Phát huy giá trị di sản văn hóa gắn liền với du lịch

09:14 - Thứ Hai, 01/04/2019 Lượt xem: 7945 In bài viết

ĐBP - Mới đây, trong khuôn khổ Lễ hội Hoa Ban năm 2019, tại không gian “Phiên chợ vùng cao” đã diễn ra hoạt động trình diễn nghi thức sinh hoạt văn hóa các dân tộc. Tham gia chương trình, các đoàn nghệ nhân tái hiện lại 8 nghi lễ truyền thống, đặc biệt trong đó có 2 lễ tục đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Lễ Gạ Ma Thú dân tộc Hà Nhì, xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé); Tết Nào Pê Chầu dân tộc Mông, huyện Mường Ảng và 2 nghi lễ có thực hành nghệ thuật Then Thái - loại hình dân gian đang được đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Hoạt động trình diễn này thu hút rất đông khán giả, cả những người dân địa phương, khách ngoại tỉnh và du khách quốc tế. Sức hút của nó có lẽ đến từ bản sắc truyền thống đậm đà của các dân tộc, thông qua trang phục đặc trưng; tiếng đàn, tiếng chiêng, quả nhạc tạo ra những âm thanh lạ đối với nhiều người; lời cúng, tiếng ca mang sắc màu huyền bí, dặt dìu, vang vọng; cùng những điệu múa truyền thống đẹp mắt lúc rộn rã, vui tươi, lúc khoan thai, dịu dàng.

 

Nghệ nhân thực hành nghệ thuật Then Thái trong Lễ Xên mường của dân tộc Thái, huyện Tuần Giáo. Ảnh: Nguyễn Hiền

Có mặt tại buổi trình diễn đầu tiên, cô Nguyễn Thị Huế, du khách đến từ tỉnh Lào Cai chia sẻ: “Tôi rất ấn tượng với các tiết mục tái hiện nghi thức, lễ hội truyền thống của các dân tộc. Mặc dù chuyến đi này, tôi không có thời gian trải nghiệm, tham quan tại các bản, làng của tỉnh bạn nhưng thông qua chương trình này tôi vẫn biết, thấy và cảm nhận được nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống, bản sắc đặc trưng của các dân tộc tỉnh Ðiện Biên để có thể chia sẻ với bạn bè, người thân”. Cùng với trình diễn nghi thức sinh hoạt văn hóa, tại Phiên chợ vùng cao còn trưng bày, giới thiệu và tổ chức cho nghệ nhân các dân tộc thực hành làm các sản phẩm thủ công truyền thống, như: dệt thổ cẩm, đan lát, làm khèn Mông… Trong đó không thể thiếu hoạt động tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mông hoa, tại xã Sa Lông (huyện Mường Chà) đã được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội Hoa Ban là một trong những sự kiện tiêu biểu, quan trọng để tỉnh ta quảng bá các nét đẹp văn hóa, di sản văn hóa tới đông đảo du khách thập phương. Ngoài ra thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tích cực tuyên truyền, giới thiệu thế mạnh này thông qua các hoạt động như: Tổ chức các lễ hội, xên mường, xên bản, trình diễn trang phục truyền thống dân tộc thiểu số… tại các chương trình, sự kiện văn hóa - du lịch lớn tổ chức trong và ngoài tỉnh. Ngành cũng chỉ đạo Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch quảng bá, giới thiệu các điểm đến là nơi tổ chức các lễ hội để du khách trong nước và quốc tế biết đến và tham gia trải nghiệm. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho tỉnh ban hành Chương trình Phát triển du lịch, trong đó việc triển khai phát triển sản phẩm du lịch được đặc biệt quan tâm, nhất là du lịch gắn với bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Ðồng thời vai trò của nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng luôn được coi trọng với nhiều buổi gặp gỡ, tìm hiểu để chia sẻ những kinh nghiệm trong việc bảo tồn và gìn giữ các di sản, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Tiềm năng di sản văn hóa là thế mạnh nổi trội để tỉnh ta phát triển du lịch. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 8 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (trong đó có 2 di sản đang làm hồ sơ trình UNESCO công nhận đó là Nghệ thuật Xòe Thái và Nghệ thuật Then Thái). Tuy nhiên để gắn phát huy giá trị di sản với phát triển du lịch vẫn còn nhiều vấn đề. Bởi hầu hết khách du lịch đến Ðiện Biên chỉ có thể thưởng lãm, hòa mình vào không gian truyền thống cùng các nghi lễ, di sản văn hóa trong các sự kiện văn hóa - du lịch được huyện, tỉnh tổ chức chứ để tìm đến trải nghiệm tại các bản, làng nơi khởi nguồn, gìn giữ các nét đẹp ấy thì vẫn còn nhiều cái khó hoặc còn sơ sài, chưa phổ biến, chưa chuyên nghiệp. Vì vậy thời gian tới cần sự làm mới, mạnh dạn đầu tư từ ngành văn hóa, du lịch, từ các công ty lữ hành, dịch vụ du lịch và sự tham gia tích cực của người dân bản địa để di sản văn hóa thực sự song hành cùng du lịch và phát huy được giá trị trong nền kinh tế mới. 

Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top