Sẵn sàng cho những kịch bản phục hồi và kích cầu du lịch nội địa

08:49 - Thứ Năm, 11/06/2020 Lượt xem: 7446 In bài viết

ĐBP - Dịch bệnh Covid-19 đang thực sự là một cú sốc với ngành Du lịch Việt Nam ngay những ngày đầu năm 2020. Kể từ ngày 28/1/2020, chính phủ Trung Quốc đã ra lệnh cấm toàn bộ các hoạt động du lịch nội địa và du lịch nước ngoài gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới những quốc gia đón nhiều khách Trung Quốc như các nước Ðông Nam Á, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Ngay sau khi dịch Covid-19 xuất hiện, ngành Du lịch đã xây dựng các kịch bản cho việc phục hồi phù hợp với từng giai đoạn, tình hình của dịch. Thực hiện Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ, bắt đầu mở cửa du lịch trong nước một cách có giới hạn vào ngày 30/4. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã xây dựng bộ tiêu chí về du lịch Việt Nam an toàn, trước mắt phục vụ du lịch nội địa; tổ chức Hội nghị cùng với các doanh nghiệp lữ hành để khởi động lại nền du lịch trong nước và tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp lữ hành, du lịch. Ðối với du lịch quốc tế, Bộ sẽ có kế hoạch cụ thể để khi dịch bị đẩy lùi sẽ tích cực thu hút các thị trường khách quốc tế tiềm năng.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tăng tần suất các chuyến bay và mở thêm các đường bay nội địa, tăng cường truyền thông, quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam an toàn để kích cầu du lịch trong cả nước. Ðề xuất Chính phủ bổ sung giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành Du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo đó, có 3 kịch bản phục hồi, tùy diễn biến của dịch đã được vạch ra, đó là: Khi Việt Nam công bố hết dịch; khi Việt Nam và một số nước trong khu vực công bố hết dịch; khi thế giới hết dịch. Các kịch bản đều có bước triển khai phù hợp với từng thời điểm; ưu tiên kích cầu du lịch nội địa, sau đó hướng tới thị trường quốc tế và thực hiện chiến lược quảng bá “Du lịch Việt Nam - Ðiểm đến an toàn, hấp dẫn” theo từng cấp độ.

Ðề cập đến giải pháp của ngành Du lịch, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết, Bộ sẽ có hướng dẫn cụ thể về du lịch an toàn khi các di tích, cơ sở du lịch... mở cửa trở lại. “Ðây là việc làm cấp thiết để hoạt động du lịch trở lại tốt hơn. Ðiểm đến có an toàn, thì mới thu hút được du khách”- bà Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh.

Ngay khi Việt Nam công bố hết dịch, toàn ngành sẽ tập trung vào hoạt động kích cầu thị trường du lịch nội địa với sự chung tay của tất cả doanh nghiệp, đơn vị thông qua việc miễn, giảm có thời hạn giá dịch vụ hàng không, lưu trú, phí tham quan... Ðồng thời, ngành Du lịch sẽ tiếp tục triển khai việc quảng bá hình ảnh Việt Nam là một điểm đến an toàn, hấp dẫn. Bộ sẽ tổ chức Hội nghị cùng với các doanh nghiệp lữ hành để khởi động lại nền du lịch trong nước và tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp lữ hành, du lịch. Các địa phương như Ðà Nẵng, Quảng Ninh, Nha Trang, Phan Thiết… cũng là những nơi thu hút rất đông khách du lịch, hiện đang được các doanh nghiệp du lịch kì vọng có sự tăng trưởng tốt sau khi Việt Nam đẩy lùi được Covid-19 và rất nhiều doanh nghiệp đang nghiên cứu đưa ra những tour du lịch kích cầu khách hàng tại các điểm đến này.

Bên cạnh đó, để tạo nên sự hấp dẫn du lịch nội địa, sẽ có giải pháp đồng bộ từ việc tổ chức các hoạt động kích cầu du lịch nội địa, tổ chức liên kết các nhà cung cấp dịch vụ để hình thành những chương trình du lịch trọn gói với giá ưu đãi cho khách du lịch Việt Nam. Các đơn vị lữ hành cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương có ngành du lịch phát triển như Quảng Ninh, Ðà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang… để thu hút khách nội địa.

Từ những giải pháp đồng bộ để phục hồi và phát triển ngành Du lịch nội địa có thể thấy đây là cơ hội để các doanh nghiệp du lịch, các địa phương có ngành du lịch là mũi nhọn và chuẩn bị cho tương lai, trong việc giới thiệu nhiều sản phẩm mới và đa dạng, xây dựng chiến lược quảng bá hình ảnh trực tiếp và sâu rộng ra thế giới cũng như ngày một khẳng định: Việt Nam là một trong những nước tiềm năng, giàu bản sắc của khu vực châu Á.

Phạm Dương (b/s)
Bình luận
Back To Top