu hút các doanh nghiệp đầu tư, liên kết sản xuất nông nghiệp. Để hỗ trợ nông dân, nhà đầu tư trồng cây ăn quả theo chuỗi, huyện Mường Ảng quan tâm đầu tư các khâu chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường. Từ chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp của Trung ương và của tỉnh, huyện đã cụ thể thành nhiều chính sách phù hợp nhằm khuyến khích nhà đầu tư yên tâm đầu tư và đồng hành cùng người nông dân Mường Ảng.

Ông Bùi Mạnh Thắng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Với những nỗ lực xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh. Trong năm 2021, Điện Biên có thêm 2 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đến nay, đã có 21 chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ được xác nhận, tăng thêm 3 chuỗi liên kết so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động xúc tiến đầu tư tiếp tục được đẩy mạnh, tạo điều kiện để các tập đoàn lớn khảo sát, đề xuất đầu tư dự án lớn trong lĩnh vực nông nghiệp. Cụ thể là 7 dự án đã được tỉnh chấp thuận đầu tư trồng mắc ca với 24.046ha; trong đó đã trồng 3.112ha tại các huyện: Tuần Giáo, Điện Biên, Mường Nhé, Điện Biên Đông.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn

Để thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp, thời gian qua tỉnh ta đã triển khai nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính theo hướng chủ động phục vụ doanh nghiệp; tổ chức, triển khai thực hiện có hiệu quả theo Luật Doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; ưu tiên thu hút đầu tư phát triển chuỗi giá trị gắn với sản phẩm có lợi thế của địa phương. Qua đó góp phần quan trọng để thực hiện các mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Mặc dù vậy, hiện nay số lượng dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chưa nhiều; việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn và chuyển đổi diện tích cây trồng còn nhiều khó khăn. Ngoài ra, việc đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn có nhiều rủi ro bởi ảnh hưởng của thời tiết, dịch bệnh, giá cả nông sản không ổn định; một số hợp tác xã nông nghiệp quy mô nhỏ, chưa đủ nguồn lực để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc cung ứng, thu mua nông sản. Đơn cử như với Công ty TNHH Giống nông nghiệp Trường Hương Điện Biên (đội 1, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên). Năm 2018, sau khi được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Sản xuất lúa gạo Điện Biên theo chuỗi giá trị gia tăng, Công ty đã thực hiện Dự án và được UBND tỉnh đưa vào danh mục dự án khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh; được hỗ trợ máy móc, thiết bị, miễn giảm tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án, Công ty gặp khó khăn do chi phí lớn trong việc nghiên cứu phát triển giống lúa, thu mua thóc, gạo cho nông dân, việc tích tụ ruộng đất, cải tạo đồng ruộng và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản.

Ông Nguyễn Thanh Trường, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Giống nông nghiệp Trường Hương Điện Biên cho biết: Để thực hiện hiệu quả Dự án, Công ty đã đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan xem xét, hỗ trợ Công ty được thụ hưởng đầy đủ chính sách khuyến khích theo Quy định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường; tiếp cận, hỗ trợ tín dụng; hỗ trợ tập trung đất đai, nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, đầu tư cơ sở, bảo quản, chế biến nông sản.

Thời gian tới, tỉnh ta tiếp tục đẩy mạnh thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp; xây dựng nông thôn mới gắn với việc kiến tạo mạnh mẽ nền nông nghiệp hiện đại 4.0. Do đó cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, thân thiện, gỡ khó cho doanh nghiệp; đổi mới công tác quảng bá hình ảnh địa phương; chú trọng kêu gọi đầu tư, xúc tiến thương mại.

Bài, ảnh: Mai Phương
Bình luận
Back To Top