Diễn đàn Chủ nhật

Ngăn chặn dịch bệnh qua con đường du lịch

16:19 - Thứ Hai, 16/03/2020 Lượt xem: 6632 In bài viết

Trước tình hình xuất hiện thêm nhiều ca nhiễm Covid-19 mới ở một số tỉnh, thành phố là những trung tâm du lịch lớn tại nước ta, trong đó có một số ca là du khách nước ngoài, một số ca là người Việt Nam đi du lịch nước ngoài và có ca là người công tác trong lĩnh vực du lịch đã làm dấy lên nhiều lo ngại về nguy cơ lây lan dịch bệnh qua con đường du lịch.

Theo nhận định từ các chuyên gia y tế, hiện nay diễn biến dịch ở các quốc gia trên thế giới, nhất là khu vực châu Âu đang rất phức tạp với sự tăng cao về cả số người nhiễm bệnh và chết người. Người dân châu Âu lại có thói quen không đeo khẩu trang và ưa đi lại tự do nên nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ khu vực này càng cao. Để chủ động phòng tránh, Hiệp hội Du lịch, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản khuyến cáo người dân trong nước không đi du lịch đến những nơi đang có dịch; đồng thời đề nghị các hãng lữ hành quốc tế hạn chế đón khách từ các vùng có dịch vào nước ta. Việt Nam đã áp dụng chính sách hạn chế cấp thị thực cho công dân đến từ các quốc gia có dịch. Mới đây, Chính phủ cũng đã quyết định tạm dừng thực hiện chính sách miễn thị thực đơn phương đối với công dân các nước Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển, Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, nhằm hạn chế và kiểm soát tốt hơn lượng du khách quốc tế tới Việt Nam... Đáng chú ý hơn là quyết sách mạnh mẽ của Chính phủ tạm thời không cho nhập cảnh trong một tháng (kể từ 12 giờ ngày 15-3) đối với khách du lịch đến từ hoặc đã đi qua các nước thuộc khu vực Sen-ghen, Vương quốc Anh và Bắc Ai-len trong 14 ngày trước ngày dự kiến tới Việt Nam. Nhiều tỉnh, thành phố của nước ta đã đóng cửa hàng loạt những địa danh, điểm tham quan nổi tiếng để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh... Có thể thấy, với phương châm đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên hàng đầu, Chính phủ và các ban, ngành chức năng của Việt Nam đã thể hiện quyết tâm cao độ trong việc đẩy lùi Covid-19... Tuy nhiên, thực trạng dịch bệnh đã lan nhanh và mạnh tới hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới vẫn báo động nguy cơ lây nhiễm, không loại trừ qua con đường du lịch và đòi hỏi Việt Nam phải tiếp tục có những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt.

Trên thực tế, tại các sân bay, cửa khẩu, nhiều biện pháp y tế đã được áp dụng như đo thân nhiệt, buộc khai báo y tế... để kiểm soát từ đầu vào đối với khách nhập cảnh. Nhưng rõ ràng, những biện pháp này vẫn chỉ là giải pháp tình thế và còn bộc lộ nhiều “lỗ hổng”. Bởi đo thân nhiệt chỉ có tác dụng khi hành khách đã phát bệnh, trong khi thời gian ủ bệnh khá dài, khai báo y tế cũng chỉ có giá trị khi người thực hiện khai báo trung thực. Đây là nguyên nhân dẫn đến dễ để lọt hay bỏ sót những ca đã nhiễm hoặc nghi nhiễm bệnh, dẫn đến sự lây lan khó lường trong cộng đồng. Trước thực trạng trên, các chuyên gia cho rằng, trên tinh thần không kỳ thị du khách, Việt Nam không cực đoan đánh đồng tất cả các du khách quốc tế đều có nguy cơ lây bệnh, thế nhưng các biện pháp sàng lọc phải được gia tăng thêm để kiểm soát chặt hơn nữa lượng khách nhập cảnh. Bên cạnh yêu cầu bắt buộc điền vào tờ khai y tế, cần triển khai thêm các nghiệp vụ, kỹ thuật điều tra khác để tăng tính xác thực của khai báo y tế như phỏng vấn, thăm dò tâm lý khách... Trong lúc hoạt động du lịch đang khá trầm lắng, có thể có chính sách để huy động lực lượng hướng dẫn viên tiếng nước ngoài tham gia vào khâu sàng lọc, kiểm soát du khách, hỗ trợ bộ phận chức năng tại các sân bay, cửa khẩu. Đối với trường hợp nghi ngờ, cần kiên quyết không cho nhập cảnh. Và điều quan trọng là song song với khuyến cáo về việc phải khai báo y tế trung thực, Việt Nam cần có chế tài xử phạt thật nghiêm, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những hành vi khai báo gian dối, cố tình trốn cách ly của du khách để tạo sức răn đe.

Cùng với việc ban hành chính sách kiểm soát dịch, công tác giám sát, thanh tra hoạt động du lịch càng cần được đẩy mạnh gắn với các chế tài xử lý vi phạm quyết liệt. Đối với việc vận chuyển khách, nhằm hạn chế sự lây lan dịch bệnh, các hãng hàng không Việt Nam cần có quy định bắt buộc tất cả hành khách ở mọi chặng bay phải đeo khẩu trang trong suốt hành trình ngồi trên máy bay, khi làm thủ tục nhập cảnh. Đối với những du khách quá cảnh tại Việt Nam, cần bố trí khu vực chờ riêng biệt. Các hãng lữ hành cũng cần yêu cầu du khách phải đeo khẩu trang khi di chuyển và khi tới thăm các điểm đến của Việt Nam...

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top