Doanh nghiệp du lịch tìm hướng vượt khó

10:24 - Thứ Tư, 08/04/2020 Lượt xem: 9203 In bài viết

Trong bối cảnh ngành du lịch buộc phải “ngủ đông” do dịch Covid-19, nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch đã chủ động tìm cách ứng phó, chuyển đổi hình thức sản xuất, kinh doanh để cố gắng cầm cự vượt qua đại dịch.

Khách sạn Rex Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh) áp dụng hình thức bán và giao đồ ăn tận nơi trong mùa dịch.

Dễ nhận thấy nhất là xu hướng bán hàng lưu động đang được nhiều khách sạn, nhà hàng áp dụng hiện nay. Thay vì chờ khách đến rồi mới cung cấp dịch vụ như trước đây, nắm bắt tình hình người dân hạn chế di chuyển trong mùa dịch, các đơn vị này đã chuyển sang kinh doanh đồ ăn trực tuyến và giao hàng tận nơi. Những món dễ ăn, giá đại chúng, dễ vận chuyển được lên danh sách phục vụ trong mùa dịch với kênh quảng bá chủ yếu là trực tuyến (online) qua mạng xã hội facebook nhà hàng, khách sạn, facebook cá nhân của các nhân viên, các ứng dụng chuyên về ẩm thực, cung cấp tính năng giới thiệu sản phẩm và đặt hàng trực tiếp… Bên cạnh các món bình dân, nhiều thực đơn cao cấp hơn cũng được các khách sạn lên danh sách trong ngày để tiện phục vụ nhu cầu đa dạng của khách.

Mới đây, Hội Nhân sự khách sạn Việt Nam (Hiệp hội Khách sạn Việt Nam) đã phối hợp chuỗi siêu thị Vinmart+ tại các thành phố lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng nhằm tìm hướng hỗ trợ việc làm cho người lao động ngành khách sạn bị thôi việc. Do mua bán online đang là xu hướng kinh doanh phát triển mạnh cho nên hơn 1.000 lao động ngành khách sạn sẽ được Vinmart+ tiếp nhận và sắp xếp vào các vị trí như nhân viên bán hàng, giao hàng. Sự phối hợp này mở ra kỳ vọng và hướng đi mới để góp phần cân bằng thị trường lao động giữa khối ngành đang “đóng băng” và khối ngành đang cần nhiều lao động. Bên cạnh đó, để tận dụng nguồn phòng còn trống và tham gia tích cực vào công tác phòng, chống dịch của toàn xã hội, nhiều cơ sở lưu trú du lịch đã tự nguyện đăng ký trở thành nơi cách ly có thu phí đối với những người buộc phải cách ly trên cơ sở cam kết tuân thủ nghiêm những quy định của Bộ Y tế về bảo đảm an toàn phòng, chống dịch…

Tuy nhiên, với khối lữ hành, bài toán biến “nguy” thành “cơ” có phần hóc búa hơn nhiều bởi không có khách cũng có nghĩa là không có doanh thu. Rất ít doanh nghiệp lữ hành lớn có thể trả đủ lương cơ bản để giữ chân người lao động. Còn lại phần lớn phải cắt giảm lương hoặc cắt giảm nhân sự và buộc phải để một bộ phận nhân viên nghỉ không lương trong giai đoạn không thể làm gì khác hơn. Lá thư do CEO Hoàng Đức Huy của Công ty lữ hành TransViet vừa gửi cán bộ, nhân viên giữa mùa dịch đã cho thấy tất cả thực trạng của các đơn vị lữ hành đang phải đối mặt. Anh cho biết: “Tất cả các cấp quản lý của TransViet ở cả ba miền đều đang tự nguyện làm việc với mức thu nhập cơ bản tối thiểu nhất để cùng chèo lái công ty vượt qua cơn sóng gió này. Chúng tôi cũng tự kêu gọi nhau ai có nhà trống, phòng trống có thể chia sẻ cho nhân viên làm nơi tạm trú trong điều kiện một số người sẽ gặp khó khăn về chỗ ở khi thu nhập bị ảnh hưởng… Có những người sẽ phải tạm chia tay cuộc sống văn phòng để được điều động lên các cơ sở sản xuất của Viet Healthy để tạm thời làm những công việc của những người nông dân thực thụ. Đồng thời, sẽ có những bạn được phân công thường trực tại các văn phòng để luân phiên giữ vững nhịp đập hoạt động của công ty, chuẩn bị đón bắt tất cả những cơ hội phục hồi có thể quay lại bất cứ lúc nào. Có bạn sẽ được phân công tạm thời công việc mới ở các công ty thành viên khác và cũng có một số bạn phải tạm về quê chờ kết thúc dịch...”. CEO Vũ Đình Quân của Bến Thành Tourist cũng đã có những dòng tâm thư đầy xúc động gửi nhân viên: “Chúng ta sẽ không than khóc, phải kìm nén những cảm xúc tiêu cực lại, giữ cho tinh thần luôn lạc quan, minh mẫn để sẵn sàng hành động, đối phó với ảnh hưởng của dịch bệnh. Nếu cần phải thắt lưng buộc bụng, chúng ta sẽ làm, trong đó ban lãnh đạo công ty và các lãnh đạo, quản lý cấp trung sẽ là lực lượng tuyến đầu, mỗi cán bộ, nhân viên cùng chung vai sát cánh tạo nên bức tường bảo vệ đại gia đình Bến Thành Tourist”...

Có thể thấy, bằng cả giải pháp mang tính hành động và tinh thần, các doanh nghiệp du lịch đều đang cố gắng giảm đến mức thấp nhất những tác động của dịch Covid-19 trong khả năng có thể. Tuy nhiên, để các doanh nghiệp du lịch có thể vượt khó, cần sự hỗ trợ trong việc áp dụng các chính sách giãn thuế, giảm thuế, miễn thuế, giảm lãi suất vay ngân hàng… cho doanh nghiệp du lịch…

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top