Hoạt động du lịch cần được quan tâm hơn nữa

09:21 - Thứ Năm, 28/07/2016 Lượt xem: 2792 In bài viết
ĐBP - Thấm thoát đã hơn sáu thập niên, kể từ thời khắc lịch sử lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” của Hồ Chủ tịch tung bay trên nóc hầm Đờcát. 62 năm “sao dời vật đổi”, Điện Biên tự hào đi lên bằng ý chí bất khuất như ngọn Pú Hồng không biết cúi đầu. Từ trong đau thương mất mát, có một Điện Biên đang từng bước phát huy nội lực, nhất là những tiềm năng, thế mạnh về du lịch nói riêng và các dịch vụ du lịch nói chung...

Từ trong đau thương mất mát, có một Điện Biên đang từng bước phát huy nội lực, nhất là những tiềm năng, thế mạnh về du lịch nói riêng và các dịch vụ du lịch nói chung...

 
Như các đồng chí lãnh đạo khác, tháng 7 là “tháng tri ân” nên đồng chí Lê Văn Quý - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - rất bận. Tuy vậy, ông vẫn dành cho tôi một cuộc hẹn dẫu thời lượng không được nhiều. Tại trụ sở UBND tỉnh, câu chuyện của chúng tôi xoay quanh nội dung Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII, diễn ra cuối tháng 4/2016; mà “điểm nhấn” là phấn đấu đưa Điện Biên trở thành một trong những trung tâm du lịch trọng điểm của khu vực trung du và miền núi Bắc Bộ vào năm 2020; xây dựng khu du lịch Điện Biên Phủ - Pá Khoang thành khu du lịch trọng điểm quốc gia, có thương hiệu và sức cạnh tranh cao.

 

Trong quần thể di tích quốc gia chiến dịch Điện Biên Phủ, thì Nghĩa trang A1 là một trong những điểm thu hút nhiều khách du lịch.

Về tương lai phát triển của tỉnh Điện Biên nói chung và TP. Điện Biên Phủ nói riêng, chắc rằng cán bộ, chiến sỹ và nhân dân Điện Biên chưa ai quên phát biểu chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ - tại đêm khai mạc “Lễ hội Hoa ban năm 2016” (13/3/2016), khi Thủ tướng nhấn mạnh: “Với nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng cùng với định hướng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trong mũi nhọn của tỉnh; nhân buổi lễ hôm nay tôi đề nghị các bộ, ngành, địa phương cùng phối hợp với tỉnh Điện Biên xây dựng các chương trình, kế hoạch, nội dung hợp tác và tổ chức triển khai thực hiện tốt, hiệu quả để cùng với tỉnh Điện Biên đưa các hoạt động trong lĩnh vực du lịch phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế của Điện Biên, qua đó góp phần xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân. Đây chính là việc làm tri ân các anh hùng, liệt sỹ đã ngã xuống mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng”.

Quan điểm của bà Vũ Thị Tuyết Nga - Phó Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - cho rằng trong thời đại hội nhập và phát triển, Điện Biên trở thành một trong những số ít tỉnh thành trong cả nước có hệ thống các di tích lịch sử cách mạng, văn hóa đa dạng, nổi bật là Quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ... Đây chính là tiềm năng du lịch lớn mà không phải bất cứ nơi nào cũng có được. Với những lợi thế đó, trong những năm qua được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, ta đã tôn tạo được hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa quy mô và tầm cỡ, thu hút được đông đảo khách du lịch đến với Điện Biên, là nền tảng để phát triển du lịch. Tiếp tục công cuộc đó, từ nay đến năm 2020, một bản quy hoạch tổng thể về phát triển du lịch Điện Biên Phủ đang được hình thành. Theo đó, ngoài việc đầu tư tôn tạo các điểm di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh, tạo nên hệ thống di sản văn hóa phong phú, đa dạng, công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về Điện Biên Phủ cũng như đón tiếp du khách khi đến tham quan, hay nói cách khác hoạt động du lịch của tỉnh phải được đặt lên hàng đầu. Một trong những công tác đó là nâng cao chất lượng đội ngũ thuyết minh viên phục vụ khách du lịch nói chung và đặc biệt tại các điểm di tích lịch sử là việc làm cần thiết và cấp bách để góp phần phát triển du lịch Điện Biên tương xứng với tiềm năng du lịch vô cùng phong phú của địa phương.

Theo quy chế của Tổng cục Du lịch Việt Nam phân biệt rõ: “Hướng dẫn viên du lịch là những cán bộ chuyên môn, làm việc cho các doanh nghiệp lữ hành (bao gồm các doanh nghiệp có chức năng kinh doanh lữ hành) thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn khách tham quan theo chương trình du lịch đã được kí kết”. Theo Luật Du lịch Việt Nam: “Thuyết minh viên là người thuyết minh tại chỗ cho khách du lịch trong phạm vi khu du lịch, điểm du lịch”. Như vậy có thể hiểu nhiệm vụ của thuyết minh viên phải là những người có kiến thức chuyên sâu về khu du lịch, điểm du lịch được giao quản lý. Họ là những người làm công tác thuyết minh, hướng dẫn giới thiệu tuyên truyền - giáo dục tại các điểm di tích lịch sử văn hóa, các khu bảo tồn thiên nhiên, các bảo tàng...

 

Thuyết minh viên đang thuyết minh cho khách du lịch, trong Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Được biết hiện nay cả nước có hơn 100 khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, gần 5.000 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 3.200 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 72 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 127 bảo tàng, 13 di sản thế giới... điều đó đồng nghĩa với việc có hàng chục ngàn thuyết minh viên đã và đang hoạt động tại các điểm du lịch, các bảo tàng, khu di tích. Đội ngũ này đang âm thầm đóng góp công sức, trí tuệ của mình nhằm mục đích phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, giới thiệu với du khách trong nước và bạn bè quốc tế về những nét đẹp của đất nước và con người Việt Nam, đồng thời góp phần thúc đẩy du lịch Việt Nam ngày càng phát triển.

Đối với đội ngũ thuyết minh viên của Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đơn vị quản lý và phát huy giá trị của di tích chiến trường Điện Biên Phủ - di tích cấp quốc gia đặc biệt, đòi hỏi thuyết minh, hướng dẫn viên phải là những người có kiến thức sâu rộng, đa dạng về cuộc kháng chiến chống Pháp, đặc biệt là những nội dung có liên quan đến chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Để phục vụ tốt nhất nhiều đối tượng khách khác nhau, các thuyết minh, hướng dẫn viên cần phải có khả năng nhạy cảm nắm bắt về nhu cầu khách du lịch, từ đó phân nhóm người nghe và có kỹ năng điều chỉnh nội dung thuyết minh, phù hợp với nhu cầu và thời gian của từng đối tượng khác nhau. Ngoài ra, các thuyết minh, hướng dẫn viên phải am hiểu về mảnh đất, con người Điện Biên để có thể truyền tải cho khách tham quan những kiến thức lịch sử, những đặc trưng văn hóa - xã hội, đáp ứng nhu cầu tham quan, hưởng thụ văn hóa của du khách khi đến với Điện Biên. Hơn thế nữa, với nhiều thuyết minh, hướng dẫn viên, đó là lòng yêu ngành, yêu nghề, muốn được phục vụ và cống hiến nhiều hơn nữa cho du lịch Điện Biên nói riêng, cho quê hương Điện Biên nói chung.

Cũng theo bà Vũ Thị Tuyết Nga, nhiều năm qua quan niệm của không ít người chúng ta là công tác quản lý và công tác thuyết minh tuyên truyền mới chú trọng về phục vụ mục đích chính trị, chưa gắn kết với hoạt động du lịch, chưa xác định đúng vai trò của người hướng dẫn du lịch, thuyết minh tuyên truyền, là cầu nối đưa nội dung trưng bày, giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của các di tích, di sản đến với công chúng và du khách. Do đó, việc nghiên cứu, xây dựng chương trình tham quan và những biện pháp thu hút khách tham quan chưa thành hệ thống. Chưa có sự kết hợp giữa các cơ sở kinh doanh du lịch với những đơn vị quản lý hệ thống di tích, di sản để xây dựng những tour du lịch về Điện Biên Phủ với nhiều loại hình, chủ đề khác nhau.

Mặt khác, do sự kiện chiến thắng Điện Biên Phủ đã trải qua thời gian khá dài (trên 62 năm) các nhân chứng lịch sử tuổi đã cao, việc sưu tầm, lưu giữ những tư liệu lịch sử những năm qua chưa được quan tâm đúng mức. Vì vậy, những thông tin chính thống liên quan đến di tích còn thiếu rất nhiều và chưa khoa học; ngay những thông tin đã thu thập được cũng không lấy gì đảm bảo tất cả đều chân xác 100%, do đó ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng thuyết minh, sức hấp dẫn của hoạt động thuyết minh. Ngoài ra, hệ thống các danh lam thắng cảnh, kho tàng di sản văn hóa dân gian vật thể và phi vật thể của 19 dân tộc, cùng với các tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng của địa phương... chưa được điều tra, nghiên cứu, khai thác để trở thành những tài liệu chính thống có thể xuất bản thành các ấn phẩm, các tập gấp, tờ rơi, phục vụ cho hoạt động du lịch...

Bài, ảnh: Thu Loan
Bình luận
Back To Top