Đất nước - Con người

Nam Ô, rừng cấm ít người biết tới

14:44 - Thứ Năm, 14/07/2016 Lượt xem: 2733 In bài viết
ĐBP - Nam Ô là một ngôi làng cổ có truyền thống lâu đời nằm ở cửa sông Cu Đê, thuộc quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Ở đây có nhiều thứ độc đáo và huyền bí như chính khu rừng cấm bao năm che chở cho làng với nhiều câu chuyện lịch sử và kể cả những chuyện nhuốm màu huyền bí, thôi thúc nhiều người tìm đến.

Nam Ô nổi tiếng với một khu rừng mà được người dân địa phương gọi là rừng cấm. Tương truyền đây là nơi trú ẩn cuối cùng của Huyền Trân Công chúa trong cuộc đào thoát khỏi Chiêm Thành vào đầu thế kỷ thứ XIV. Về sau ở nơi bấy dân làng Nam Ô đã dựng một ngôi miếu thờ. Sau bao năm nơi miếu thiêng nay chỉ là phế tích.

Khu rừng cấm Nam Ô (hay còn gọi là rú cấm) nằm ở ven biển, bên cạnh những gềnh đá. Để vào trong rừng cấm phải đi ven theo bãi cát, qua thuyền thúng, câu lưới của bà con ngư dân. Nơi đây vẫn giữ được được vẻ nguyên sinh với màu xanh bất tận. Qua hết doi cát bỏng rát dưới ánh nắng mặt trời là đến khu rừng, cảm giác nóng bức tan biến thay vì bóng cây râm mát, dưới chân là những lớp lá mục và những thân cây già cỗi bám chặt rêu xanh. Rừng cấm Nam Ô không có nhiều cây lớn nhưng ấn tượng với vẻ kỳ bí, thiêng liêng của những thân cây với hình thù lạ, dễ dài bò chằng chịt trên mặt đất. Càng đi sâu vào trong khu rừng, càng râm mát. Đường mòn trong rừng quanh co nhiều lối rẽ, nhưng khi đi đến phía Nam rừng, sẽ thấy hai phế tích rêu xanh phủ kín còn nằm lại dưới những tán cây. Nằm sâu phía trong là miếu bà “Chúa Tiên thần nữ”, tương truyền là vị nữ thần bảo hộ dân làng từ thời các chúa Nguyễn thế kỷ XVI, XVII. Còn phía ngoài là miếu vọng công chúa Huyền Trân được dựng từ vài trăm năm trước. Miếu thờ vọng Công chúa Huyền Trân gắn với sự tích trận chiến xảy ra cách đây hơn 700 năm và được các nhà sử học xác định như một thời đi mở cõi của ông cha ta.

Theo dã sử làng Nam Ô, Huyền Trân Công chúa về làm vợ vua Chiêm Thành hơn một năm thì vua chết. Theo tục lệ của người Chiêm bấy giờ “Vua chết, hậu phải chết theo”, nhưng do Công chúa đang mang thai nên việc hỏa thiêu được dời lại. Lo sợ Huyền Trân Công chúa sẽ phải hỏa thiêu theo chồng bởi tập tục người của Chiêm Thành. Vua Trần Anh Tông mới sai Nhập nội hành khiển Thượng thu tả bộc Trần Khắc Chung và An phủ sứ Đặng Vân cùng quân lính vào kinh đô Đồ Bàn của Chiêm Thành (vùng Bình Định ngày nay) cứu Công chúa Huyền Trân. Quan quân nhà Trần khi đến Đồ Bàn thì vào viếng vua Chế Mân và nói với người Chiêm Thành rằng, ra bờ biển làm đàn cho Huyền Trân Công chúa bái vọng quê hương, rồi sau đó lên giàn hỏa thiêu cũng chưa muộn. Khi ra đến bờ biển thì đưa Huyền Trân Công chúa lên trốn khỏi Đồ Bàn. Chiêm Thành thấy hoàng hậu của mình bị cướp, cho quân tướng đuổi theo. Nhiều cuộc giao tranh đã xảy ra trên đường. Khi đến vùng Nam Ô, một viên tùy tướng và nhiều binh lính đã ở lại chặn đường quân Chiêm Thành để Huyền Trân Công chúa lên thuyền về lại Đại Việt. Tương truyền, khu rừng cấm Nam Ô chính là nơi dừng chân, trú ngụ cuối cùng của Huyền Trân Công chúa trước. Giờ đây dân gian trong vùng vẫn lưu truyền câu chuyện về tấm gương trung liệt của người võ tướng, tấm lòng tri ân, ghi nhớ công đức với dân làng của nàng công chúa đất Việt.

Rừng cấm Nam Ô trước đây là một cấm địa, cấm chặt cây và lấy các lâm sản. Nhiều người còn coi đây là khu rừng linh thiêng không ai được xâm phạm, gỗ chỉ được lấy để xây dựng đền, chùa, miếu. Có nhiều câu chuyện tương truyền về những người đã cố ý vào khu rừng cấm chặt cây để xây dựng các công trình nhà cửa nhưng về sau bị đột tử. Và cũng từng có những nhóm người rủ nhau vào rừng chặt cây và không lâu sau đó đều gặp chuyện chẳng lành. Đây cũng là lý do vì sao trước đây rừng Nam Ô lúc nào cũng xanh tốt, rậm rạp với nhiêu cây cổ thụ. Điều này vô cùng hiếm với những cánh rừng gần khu dân cư sinh sống.

A.B (tổng hợp)
Bình luận
Back To Top