Ðể cánh đồng Mường Thanh trở thành “sản phẩm” du lịch

08:44 - Thứ Năm, 29/03/2018 Lượt xem: 10972 In bài viết
ĐBP - Hẳn trong chúng ta nhiều người từng hơn một lần nghe câu tục ngữ: “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc”. Theo đó, trong bảng “xếp hạng” các cánh đồng khu vực Tây Bắc, so với cánh đồng Mường Lò (tỉnh Yên Bái), cánh đồng Mường Than (tỉnh Lai Châu) và cánh đồng Mường Tấc (tỉnh Sơn La), thì cánh đồng Mường Thanh (tỉnh Ðiện Biên) là bồn địa có diện tích lớn nhất...

Cánh đồng Mường Thanh (còn gọi vùng lòng chảo Ðiện Biên) là một địa danh theo ngôn ngữ dân tộc Thái, bao gồm 10 đơn vị hành chính cấp xã của huyện Ðiện Biên, có diện tích tự nhiên trên 33.902ha. Ðây là vùng lòng chảo tương đối bằng phẳng, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp (nhất là canh tác lúa ruộng); là nơi tập trung dân cư, có vai trò trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội của huyện Ðiện Biên và thành phố Ðiện Biên Phủ. Xin cảm tạ thiên nhiên hào phóng đã tặng cho người Mường Thanh cánh đồng rộng nhất vùng Tây Bắc. Ðây vuông vức bờ vùng bờ thửa, kia dọc ngang mương máng nội đồng. Người nông dân Mường Thanh bây giờ cày bừa bằng máy, gặt đập bằng máy, xát thóc bằng máy, nghĩa là cơ giới hoá hầu hết các công đoạn sản xuất. Quả là những hình ảnh ấn tượng mà sức thuyết phục còn mạnh hơn cả những lời ngợi ca có cánh.

 

Mùa gặt ở Mường Thanh. Ảnh tư liệu

Lại nhớ cách đây gần 15 năm (tháng 8/2003), trong lúc thi công khu du lịch khoáng nóng U Va (xã Noong Luống, huyện Ðiện Biên), tốp công nhân xây dựng đã phát hiện rất nhiều các di vật trong lòng đất. Bên cạnh những mẫu vật thuộc các chất liệu: Ðồng, sắt, bạc, gốm, sứ... đáng chú ý là các mẫu thóc cháy (hiện các mẫu vật này đang được lưu giữ tại Bảo tàng Dân tộc tỉnh Ðiện Biên). Theo “Báo cáo điều tra khảo cổ học” ngày 26/8/2003, của nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia, về phần các mẫu thóc cháy xin được trích nguyên văn như sau: “Cây lúa và các đặc sản lúa ở Ðiện Biên từ lâu nay đã được các nhà khoa học rất chú ý. Tại Ðiện Biên, các nhà nông học đã tìm thấy các mẫu lúa hoang dại rất hiếm hoi trên bán đảo Ðông Dương. Những hạt thóc cháy tìm được trong di chỉ khảo cổ học này, là những hiện vật rất quý giá để tìm hiểu lịch sử cây lúa ở Ðiện Biên cũng như lịch sử cây lúa trên thế giới”.

Trước đó, trong “Kiến văn tiểu lục”, nhà bác học Lê Quý Ðôn viết: “Châu này thế núi vòng quanh, nước sông bao bọc, đồn sở ở giữa, ruộng đất bằng phẳng màu mỡ, bốn bên đến chân núi đều phải đi một ngày đường, công việc làm ruộng bằng nửa công việc châu khác mà hoa lợi thu hoạch lại gấp đôi. Thổ sản có sa nhân, sáp vàng, diêm tiêu, lưu hoàng và sắt sống. Có một quả núi nước suối rất mặn, thú rừng thời thường đến uống, người địa phương dùng nỏ bắn được rất nhiều, tục gọi là mỏ thịt...”. Vâng, “thế núi vòng quanh” ấy chính là hai dãy Pú Hồng Mèo và Pú Tà Cọ chạy dài theo hướng Bắc - Nam, như hai cánh tay khổng lồ của người anh hùng thần thoại ải Lậc Cậc, trải nghìn đời chở che ôm ấp cho cánh đồng bao la Mường Thanh; và nơi: “công việc làm ruộng bằng nửa công việc châu khác mà hoa lợi thu hoạch lại gấp đôi” đó, cũng chính là cánh đồng màu mỡ Mường Thanh.

Từ nhận xét trên, theo thiển ý chúng tôi, hoàn toàn có đủ căn cứ để coi Ðiện Biên là một trong những cái nôi của nền văn minh lúa nước trong ít nhất phạm vi bán đảo Ðông Dương. Thậm chí, như cách đặt vấn đề của các nhà khoa học mà chúng tôi vừa dẫn ở trên, từ lịch sử cây lúa Ðiện Biên hy vọng mở ra những khám phá mới về cây lúa thế giới. Ðó là một niềm tự hào, trước hết dành cho người nông dân Ðiện Biên và sau nữa, cho những ai đã và đang có những cống hiến cho sự phát triển của ngành sản xuất nông nghiệp Ðiện Biên.

 

“Ðất lành chim đậu”- một hình ảnh hấp dẫn khách du lịch trên cánh đồng Mường Thanh. Ảnh tư liệu

Thời gian qua đi không chỉ tính tháng tính ngày. Thấm thoắt thế mà đã 64 năm kể từ buổi chiều lịch sử 7/5/1954 lúc quân Pháp giương cờ trắng xin hàng. Hôm nay, 64 năm sau trận thư hùng “máu trộn bùn non”, khách du lịch ung dung thả bước giữa lòng chảo Mường Thanh bên sóng lúa dạt dào. Ðộ rày, cánh đồng Mường Thanh rộn ràng như hội mở, tiếng cười câu hát xôn xao. Những sóng lúa nối nhau chạy dài tít tận chân núi Hồng Mèo - Khâu Lệnh, cho ta cảm giác không chỉ hả hê con mắt mà còn thỏa mãn ở trong lòng, về những mùa vàng trên cánh đồng mỗi năm người nông dân thu mấy chục triệu đồng một hécta.

Kỹ thuật canh tác mới làm ta bồi hồi nhớ lại truyền thuyết “Me Bẩu” của dân tộc Thái, với ý tưởng cánh đồng Mường Thanh được khai phá bởi nhân vật thần thoại Lậc Cậc. Một lần, để tìm lại viên đá lửa đánh rơi, ải lấy chân gạt băng những ghềnh thác ở sông Nậm Rốm. Bằng chứng là đến tận bây giờ lòng sông Nậm Rốm đá dạt về hai phía, riêng đoạn giữa toàn phù sa lắng mát từng gốc lúa vồng khoai. Loại trừ tính huyễn hoặc của truyền thuyết, điều mà ta dễ dàng nhận thấy là cánh đồng Mường Thanh giống lúa nào gieo xuống cũng trở nên tuyệt hảo, người này ăn người khác khen ngon, một nhà xới cơm cả bản thơm hương.

Quá khứ đạn bom, “dốc Pha Ðin chị gánh anh thồ” từng đưa tiễn hàng nghìn tấn gạo ra tiền tuyến. Hạt gạo của hậu phương miền Bắc thân yêu được gửi lên Ðiện Biên, làm thành nắm cơm ấm lòng chiến sĩ dọc các chiến hào đánh lấn cô lập sân bay Mường Thanh. Hàng trăm thanh niên xung phong (TNXP) đã anh dũng ngã xuống, máu của họ không chỉ lẫn vào sỏi đá dốc Pha Ðin mà thấm cả vào hạt gạo gửi ra mặt trận, làm nên ý chí căm hờn của thế hệ những người “đi trả thù mà không sợ dài lâu”. Ðể rồi gần chục năm sau, trước yêu cầu phát triển thủy lợi của tỉnh Lai Châu (cũ), cuối năm 1963 một đơn vị đặc biệt gồm TNXP các tỉnh và TNXP tình nguyện Tháng Tám Thủ đô, bắt tay vào xây dựng hồ thủy lợi Pa Khoang và công trình Ðại thủy nông Nậm Rốm. Ðằng đẵng mấy nghìn ngày, chỉ bằng đôi tay trần và bàn chân đất, họ đã làm nên Công trình Ðại thủy nông lớn nhất Tây Bắc thời đó.

Nhờ có công trình thủy nông này mà hạt gạo cánh đồng Mường Thanh đã trắng càng thêm trắng, như nụ cười các cô gái Thái đã duyên lại càng duyên. Từ chỗ cả lòng chảo Mường Thanh chỉ có 2.000ha ruộng mỗi năm 1 vụ lúa nước trời, tăng lên gần 5.000ha, trong đó nhiều diện tích mỗi năm 2 lúa với 1 màu. Ðây là nơi mà trên 80% diện tích được đầu tư sản xuất bằng máy nông nghiệp hiện đại, hàng năm bình quân lương thực trong vùng đạt gần 500kg cho một nhân khẩu. Theo một thống kê chuyên ngành, sản lượng lúa ở cánh đồng Mường Thanh chiếm trên 80% sản lượng lúa của huyện Ðiện Biên và chiếm tới 53% sản lượng lúa của toàn tỉnh Ðiện Biên.

Kỳ diệu làm sao và lãng mạn làm sao, hình ảnh cô gái Thái sống sót sau trận bom hủy diệt trại tập trung Noong Nhai năm nào, thì mấy chục năm sau trở thành cô công nhân lái máy cày trên cánh đồng “Nhất Thanh”. Và hôm nay, tự hào thay khi gạo Mường Thanh vượt đèo Pha Ðin về Sơn La, Hoà Bình, Hà Nội và các tỉnh trong cả nước. Cùng với hơn nửa nghìn cây số quốc lộ 6, đèo Pha Ðin đã được cắt cua, mở rộng cho hạt gạo Mường Thanh thong dong trên những chiếc xe tải trọng lớn về xuôi, mang theo giai điệu thiết tha mời gọi “Inh lả ơi” của người nông dân nơi chiến trường bom cày đạn xới năm xưa.

Từ một tỉnh xin trợ cấp lương thực, nhiều năm qua Ðiện Biên thành tỉnh tự cân đối lương thực và cuối cùng là tham gia xuất khẩu lương thực. Trên hành trình từ thụ động đến chủ động, là những nỗ lực phi thường cả trong lãnh đạo và thực hiện, trí tuệ, đồng vốn và dĩ nhiên phải kể đến đóng góp của lớp lớp nông dân. Dọc quốc lộ 6 Ðiện Biên - Hà Nội, bao nhiêu hàng ăn chọn cách tiếp thị bằng chiêu trương lên tấm biển: “Cơm gạo Ðiện Biên” hoặc “Gạo Mường Thanh chính hiệu”... Kinh tế thị trường là thế, họ dùng uy tín gạo Ðiện Biên để hấp dẫn thực khách, nhưng đồng thời, họ cũng gián tiếp quảng cáo cho gạo Ðiện Biên - Hạt gạo lắng trong mình vị ngọt phù sa của thủy nông Nậm Rốm, mùi thơm như kén vàng đến độ của nắng Mường Thanh. Hạt gạo Mường Thanh như hạt nghĩa hạt tình, theo chân du khách đi bốn phương trời, đi mười phương đất, thay cho lời mời nếu yêu Mường Thanh thì xin bạn tới Mường Thanh!

Trong nỗ lực phát triển du lịch của tỉnh, vấn đề đa dạng hóa sản phẩm du lịch là một đòi hỏi tất yếu, được Tỉnh ủy và UBND tỉnh chỉ đạo thông qua các chủ trương, chính sách cụ thể, rõ ràng và nhất quán. Với tinh thần ấy, nên chăng cần nghiên cứu để phát huy các thế mạnh của cánh đồng Mường Thanh, để cánh đồng trở thành một “điểm đến” cho khách du lịch theo những tua du lịch lưu trú tại nhà dân (homestay) nơi các làng bản trong lòng thung lũng?...

Tùng Lĩnh
Bình luận
Back To Top