Liên kết vùng - chìa khóa để phát triển du lịch bền vững

08:53 - Thứ Năm, 15/08/2019 Lượt xem: 7717 In bài viết
ĐBP - Chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng được triển khai ký kết và thực hiện từ năm 2010, gồm các tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hòa Bình, Hà Giang, Lai Châu, Sơn La và Ðiện Biên. Sau 9 năm thực hiện chương trình đã mang lại hiệu quả to lớn, không chỉ là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế du lịch khu vực Tây Bắc phát triển mà còn tạo điều kiện giúp mỗi địa phương phát huy, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo, ngày càng có sức hút với du khách trong và ngoài nước.

 

Du khách tham quan tại Bảo tàng Chiến thắng Ðiện Biên Phủ.

Hiệu quả hợp tác phát triển du lịch

Trên cơ sở tiềm năng vô cùng phong phú về cảnh quan thiên nhiên, nét đặc trưng về khí hậu và sự phong phú về văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc, 8 tỉnh vùng Tây Bắc mở rộng đã liên kết hợp tác nhằm khai thác hợp lý tiềm năng du lịch của mỗi địa phương cũng như thúc đẩy sự tăng trưởng du lịch của khu vực. Với sự giúp đỡ về mặt kỹ thuật của Tổng cục Du lịch và các tổ chức quốc tế, sau 9 năm liên kết phát triển 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng đã từng bước hình thành các sản phẩm du lịch chung, như: Vòng cung Tây Bắc, sản phẩm du lịch dọc sông Ðà, khám phá Tây Bắc... Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, các tỉnh đã xác định được các sản phẩm đặc trưng tiêu biểu, không trùng lặp để làm lợi thế cạnh tranh và trọng tâm xúc tiến quảng bá. Ðáng chú ý, công tác hợp tác xúc tiến quảng bá du lịch đã được các tỉnh chú trọng thực hiện. Ðến nay, các tỉnh đã thông qua dự án Cung đường Tây Bắc, tiến hành các bước xây dựng thương hiệu du lịch khu vực 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, đã thống nhất và xây dựng được logo và slogan riêng của khu vực. Ðặc biệt, các tỉnh đã xây dựng được trang thông tin điện tử chung với tên miền dulichtaybac.vn để quảng bá hình ảnh du lịch khu vực tới du khách trong và ngoài nước thông qua mạng internet. Ðồng thời, hàng năm đều tổ chức trưng bày các ấn phẩm, phóng sự, sản phẩm văn hóa, du lịch hiện vật tiêu biểu, quà lưu niệm, nghề thủ công, ẩm thực truyền thống mang tính đặc trưng khi tham gia hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch và các hội chợ.

Một điểm nổi bật khác, với sự hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động du lịch, các tỉnh nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ ngành Du lịch, góp phần làm thay đổi đáng kể cách thức làm du lịch tại các địa phương. Hệ thống cơ sở kinh doanh du lịch được đầu tư xây dựng mới và nâng cấp để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách du lịch, nhiều điểm tham quan, khu vui chơi được xây dựng mới với không gian xanh, sạch, đẹp đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, giải trí của du khách. Nhờ vậy, lượng khách du lịch đến với 8 tỉnh Tây Bắc ngày càng tăng lên. Năm 2018, lượng khách du lịch đến tham quan, khám phá, tìm hiểu tại 8 tỉnh Tây Bắc đạt mốc hơn 20,2 triệu lượt người, trong đó gần 2 triệu lượt khách quốc tế với tổng doanh thu từ du lịch, dịch vụ và ăn uống đạt gần 23.000 tỷ đồng.

Cơ hội cho du lịch Ðiện Biên

Là một trong những thành viên tham gia Chương trình hợp tác phát du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, Ðiện Biên có nhiều cơ hội để thu hút khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu, khám phá mảnh đất và con người nơi đây nhờ có nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng. Nổi bật là sản phẩm du lịch lịch sử, du lịch tâm linh với Quần thể di tích lịch sử chiến trường Ðiện Biên Phủ, các điểm văn hóa tâm linh như: Thành Bản Phủ; Khu tưởng niệm tri ân những người có công với đất nước, với dân tộc tỉnh Ðiện Biên... Sản phẩm du lịch văn hóa với việc xây dựng các vùng có di sản văn hóa phi vật thể; đầu tư phục dựng và bảo tồn một số lễ hội tiêu biểu; tổ chức thành công Lễ hội Hoa Ban, sự kiện Hoa Anh đào Pá Khoang; sản phẩm du lịch cộng đồng đã có sự phát triển, từng bước đáp ứng được nhu cầu ăn nghỉ, trải nghiệm của du khách. Nhờ đó, lượng khách du lịch đến với Ðiện Biên tăng cao. 6 tháng đầu năm 2019 lượng khách du lịch đến với tỉnh ta ước đạt 586.100 lượt người (đạt 70,6% kế hoạch, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2018); trong đó, khách quốc tế ước đạt 109.900 lượt người. Doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt hơn 855 tỷ đồng (đạt 63% kế hoạch, tăng 32,9% so cùng kỳ 2018).

Ông Ðặng Minh Phương, Phụ trách Phòng Nghiệp vụ Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ: Lượng khách du lịch đến thăm quan, khám phá, trải nghiệm tại Ðiện Biên ngày càng nhiều và hứa hẹn sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới khi tỉnh đang tập trung phát triển các sản phẩm du lịch liên tỉnh. Nhất là việc phối hợp với các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu hoàn thiện tuyến du lịch dọc sông Ðà. Sau 2 đợt khảo sát, Ðiện Biên được đánh giá là khu vực có cảnh quan thiên nhiên đẹp; một số bản làng còn lưu giữ được nét văn hóa đặc trưng, nghề thủ công truyền thống; có điệu xòe nổi tiếng độc đáo, hấp dẫn của đồng bào dân tộc Thái; một số điểm đã có cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật đáp ứng nhu cầu khách tham quan du lịch. Mặt khác, tỉnh đang phối hợp thực hiện chương trình du lịch vòng cung Tây Bắc; phối hợp tổ chức cho đoàn Sở Thông tin, Văn hóa và Du lịch, Hiệp hội du lịch và các doanh nghiệp du lịch các tỉnh Bắc Lào khảo sát các điểm đến nhằm hướng đến hình thành các chương trình du lịch từ Bắc Lào sang Tây Bắc Việt Nam và ngược lại. Ðây là cơ hội để Ðiện Biên tiếp tục thu hút du khách trong và ngoài nước đến thăm quan, khám phá, tìm hiểu cũng như thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch, hệ thống cơ sở hạ tầng để ngành Du lịch Ðiện Biên có sự phát triển mạnh mẽ hơn trong những năm tới.

Đức Linh
Bình luận
Back To Top