Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong nỗ lực để du lịch Điện Biên “cất cánh”

08:29 - Thứ Sáu, 08/07/2016 Lượt xem: 3426 In bài viết

ĐBP - Điện Biên có nhiều di tích lịch sử nổi tiếng, danh lam thắng cảnh đẹp, địa chất, địa mạo độc đáo… là lợi thế để phát triển các loại hình du lịch. Tuy nhiên, ngành công nghiệp “không khói” nhiều tiềm năng này vẫn phát triển chưa tương xứng. Có nhiều nguyên nhân khiến du lịch Điện Biên chưa thực sự “cất cánh”, trong đó có nguyên nhân nguồn nhân lực làm du lịch còn thiếu và yếu.

Những năm gần đây, đặc biệt từ giai đoạn 2013 - 2016, không thể phủ nhận những nỗ lực của tỉnh, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhằm đưa du lịch Điện Biên có những bước phát triển tích cực. Các khu, điểm di tích lịch sử được trùng tu, tôn tạo; thiết chế văn hóa phục hồi, cơ sở lưu trú được quan tâm, đầu tư xây dựng… Lượng khách, doanh thu tăng đều theo từng năm (đến năm 2015, Điện Biên đón trên 420.000 lượt khách, tổng doanh thu đạt 550 tỷ đồng, tăng gần 3,7 lần so với năm 2010). 

 

Hướng dẫn viên du lịch thuyết minh cho du khách tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Ảnh: Đức Linh

Năm 2016, toàn tỉnh có hơn 120 cơ sở lưu trú du lịch với trên 1.750 buồng, trong đó có 1 khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 sao, 2 khách sạn 3 sao, 12 khách sạn từ 1 - 2 sao, trên 50 cơ sở đạt tiêu chuẩn nhà nghỉ phục vụ khách du lịch. Công suất sử dụng buồng, phòng trong 6 tháng đầu năm đạt khoảng 70 - 80%; số ngày lưu trú bình quân của khách đạt 2,2 ngày. 6 tháng đầu năm, lượng khách du lịch đến Điện Biên ước đạt 251.100 lượt người, đạt 55,8% so với kế hoạch, tăng 0,44% so với cùng kỳ năm 2015; trong đó khách quốc tế ước đạt 46.411 lượt, tăng 0,9%. Tổng thu từ hoạt động du lịch trong 6 tháng đầu năm đạt 332,4 tỷ đồng, đạt 47,5% so với kế hoạch năm, tăng 10,9%.

Ông Phạm Văn Thăng, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cho biết: Toàn tỉnh hiện có 4 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, trong đó, 3 doanh nghiệp được Tổng cục Du lịch cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế và 1 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa. Công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch luôn được quan tâm và coi là nhiệm vụ quan trọng. Trong 6 tháng đầu năm, Sở đã cử cán bộ công chức tham gia đầy đủ các khóa tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ do Tổng cục Du lịch và các đơn vị trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Đặc biệt vừa qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 23/5/2016 về phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Nghị quyết 03). Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Điện Biên, có tính chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất tương đối đồng bộ, sản phẩm du lịch có chất lượng mang đậm bản sắc văn hoá các dân tộc trong tỉnh. Góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng hiện đại trên cơ sở khai thác phát triển du lịch lịch sử, văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng và du lịch cộng đồng. Ngành chuyên môn tập trung đầu tư một số khu, tuyến, điểm du lịch trọng điểm, tạo ra những sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, có sức cạnh tranh. Khuyến khích mở rộng liên doanh, liên kết hình thành các tuyến du lịch trong nước, quốc tế qua Điện Biên.

Nguồn nhân lực làm du lịch của tỉnh thời gian qua bị đánh giá “vừa thiếu, vừa yếu”. Trách nhiệm quản lý du lịch thuộc về cơ quan quản lý Nhà nước nhưng tác nhân chính đưa dịch vụ du lịch phát triển lại thuộc về các thành phần kinh tế trực tiếp tham gia, cụ thể là việc xã hội hóa du lịch. Để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và chất lượng nguồn nhân lực làm du lịch, tỉnh cần rà soát, điều chỉnh, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực này. Trước mắt, chúng ta cần xây dựng và đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế đặc thù khuyến khích các tập đoàn, tổng công ty, nhà đầu tư lớn phát triển các dự án du lịch cao cấp tại Khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính theo hướng giảm các thủ tục không cần thiết, rút ngắn thời gian thẩm định, cấp phép, phê duyệt dự án đầu tư. Từ đó, tạo môi trường pháp lý thuận lợi, thông thoáng, công khai, minh bạch, để thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch. Cơ chế hỗ trợ về đất đai, tín dụng, đào tạo nguồn nhân lực, khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng cũng cần triển khai đồng bộ, hiệu quả. Đội ngũ làm công tác quảng bá cũng rất quan trọng, trong dự thảo Chương trình thực hiện Nghị quyết 03, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng nội dung thành lập Câu lạc bộ Phóng viên du lịch trực thuộc Hội Nhà báo tỉnh để tăng cường thông tin tuyên truyền về hoạt động du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng, từ đó quảng bá rộng rãi thương hiệu du lịch Điện Biên.

Phạm Dương
Bình luận
Back To Top