Xã hộiĐịa chỉ cần chia sẻ

Tuổi thơ em về đâu?

09:19 - Thứ Năm, 23/04/2020 Lượt xem: 260267 In bài viết

ĐBP - Tôi đã từng gặp nhiều cảnh đời thậm khổ. Nhưng ám ảnh nhất là những đứa trẻ sinh ra trong những “gia đình ma túy”. Hầu hết các em phải tự bươn chải mưu sinh từ khi còn rất nhỏ, chịu cảnh đói cơm rách áo. Trong khi cha, mẹ các em mải miết trong làn khói phù dung, những chuyến hàng ma túy hoặc đã mất, bỏ mặc con thơ với bao tủi hờn.

Bữa cơm chiều của anh em Giàng A Hờ, bản Huổi Hốc, xã Nậm Kè (huyện Mường Nhé).

Anh em Giàng A Hờ, bản Huổi Hốc, xã Nậm Kè (huyện Mường Nhé) tuy còn mẹ, nhưng lại phải sống lay lắt, tự bươn chải mưu sinh. Bố mất cách đây 8 năm vì nghiện ma túy, năm 2015 mẹ đi lấy chồng khác, bỏ mặc anh em Hờ giữa cuộc đời rộng lớn với bao cực nhọc, tủi hờn. Hờ bất đắc dĩ trở thành trụ cột của gia đình khi mới ở tuổi 12. Hờ phải nghỉ học kể từ đó, các em còn nhỏ dại, Hờ lớn hơn nên mọi sinh hoạt, cơm nước trong nhà em đều phải lo toan. Mỗi sáng thức dậy Hờ lại đi nương với cái bụng đói. Có lần trở về nhà khi trời đã sẩm tối, các em đói, khóc vì trong nhà không còn gạo để nấu cơm, cái dạ dày của Hờ cũng réo lên vì từ sáng chưa có gì bỏ vào bụng. Ðói kèm với rét, Hờ lủi thủi dẫn em ra đầu bản ngóng mẹ về. Thế nhưng, kể từ ngày đi, mẹ chưa bao giờ về, hay một lời nhắn nhủ hỏi han đến các con!

Khi được hỏi mong muốn lớn nhất là điều gì? Hờ bần thần trả lời rằng: Mong ngày tết có ít tiền mua thịt và quần áo mới cho các em. “Cuối năm vừa rồi cháu đi làm phụ hồ ở Tuần Châu, Quảng Ninh được người ta trả công hơn 2 triệu đồng. Về nhà ăn tết cháu mua cho các em mỗi đứa một bộ quần áo mới, hết gần 1 triệu đồng, còn lại là tiền sắm tết của mấy anh em!” - Giàng A Hờ kể lại.

Lò Văn K., bản Thanh Xuân, xã Pom Lót (huyện Ðiện Biên) là con út trong gia đình có 3 chị em. Thời gian K. được ở bên bố mẹ rất ít, vì cả hai người đều nghiện ma túy và có “thâm niên” ngồi tù từ nhiều năm. Ba chị em K. chủ yếu tự xoay xở, chăm lóc lẫn nhau. Chị gái K. mắc bệnh hiểm nghèo, do không có tiền để chữa trị nên qua đời khi vừa tròn 16 tuổi. Mấy năm sau, anh trai của K. tiếp tục đi theo vết xe đổ của bố mẹ và chết vì HIV/AIDS. Một mình K. đơn độc, mưu sinh đợi ngày bố mẹ trở về. Ngày gia đình đoàn tụ rồi cũng đến khi bố mẹ K. chấp hành xong án phạt tù. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, một thời gian sau, bố mẹ K. lại bị bắt về tội mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy. Thêm một lần nữa K. bơ vơ, em học hết lớp 11 rồi nghỉ vì không có khả năng để học tiếp.

Câu chuyện của những đứa trẻ sinh ra từ những gia đình có người thân nghiện ma túy luôn để lại cho chúng ta những nỗi niềm xót xa, cay đắng. Tuổi thơ các em sẽ đi về đâu khi mà các em bị bỏ rơi bởi chính những bậc sinh thành?

Mặc dù những năm qua, công tác chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được các cấp, ngành, đoàn thể đặc biệt quan tâm, giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần. Nhất là từ khi thực hiện Ðề án “Chăm sóc trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, nhiễm HIV/AIDS, trẻ em là nạn nhân của chất độc hóa học, khuyết tật nặng và bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa dựa vào cộng đồng, giai đoạn 2013 - 2020 tỉnh Ðiện Biên”, nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh khó khăn, có nguy cơ bị tổn hại được phát hiện sớm, nhận được sự trợ giúp, chăm sóc kịp thời từ các tổ chức đoàn thể trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, sự trợ giúp nào cũng không thể bằng sự sát sao, chăm sóc con cái của cha mẹ. Bởi môi trường giáo dưỡng của gia đình là nền tảng để mỗi trẻ em hình thành nhân cách tốt cho một xã hội tươi đẹp.

Tú Anh
Bình luận
Back To Top