Vài suy nghĩ về công tác tuyên truyền tiềm năng du lịch địa phương

09:18 - Thứ Năm, 23/03/2017 Lượt xem: 4941 In bài viết
ĐBP - Theo Báo cáo của ngành chức năng, đến cuối năm 2016 Điện Biên đã xếp hạng bổ sung 23 điểm di tích thành phần của quần thể Di tích cấp quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ; xếp hạng thêm 9 di tích, trong đó có 5 di tích cấp quốc gia và 4 di tích cấp tỉnh...

Bên cạnh các di tích lịch sử (DTLS), nhiều di tích cấp quốc gia về văn hóa và kiến trúc đã được trùng tu, tôn tạo như: Di tích tháp Mường Luân, thành Sam Mứn, tháp Chiềng Sơ. Công tác điều tra khảo cổ học trên địa bàn tỉnh cũng được chú trọng, quan tâm; công tác sưu tầm hiện vật, cổ vật được tổ chức với nhiều hình thức linh hoạt, năng động và hiệu quả. Bên cạnh đó, đã hoàn thành tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh với 16/19 dân tộc, đánh giá hiện trạng văn hóa phi vật thể đạt 80,4% vượt 30,4% so với mục tiêu Đề án (mục tiêu Đề án 50%). Cùng với đó, đã lập được 10 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể của 4 dân tộc (đạt 21%), trong đó có 9/10 hồ sơ di sản đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và 1 hồ sơ di sản trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Toàn tỉnh đã có 14 lễ hội dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng của các dân tộc thiểu số được sưu tầm, nghiên cứu, tư liệu hóa, nhiều lễ hội, di sản văn hóa được phục dựng và từng bước phát huy giá trị. Công tác bảo tồn tiếng nói của dân tộc ít người và chữ viết của những dân tộc có chữ viết riêng, được chú trọng thể hiện qua việc mở lớp truyền dạy thường xuyên, cho nhiều đối tượng theo học và trên diện rộng. Đã hoàn thành công tác kiểm kê toàn diện dân tộc Cống và dân tộc Si La, đạt 100% mục tiêu Đề án đề ra; bước đầu nghiên cứu phục dựng, bảo tồn một số lễ hội và phong tục tập quán các dân tộc này.

 

Sau mấy năm phục dựng, Lễ hội Đua thuyền đuôi én ở thị xã Mường Lay đang dần định hình với ý nghĩa một di sản văn hóa phi vật thể.

Trong quá trình thực hiện việc tuyên truyền tiềm năng du lịch địa phương trên báo Đảng, Báo Điện Biên Phủ luôn bám sát các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, mới đây nhất là Kết luận số 01-KL/TU, ngày 20/5/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 20/12/2012 của BCH Đảng bộ tỉnh (khóa XII) về Chương trình Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 để đẩy mạnh công tác tuyên truyền tiềm năng du lịch của tỉnh trên các ấn phẩm. Quán triệt Nghị quyết TW5 (khóa VIII), nhiều năm qua tỉnh Điện Biên tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trùng tu tôn tạo các DTLS để mãi mãi trường tồn cùng với thời gian. Nghị quyết chuyên đề số 08/NQ-TU ngày 7/3/2007, của Ban Chấp hành Tỉnh ủy, nêu rõ: “Đầu tư tôn tạo, nâng cấp hệ thống DTLS cách mạng, trọng tâm là DTLS Điện Biên Phủ; hệ thống các DTLS - văn hóa bổ trợ cho quần thể DTLS Điện Biên Phủ như đền Hoàng Công Chất, thành Bản Phủ, thành Tam Vạn... xây dựng mô hình một số bản văn hóa gắn với khu du lịch sinh thái hoặc khu du lịch lịch sử”.

Như chúng ta đều biết, DTLS Điện Biên Phủ chưa cần quảng bá nhiều mà tiếng thơm đã vang khắp năm châu, bốn bể. Nói cách khác, lịch sử chống xâm lăng của dân tộc đã có nhã ý dành riêng cho Điện Biên một quần thể DTLS độc nhất vô nhị, giá trị của nó không thể cân đong đo đếm bằng những đại lượng thông thường. Xét theo nghĩa ấy, có thể nói quần thể DTLS Điện Biên giống như của để dành, là “báu vật” mà thế hệ trước chuyển giao lại, là khối tài sản càng sử dụng lại càng sinh lợi. Nhiều năm qua, cùng với những tin bài tuyên truyền về tiềm năng thế mạnh du lịch của tỉnh, cổ vũ các điển hình tập thể cũng như cá nhân trong công tác phát huy giá trị văn hóa, lịch sử cho chủ trương phát triển du lịch, Báo Điện Biên Phủ từng đăng tải nhiều bài cảnh báo hiện tượng xâm hại, ý thức bảo vệ DTLS vào lúc này lúc khác, ở nơi nọ nơi kia còn chưa tốt, chưa nghiêm. Một số bài báo lên tiếng phản ánh vụ xâm hại di tích đồi E; rác thải ô nhiễm môi trường đồi A1; hư hỏng một số lán, dụng cụ phụ trợ tại khu DTLS Mường Phăng; vấn đề xuống cấp của Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ (trước khi xây mới như hiện nay) và cả Bảo tàng Dân tộc tỉnh... đồng thời góp bàn xây dựng ý thức cộng đồng và công tác quản lý bảo vệ DTLS; sự phối hợp giữa các ngành, các địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ còn hạn chế; việc gắn kết du lịch với khai thác các DTLS, danh lam thắng cảnh, lễ hội dân gian, làng nghề truyền thống chưa thường xuyên. Từ những nội dung đa chiều, khách quan và kịp thời, Báo Điện Biên Phủ thực sự là kênh thông tin giúp cơ quan quản lý xây dựng phương án bảo vệ, nội quy, quy chế... trong việc giữ gìn, phát huy, khai thác phát triển kinh tế du lịch thông qua các DTLS. Ngoài ra còn nhiều bài viết phản ánh ý kiến các nhà chuyên môn, của đông đảo quần chúng, bạn đọc xung quanh việc quản lý, bảo vệ DTLS, bảo vệ các công trình văn hóa, các danh lam thắng cảnh tự nhiên...

Từ thực tiễn cùng Ban Biên tập chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền truyền thống, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa (vật thể và phi vật thể), các danh lam thắng cảnh và các DTLS trên Báo Điện Biên Phủ, rút ra một số kinh nghiệm: Trước hết, tập thể cán bộ, phóng viên mà đầu tàu là Ban Biên tập phải nắm bắt kịp thời, đầy đủ, chính xác các chủ trương của Đảng, Nhà nước, của tỉnh từ đó có kế hoạch tuyên truyền cụ thể cho mỗi số báo, mỗi sự kiện. Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền trên các ấn phẩm, nhất là báo điện tử, để bạn đọc hiểu rõ hơn về giá trị văn hóa, lịch sử vật thể và phi vật thể các di tích ở Điện Biên. Qua đó giúp bạn đọc quan tâm hơn, yêu thích hơn, muốn đến tận nơi chiêm ngưỡng, khám phá những di tích lịch sử - văn hóa của địa phương. Trong những năm qua, báo chí góp phần quan trọng tuyên truyền truyền thống, bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử trong thời kỳ hội nhập, tạo ra nguồn lực phát triển kinh tế du lịch. Điện Biên đang cùng cả nước hội nhập ngày một sâu nền kinh tế thế giới. Bởi vậy hơn lúc nào hết, báo chí cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, tuyên truyền, giới thiệu nhưng cũng cần nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, lòng tự tôn dân tộc. Hội nhập là cần thiết và rất quý, nhưng hội nhập mà quyết không thể bị hoà tan; hội nhập mà vẫn giữ được cốt cách của mình, những cái của riêng địa phương mình, của riêng đất nước mình.

Mặt khác, không chỉ tuyên truyền truyền thống mà báo chí tăng cường phản ánh công tác quản lý di sản văn hóa các dân tộc, nhất là hiệu quả triển khai thực hiện các đề tài, dự án, nguồn vốn đầu tư. Đẩy mạnh hơn nữa tuyên truyền giáo dục ý thức cộng đồng, bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc, góp phần kêu gọi đầu tư, hợp tác cả trong nghiên cứu, quản lý cũng như trong khai thác, sử dụng. Cần xem tờ báo là diễn đàn chung, bình đẳng của mọi tầng lớp nhân dân, ai cũng có thể nói lên tiếng nói của mình về công tác quản lý, bảo vệ các DTLS và các di sản văn hóa nói chung. Miễn rằng đó là những quan điểm tiến bộ, đúng mức, trong sáng và trên tinh thần xây dựng.

Mặc dù còn những mặt khó khăn, hạn chế do hoạt động trên địa bàn một tỉnh miền núi nghèo, xa các trung tâm văn hoá - xã hội thành thị, song những năm qua, Báo Điện Biên Phủ tự hào vì đã hoàn thành sứ mạng được Đảng giao phó, chính quyền tin cậy và nhân dân các dân tộc gửi gắm, đón đọc và cổ vũ. Ban Biên tập Báo Điện Biên Phủ rất mong được các cơ quan báo Đảng các tỉnh cũng như các cơ quan báo chí trong cả nước quan tâm, góp thêm tiếng nói, để DTLS Điện Biên Phủ có thêm cơ hội được quảng bá và như vậy, có nghĩa là giá trị của khu di tích được nâng lên hơn nữa, xứng đáng với sự hy sinh của cha anh chúng ta và xứng đáng với tầm cao chiến thắng hơn nữa.

Sau hơn 30 năm đồng hành cùng công cuộc đổi mới của tỉnh, Báo Điện Biên Phủ đã có những bước trưởng thành nhanh chóng về mọi mặt; luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đặc biệt của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh; sự phối hợp nhịp nhàng và hiệu quả của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, của Sở Thông tin - Truyền thông cũng như sự giúp đỡ, động viên, góp ý thường xuyên của các cơ quan chính quyền, đoàn thể, tổ chức cùng các ngành, các cấp và bạn đọc trong, ngoài tỉnh. Đáp lại sự quan tâm và kỳ vọng đó, mỗi thành viên Báo Điện Biên Phủ càng ý thức hơn về trách nhiệm nhà báo và nghĩa vụ công dân của mình; nghiêm túc khắc phục những yếu kém, không ngừng trau dồi kinh nghiệm báo chí, nhất là kinh nghiệm tuyên truyền giới thiệu tiềm năng du lịch địa phương, như mục đích mà chúng tôi đặt ra trong bài báo này...

Bài, ảnh: Trần Văn Toại
Bình luận
Back To Top