Dịch vụ homestay tại Hà Nội: Tự phát nên khó quản lý

10:24 - Thứ Năm, 25/06/2020 Lượt xem: 7350 In bài viết

Hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú homestay nở rộ vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, không ít cơ sở hoạt động theo mô hình gia đình, sử dụng nhà riêng để đón khách nên không đăng ký kinh doanh. Điều này khiến việc quản lý của các địa phương gặp không ít khó khăn.

Homestay đang là loại hình lưu trú du lịch được nhiều gia đình lựa chọn cho kỳ nghỉ dưỡng ngắn ngày tại Hà Nội.

Bùng nổ dịch vụ homestay ở ngoại thành

Với chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" sau dịch Covid-19, xu hướng du lịch ngắn ngày với địa điểm gần đang được nhiều gia đình lựa chọn. Đánh giá về xu hướng này, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký của Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia (TAB) cho biết, do còn lo lắng về dịch Covid-19, ngại di chuyển bằng các phương tiện công cộng nên nhiều gia đình chọn các kỳ nghỉ ngắn, chủ yếu là nghỉ dưỡng. Hiện nay, nhiều gia đình và giới trẻ có xu hướng tìm những homestay có dịch vụ tốt, thoáng đãng để nghỉ ngơi vào cuối tuần.

Là người vừa thực hiện kỳ nghỉ ngắn 2 ngày 1 đêm tại một homestay ở Sóc Sơn, Hà Nội, chị Nguyễn Hồng Anh (Thanh Xuân) cho biết, lợi thế của các homestay ở ngoại thành Hà Nội là quãng đường di chuyển ngắn, không gian gần gũi thiên nhiên nên vẫn mang đến cảm giác nghỉ ngơi thoải mái, mới lạ. Nếu chỉ nghỉ dưỡng cuối tuần, thì lựa chọn một homestay có dịch vụ tốt là rất hợp lý.

Thời điểm này, khác với sự đìu hiu tại những khách sạn ở khu vực nội thành, những cơ sở lưu trú, homestay ngoại thành Hà Nội hoặc ở những địa phương gần Thủ đô có bán kính dưới 100km đang là những địa điểm thu hút các gia đình, nhóm bạn.

Theo Giám đốc Công ty Du lịch Vietsense Travel Nguyễn Văn Tài, trong những tháng hè này, nhiều cơ sở lưu trú trong đó có các homestay tại khu vực Ba Vì, Sóc Sơn (Hà Nội), xa hơn là Hòa Bình, Ninh Bình, Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Đại Lải (Vĩnh Phúc)... đều kín chỗ.

"Du lịch nghỉ dưỡng ngắn ngày đang rất sôi động. Để có được chỗ nghỉ như ý, nhiều gia đình phải đặt trước nhiều ngày. Ngay trong tháng 6 và 7 này, đã có nhiều chỗ nghỉ thông báo hết phòng", ông Nguyễn Văn Tài cho biết. 

Chị Trần Hoàng Thiên Kim, chủ homestay Moonlight (Sóc Sơn) và homestay Nhà Vườn Sao (Hòa Bình) cho biết, lịch thuê các chỗ nghỉ của chị vào ngày cuối tuần đều không còn cho đến tháng 8. Giá thuê homestay dao động từ 4-6 triệu đồng/căn/ngày dành cho các nhóm du khách. Chị Kim tư vấn, với nhóm bạn 10 người có thể cùng chung tiền thuê một căn homestay có giá từ 5-6 triệu đồng/ngày. Số tiền này nếu chia theo đầu người cũng là chi phí hợp lý.

Quản lý homestay sao cho hiệu quả

Giới trẻ cũng lựa chọn homestay để vui chơi, chụp ảnh kỷ niệm.

Kinh doanh dịch vụ lưu trú homestay nở rộ vài năm trở lại đây. Không ít chủ kinh doanh tận dụng luôn nhà của mình để làm homestay. Có người thuê đất giá rẻ ở ngoại thành để đầu tư xây dựng loại hình lưu trú này. Tuy nhiên, từ góc độ cơ quan chức năng, việc quản lý hoạt động kinh doanh homestay gặp không ít khó khăn.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, đại diện Phòng Quản lý cơ sở lưu trú (Sở Du lịch Hà Nội) cho biết, hiện nay vẫn chưa có con số thống kê đầy đủ, chính xác số lượng homestay đang kinh doanh trên địa bàn thành phố: "Các homestay hoạt động tự phát rất nhiều. Trong đó không ít cơ sở hoạt động theo mô hình gia đình, sử dụng nhà riêng để mở dịch vụ đón khách nên không đăng ký kinh doanh. Điều này khiến việc quản lý của các địa phương gặp không ít khó khăn".

Phó Trưởng phòng Văn hóa, Thông tin huyện Ba Vì Nguyễn Việt Giao cũng thừa nhận, việc quản lý các cơ sở lưu trú homestay khó khăn hơn những loại hình resort, khách sạn bởi tính tự phát. Vừa qua, địa phương đã rà soát, kiểm tra và thống kê có 32 homestay trên địa bàn, trong đó chỉ có 7-8 cơ sở đủ điều kiện, còn lại đều không đủ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, bảo đảm an ninh trật tự nên đang tạm thời dừng hoạt động để chủ các cơ sở lưu trú hoàn thiện, đáp ứng đủ các điều kiện. 

Thực tế, để cạnh tranh về giá, không ít cơ sở kinh doanh homestay trong quá trình cải tạo, xây dựng đã cắt giảm các điều kiện về điện nước, an toàn phòng cháy, chữa cháy, y tế... Điều này khiến nhiều cơ sở không bảo đảm chất lượng dịch vụ cũng như sự an toàn cho du khách. Vấn đề này hiện đang được các địa phương tại Hà Nội chấn chỉnh.

Theo ông Nguyễn Việt Giao, huyện đã giao cho các xã phải thường xuyên kiểm tra, đồng thời hướng dẫn các điều kiện về an toàn phòng cháy, chữa cháy cho các cơ sở kinh doanh homestay. Những cơ sở không đủ điều kiện theo thẩm định của lực lượng chức năng, huyện kiên quyết không cho hoạt động. Đại diện Phòng Quản lý cơ sở lưu trú (Sở Du lịch Hà Nội) cho biết, tới đây, Sở sẽ yêu cầu các địa phương thống kê, báo cáo đầy đủ hơn hoạt động các homestay trên địa bàn.

Hà Nội đang thực hiện các chương trình kích cầu du lịch ở các loại hình lưu trú, lữ hành, điểm đến. Homestay là loại hình lưu trú đang thịnh hành, góp phần tạo thêm sức hấp dẫn cho du lịch Thủ đô. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả dịch vụ này, việc quản lý các homestay cần được thực hiện quyết liệt hơn để những điểm lưu trú này không chỉ mang đến trải nghiệm mới mà còn phải bảo đảm sự an toàn cho du khách.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top