Xã hộiĐịa chỉ cần chia sẻ

Chăm lo đời sống người khuyết tật

00:00 - Thứ Tư, 20/05/2015 Lượt xem: 1461 In bài viết
ĐBP - Để thấu hiểu “gian khó” mà những mảnh đời bất hạnh phải gánh chịu từng ngày, chúng tôi cùng cán bộ Phòng Lao động - Thương binh & Xã hội huyện Mường Nhé ngược ngàn gần 6km đến thăm gia đình anh Hàng A Mua ở bản Nậm Pố 2, xã Mường Nhé. 

Anh Mua bị khuyết tật bẩm sinh (thiếu 2 tay từ khi mới lọt lòng mẹ) nên mọi sinh hoạt đều do người thân trong gia đình giúp đỡ. Năm 1998, anh xây dựng gia đình song trớ trêu thay, con thứ 2 của anh là Hàng Thị Dính cũng bị khuyết tật vận động bẩm sinh, đi lại rất khó khăn. Nhờ sự quan tâm của các cấp, các ngành và họ hàng thân thích, vợ chồng anh Mua cũng mở được cửa hàng tạp hóa nho nhỏ, cuộc sống đỡ khó nhọc hơn. Hàng ngày, bố con anh Mua chỉ quanh quẩn trong cái quán nhỏ, làm vài việc vặt của gia đình. Còn vợ anh lại gánh vác mọi việc là công to việc lớn. Thương vợ nhiều nhưng anh cũng chẳng biết làm sao.

Rời nhà anh Mua, chúng tôi đến thăm gia đình bà Mào Thị Én, bản Phiêng Kham, xã Mường Nhé cũng là người bị khuyết tật vận động nhiều năm. Bà Én, tâm sự: Giờ tuổi cao, sức yếu chẳng làm được việc gì lại thường xuyên ốm đau nên cuộc sống với bà khá vất vả. Nhất là khi trái gió trở trời, toàn thân bà đau nhức. Song may là có tiền trợ cấp dành cho người khuyết tật (NKT) là 360 nghìn/tháng nên bà cũng bớt nghĩ ngợi hơn. “Có ít dùng ít, còn hơn là phụ thuộc hoàn toàn người thân. Vừa khổ mình mà cũng khổ mọi người” – bà Én lầm rầm nói với chúng tôi.

 
Là người trực tiếp thực hiện các chế độ chính sách dành cho người khuyết tật nên ông Đỗ Thùy Giang, Phó Phòng Lao động - Thương binh & Xã hội huyện Mường Nhé, hiểu hơn ai hết những khó khăn, vất vả của những phận người kém may mắn như bà Én, anh Mua. Bởi vậy mà ông Giang thường xuyên nhắc nhở cán bộ cấp dưới mỗi khi được giao việc thực hiện chế độ chính sách dành cho NKT thì cần làm trách nhiệm, nhiệt tình. Như thế cũng là giúp NKT vơi đi thiệt thòi, khó khăn.

Nói thêm về công tác chăm sóc NKT của đơn vị, ông Đỗ Thùy Giang,  cho biết: Theo số liệu điều tra năm 2014, toàn huyện Mường Nhé có 156 NKT (trong đó, 122 đối tượng hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng; 34 đối tượng được cấp giấy chứng nhận khuyết tật). Hầu hết NKT trên địa bàn huyện là người dân tộc thiểu số, thuộc diện hộ nghèo không có điều kiện tiếp cận thông tin, dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Do vậy, với NKT ở Mường Nhé thì khó khăn hơn bội phần.

Để giúp NKT vượt qua mặc cảm, tự tin vào cuộc sống, hòa nhập với cộng động, những năm qua, Phòng Lao động - Thương binh & Xã hội huyện đã chủ động tham mưu cho UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện việc trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng đối với NKT theo đúng quy định; thường xuyên tuyên truyền về Luật NKT thông qua hội nghị, hội thảo và phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, hỗ trợ 100% NKT tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe; khám sàng lọc trước sinh nhằm phát hiện, giảm thiểu trẻ bị khuyết tật bẩm sinh, rối loạn phát triển...

Riêng năm 2014, Phòng Lao động - Thương binh & Xã hội huyện phối hợp với Quỹ Bảo trợ trẻ em, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tổ chức khám sàng lọc cho 113 trẻ khuyết tật bẩm sinh; phẫu thuật chỉnh hình cho 48 trẻ. Phòng Lao động - Thương binh & Xã hội huyện đặc biệt chú trọng công tác đào tạo nghề cho NKT, giúp NKT tìm việc làm phù hợp với sức khỏe và có thu nhập ổn định.

Hồng Phúc
Bình luận
Back To Top