Kích cầu du lịch nội địa: Làm thế nào để người dân “móc hầu bao”?

10:50 - Thứ Hai, 18/05/2020 Lượt xem: 7719 In bài viết

Việc kích cầu du lịch nội địa là yếu tố quan trọng. Thị trường du lịch nội địa có thể tăng 95% trong 7 tháng cuối năm. Đi du lịch bây giờ chúng ta giúp vực dậy một ngành kinh tế mũi nhọn, mà trong 4 năm gần đây đã tạo ra hàng triệu việc làm mới.

Đây là nhận định của ông Trần Trọng Kiên, thành viên Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ), Chủ tịch Hội đồng tư vấn du lịch đưa ra tại Hội nghị "Giới thiệu thời điểm vàng để khám phá du lịch Việt Nam" diễn ra vào ngày 16/5 tại Sầm Sơn, Thanh Hóa do Ban IV, Hội đồng tư vấn Du lịch Quốc gia (TAB), Tổng cục Du lịch Việt Nam phối hợp cùng Công ty Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) tổ chức.

Thời điểm vàng để “phá băng”

Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du Lịch (Bộ VHTTDL), từ thời điểm tháng 3 khi Việt Nam chính thức hạn chế các đường bay quốc tế thì lượng khách du lịch đã giảm 18,1% so với cùng kỳ 2019.

“Việc tạm ngừng các hoạt động du lịch không chỉ tác động nặng nề tới người lao động trong ngành du lịch mà còn ở tất cả các ngành. Trước bối cảnh đất nước dần trở lại bình thường, chúng tôi nhận thấy đây là thời điểm vàng để “phá băng”, ông Khánh nhìn nhận.

Cùng quan điểm với ông Khánh, bà Emily Nguyễn, đại diện Google châu Á - Thái Bình Dương đã dẫn chứng bằng những con số.

“COVID-19 đã khiến nhu cầu du lịch đến các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương giảm 8,6% so với năm ngoái. Tuy nhiên, chúng ta bắt đầu thấy có sự phục hồi về nhu cầu du lịch ở Việt Nam từ giữa tháng 4 đến nay khi giãn cách xã hội được nới lỏng. Sự phục hồi này đa phần nhờ vào nhu cầu du lịch nội địa.

Tìm kiếm liên quan đến chuyến bay nội địa chiếm 85% trong 30 ngày vừa qua và tăng 85% trong thời gian cùng kỳ. Các điểm đến được nhiều người tìm kiếm nhất trong 30 ngày qua lần lượt là TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Đà Lạt, Phú Quốc, Nha Trang, Huế, Quy Nhơn...”, bà Emily Nguyễn cho hay.

Ông Trần Trọng Kiên còn khẳng định: Thị trường du lịch nội địa có thể tăng 95% trong 7 tháng cuối năm.

“Chúng ta cần đưa ra chiến dịch người Việt Nam đi du lịch Việt Nam. Thị trường người Việt có thể đi nước ngoài lên tới 16 triệu lượt khách và thị trường này năm nay không thể đi nước ngoài được nữa và sẽ quay về đi du lịch Việt Nam.

Những người sẵn sàng bỏ tiền để có những trải nghiệm tại những bãi biển hoang sơ, những nơi có cảnh đẹp để có tâm hồn thư thái. Đây là cơ hội để chúng ta khám phá lại Việt Nam. Có rất nhiều các gói kích cầu của các hãng hàng không, lữ hành. Đi du lịch bây giờ chúng ta giúp vực dậy một ngành kinh tế mũi nhọn, mà trong 4 năm gần đây đã tạo ra hàng triệu việc làm mới”, ông Trần Trọng Kiên nói.

Không “chặt chém” khách hàng, du lịch sẽ “phất”

Bàn về giải pháp, ông Phan Thiên Định, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, ngay khi dịch bệnh COVID-19 có xu hướng giảm, Huế đã triển khai một đề án kích cầu du lịch. Trong giai đoạn trước lễ 30/4 tới 7/5, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã miễn phí vé thăm quan Đại Nội. Sau đó, tiếp tục đề nghị Hội đồng nhân dân giảm 50% phí tham quan từ ngày 8/5 đến 31/7, thời gian tiếp theo UBND tỉnh được chủ động giảm phí tham quan.

“Chúng tôi đánh giá hoạt động của các đơn vị lữ hành trong thời gian tới gặp nhiều khó khăn vì khách hàng có xu hướng đi theo nhóm cá nhân hoặc gia đình nhiều hơn. Việc đặt hàng đi du lịch qua mạng là tất yếu. Vì vậy, chúng tôi mong muốn hỗ trợ cho các đơn vị xây dựng video quảng bá qua mạng; thúc đẩy gói kích cầu du lịch, giảm giá phòng, đưa ra các gói giảm giá 20% - 30%; xây dựng chương trình điểm đến an toàn, ở khách sạn 4 sao với chi phí phải chăng... Chúng tôi cũng đề nghị Chính phủ và Bộ GTVT cho phép tăng thêm tần suất chuyến bay Huế - Hà Nội, Huế - TPHCM để đáp ứng nhu cầu của khách đến Huế”, ông Phan Thiên Định thông tin.

Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC cho rằng, lúc nào du lịch biển cũng là “thời điểm vàng”, là tiềm năng nhưng lại chưa được phát huy đúng mức.

“Theo tôi quan sát, thời gian tới, người Việt sẽ có xu hướng đi du lịch trong nước nhiều hơn. Điều tôi mong muốn là những người làm du lịch hãy tuần thủ quy định, không "chặt chém" khách hàng, luôn lịch sự, niềm nở thì du lịch chắc chắn sẽ "phất".

Về phía FLC, chúng tôi có hãng hàng không Bamboo (Tre Việt) kết hợp với hệ sinh thái của FLC tạo nên sản phẩm du lịch hoàn thiện cho khách hàng, chúng tôi kết hợp với nhiều doanh nghiệp làm tour du lịch, quần thể nghỉ dưỡng, giúp những người không có điều kiện cũng có cơ hội đi du lịch”, ông Quyết khẳng định.

Ông Lê Quang Tùng, Thứ trưởng Bộ VHTTDL cho rằng, muốn du lịch phát triển phải mở cửa hàng không. Đồng thời, các địa phương đưa ra những chính sách cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi như Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế...đã làm thời gian vừa qua.

“Vấn đề tiếp theo là làm thế nào để người dân có tiền đi du lịch? Đó mới là vấn đề quan trọng. Hiện chúng ta chưa có đề xuất cho vay kích cầu, phát triển du lịch nội địa... Thêm vào đó, chúng ta làm du lịch phải có liên kết. Nếu không chia sẻ với nhau, hàng không không chia sẻ với khách sạn, nhà hàng, chúng ta sẽ sụp đổ rất nhanh chóng. Chúng tôi mong muốn sự liên kết giữa các doanh nghiệp, địa phương với các bộ ban ngành để những chính sách chúng tôi đề xuất lên Chính phủ được triển khai chặt chẽ hơn”, ông Lê Quang Tùng nói.

P.V (Theo baochinhphu.vn)
Bình luận
Back To Top