Nhân ngày Thế giới đa dạng văn hóa phục vụ đối thoại và phát triển (21/5)

Lấy văn hóa làm “nguyên liệu” để phát triển du lịch

09:37 - Thứ Năm, 18/05/2017 Lượt xem: 5371 In bài viết
ĐBP - Phát triển du lịch và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc hiện đang là 2 chủ trương lớn của tỉnh. Với các điều kiện thuận lợi hiện có, huyện Điện Biên đã tiên phong sáng tạo trong việc khéo léo kết hợp 2 chủ trương này thành một chương trình hành động chung, lấy văn hóa làm “nguyên liệu” để phát triển du lịch.

Từ nguồn “nguyên liệu” dồi dào...

Với vị trí địa lý thuận lợi, nằm tiếp giáp với trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên đã và đang nắm giữ nhiều yếu tố có tiềm năng cho phát triển du lịch. Đó là hệ thống các di tích, với Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ; Thành Bản Phủ với đền thờ Hoàng Công Chất; hồ Pá Khoang; động Pa Thơm, Chua Ta, hay suối khoáng nóng U Va... Đặc biệt, Điện Biên còn là vùng đất có nền văn hóa đa dạng, phong phú, có 8 dân tộc anh em cùng chung sống, với kho tàng dân gian, giai thoại gắn liền địa danh, nhân vật cụ thể, những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, món ăn đặc sản riêng có ở từng vùng đất.

 

Trong Tết Té nước của dân tộc Lào, mọi người cùng nhau đến chúc tết từng nhà và xin nước lấy may. Ảnh: Văn Thành Chương

Những năm gần đây, huyện Điện Biên đã làm tốt việc bảo tồn, khơi dậy, cũng như phát huy các giá trị văn hóa trong cộng đồng dân cư, thông qua các hoạt động truyền dạy, phục dựng và tổ chức thành công nhiều lễ hội truyền thống, ngày hội văn hóa các dân tộc. Ngoài lễ hội Đền Hoàng Công Chất gắn với ngày hội văn hóa các dân tộc quy mô lớn được tổ chức, thì nhiều lễ hội khác, như: Xên bản (dân tộc Thái), Cầu mùa (dân tộc Khơ Mú), Gầu tào (dân tộc Mông), Té nước (dân tộc Lào)… cũng đã huy động được sự vào cuộc của cả cộng đồng dân cư. Với sự quan tâm của địa phương, người dân cộng đồng trách nhiệm và làm chủ những hoạt động văn hóa tại địa phương; các lễ hội, hay ngày hội được tổ chức, bước đầu đã tạo được tiếng vang và dần thu hút lượng khách nhất định tới tham dự. Đặc biệt, nhiều đoàn phượt đã tìm đến trải nghiệm các lễ hội này, và cũng chính họ trở thành kênh truyền bá thông tin rộng rãi hơn.

Ngoài các lễ hội, hiện nay, huyện Điện Biên đang duy trì và tổ chức tốt hoạt động của 8 bản văn hóa du lịch cộng đồng. Trung bình 1 tháng, mỗi bản văn hóa đón tiếp hàng chục đoàn khách, nhất là vào mùa du lịch, lượng khách tới tham quan tăng đột biến (5 - 10 đoàn/ngày). Cùng với các nét văn hóa đặc sắc từ kho tàng văn hóa phi vật thể, những đồ dùng, vật dụng gắn liền với đời sống lao động sản xuất, nghề truyền thống và sinh hoạt văn hóa đặc trưng, nhà cửa, trang phục truyền thống, ẩm thực... là yếu tố hấp dẫn ở các bản văn hóa. Khi lượng khách đến tăng dần, người dân đã tự ý thức được tầm quan trọng của mình, thường xuyên tìm tòi, đổi mới cách phục vụ, nhất là trong chế biến các món ăn mang đậm hương vị, bản sắc riêng của dân tộc. Hiện nay, mỗi bản văn hóa du lịch đều tự thành lập một đội văn nghệ từ 15 - 20 người, với mục đích giao lưu văn hóa, văn nghệ hay tham gia các lễ hội truyền thống và văn hóa ẩm thực để phục vụ các đoàn khách du lịch khi có nhu cầu thưởng thức.

... đến chương trình hành động cụ thể

Với tiềm năng dồi dào, nguồn “nguyên liệu” phong phú, để thúc đẩy ngành công nghiệp “không khói”, huyện Điện Biên đã triển khai nhiều chương trình, dự án và những phần việc cụ thể, trong đó tập trung trọng tâm vào thế mạnh về văn hóa. Mới đây, một chương trình hành động với tên gọi “Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025” ra đời, như một cách khẳng định rõ ràng về hướng đi này. Một trong những mục tiêu trọng tâm của chương trình hành động này là: Phát triển du lịch dựa trên ba trụ cột chính là du lịch lịch sử, du lịch văn hóa và du lịch sinh thái, gắn phát triển du lịch với chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện; phát huy các giá trị văn hóa ở các dân tộc có thế mạnh gắn với phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện.

Với mục tiêu này, địa phương xác định phấn đấu giai đoạn 2016 - 2020, 100% các dân tộc trên địa bàn được kiểm kê, đánh giá di sản văn hóa truyền thống, 50% số dân tộc có các giá trị di sản văn hóa tiêu biểu, đại diện được bảo tồn, phát huy; hỗ trợ đầu tư bảo tồn từ 1 đến 2 bản văn hóa truyền thống dân tộc, 2 đến 3 bản văn hóa - du lịch, phục dựng từ 1 đến 2 lễ hội dân gian truyền thống các dân tộc/năm. Phấn đấu đến năm 2020, huyện Điện Biên đón 200 nghìn lượt khách du lịch, với tổng doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt từ 5 - 7 tỷ đồng, tạo việc làm có thu nhập ổn định cho 2.000 - 3.000 lao động nông nghiệp nông thôn; đến năm 2025 là 300 nghìn lượt khách du lịch, tổng doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt từ 8 - 10 tỷ đồng, tạo việc làm có thu nhập ổn định cho 4.000 - 5.000 lao động nông nghiệp nông thôn.

“Để thực hiện chương trình hành động hiệu quả nhất, hiện nay địa phương đã chủ động hoạch định ra nhiều giải pháp và nhiệm vụ cụ thể cho từng năm, từng giai đoạn. Tất nhiên để thực hiện được một khối lượng lớn công việc như vậy thì rất cần nguồn lực đầu tư của Nhà nước và của tỉnh. Song, huyện Điện Biên cũng xác định do tình trạng khó khăn chung về nguồn vốn, nên không thể phụ thuộc hoàn toàn vào ngân sách. Vì vậy, trong chiến lược của mình, huyện xác định công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức để người dân chủ động hơn nữa, tham gia làm chủ trong các hoạt động văn hóa, gắn với du lịch và huy động tối đa nguồn lực xã hội hóa sẽ là 2 giải pháp trọng tâm” - bà Nguyễn Thị Minh Châu, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Điện Biên chia sẻ.

Với nền tảng đa dạng, phong phú và độc đáo, việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc tốt sẽ hỗ trợ phát triển du lịch, ngược lại du lịch phát triển cũng tác động tích cực trở lại vấn đề bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Và nếu làm tốt thì đây sẽ là 2 chiều bổ trợ đắc lực cho nhau trong bài toán chung mà huyện Điện Biên đặt ra cho mình, với quyết tâm cao sẽ hiện thực hóa nó bằng sự đồng lòng từ Đảng bộ, chính quyền, đến nhân dân.

Hà Linh
Bình luận
Back To Top